Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Chia sẻ miễn phí - Sách bí quyết chiết tự chữ Hán

Đăng bởi Thư Pháp Dụng Phẩm ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Chữ Hán là một loại văn tự tượng hình có một không hai trên thế giới, nội hàm văn hóa ẩn chứa trong nó rất sâu sắc.

    Bí quyết chiết tự chữ Hán

    Từ việc phân tích cấu tạo và quá trình phát triển của chữ Hán, chúng ta có thể hiểu được thế giới quan, nhân sinh quan cũng như đặc điểm nhận thức, phương thức tư duy của con người Trung Quốc. Điều đó có ý nghĩa thiết thực đối với việc dạy và học tiếng Hán nói riêng và nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Hán nói chung.

    (Link tải ở cuối bài viết)

    QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA CHỮ HÁN

    Sự phát triển của chữ Hán là một quá trình biến đổi lâu dài từ chữ Giáp Cốt đến chữ Hán mà ngày nay chúng ta đang sử dụng. Việc tìm hiểu về quá trình phát triển của chữ hán là việc rất quan trọng và gần như bắt buộc đối với người học chữ Hán muốn tìm hiểu và nghiên cứu có hệ thống, giúp chúng ta hiểu đúng và ghi nhớ một cách có căn cứ về Hán tự. Quá trình biến đổi này có thể tóm tắt như sau:

    👉 Tài liệu được yêu thích: Tải miễn phí 19 Mẫu giấy kẻ ô tập viết chữ Hán.

    * Chữ Giáp Cốt 甲骨字 :

    Xuất hiện ở thời nhà ân (1600-1020 TCN). Là loại chữ viết trên mai rùa hoặc xương thú vật. Chữ ở dạng này vẽ lại giống như những gì con người quan sát được.

    * Kim văn 金文 :

    Đời nhà Chu (1021 - 256 TCN). Là loại chữ được viết trên đồ đồng như chuông, đỉnh.

    * Triện văn 篆文 :

    Thời Chiến Quốc (403-221 tr. CN) và thời nhà Tần (221-206 tr. CN). Được chia thành Đại Triện và Tiểu Triện. Được phát triển từ kim văn, được dùng để khắc con dấu.

    * Lệ thư 隶書 :

    Phát triển trong thời kỳ với triện thư, các chữ được giản thể về nét viết gần giống như khải thư.

    * Khải thư 楷書 :

    (Tiền Hán 206 tr. CN – 8 sau CN, Hậu Hán 25-220) được chia thành Hành thư và Thảo thư. Khải thư là loại chữ có kết cấu chặt chẽ, chữ được viết vào một ô vuông.

     

    Quá trình biến đổi của chữ Ngư

    Quá trình biến đổi của chữ NGƯ 魚 (con cá)

    Quá trình biến đổi của chữ Tử

    Quá trình biến đổi của chữ TỬ 子 (con, cái)

    CÁC PHÉP CẤU TẠO CỦA CHỮ HÁN  (LỤC THƯ)

    Cũng như các chữ viết khác trên thế giới, chữ Hán được hình thành từ các nét vẽ miêu tả các sự vật hiện tượng xung quanh con người. Nhưng khác ở đây là chữ Hán đã chọn một cách phát triển không giống các chữ viết khác trên thế giới. Với các chữ viết khác trên thế giới, khi xã hội phát triển, con người đã đơn giản các nét vẽ và dùng các nét đó để thể hiện cho một âm tiết nào đó trong tiếng nói của các dân tộc đó. Còn với chữ Hán, nó vẫn giữ lại ý nghĩa tượng hình ban đầu của chữ.Và dùng các phép tạo chữ khác để tạo nên các chữ có ý nghĩa trừu tượng . Chính vì thế, chữ tượng hình mặc dù chiếm một phần không lớn trong chữ Hán, nhưng lại có tầm quan trọng rất lớn trong hệ thống chữ Hán.

    Chữ Hán được hình thành theo các cách chính:

    Chữ Tượng Hình (象形文字):

    "Tượng hình" có nghĩa là căn cứ trên hình tượng của sự vật mà hình thành chữ viết. Các chữ này rất dễ nhận biết và đơn giản.

    Chữ Chỉ Sự (指事文字):

    hay chữ Biểu Ý (表意文字): Cùng với sự phát triển của con người, chữ Hán đã được phát triển lên một bước cao hơn để đáp ứng đủ nhu cầu diễn tả những sự việc đó là chữ Chỉ Sự. Ví dụ, để tạo nên chữ Bản (本), diễn
    đạt nghĩa "gốc rễ của cây" (根), thì người ta dùng chữ Mộc (木) và thêm gạch ngang diễn tả ý nghĩa "ở đây là gốc rễ" và chữ Bản (本) được hình thành. Chữ Thượng (上), chữ Hạ (下) và chữ Thiên (天) cũng là những chữ Chỉ Sự được hình thành theo cách tương tự. "Chỉ Sự" có nghĩa là chỉ định một sự vật và biểu diễn bằng chữ.

    Chữ Hội Ý (Hội Ý Văn Tự 會意文字):

    Để tăng thêm chữ Hán, cho đến nay người ta có nhiều phương pháp tạo nhiều chữ mới có ý nghĩa mới. Ví dụ, chữ Lâm (林, rừng nơi có nhiều cây) có hai chữ Mộc (木) xếp hàng đứng cạnh nhau được tạo bằng cách ghép hai chữ Mộc với nhau (Rừng thì có nhiều cây!!). Chữ Sâm (森,rừng rậm nơi có rất nhiều cây) được tạo thành bằng cách ghép ba chữ Mộc. Còn chữ Minh (鳴, kêu, hót) được hình thành bằng cách ghép chữ Điểu (鳥, con chim) bên cạnh chữ Khẩu (口, mồm); chữ Thủ (取, cầm, nắm) được hình thành bằng cách chữ Nhĩ (耳, tai) của động vật với tay (chữ Thủ 手, chữ Hựu 又). Những chữ được tạo thành theo phương pháp ghép như trên gọi là chữ Hội Ý (會意文字). "Hội Ý" có nghĩa là ghép ý nghĩa với nhau.

    Chữ Hình Thanh (形聲文字):

    Cùng với những chữ Tượng Hình, Chỉ Sự và Hội Ý, có nhiều phương pháp tạo nên chữ Hán, nhưng có thể nói là đa số các chữ Hán được hình thành bằng phương pháp hình thanh, gọi là chữ Hình Thanh (形聲文字). Chữ Hình Thanh chiếm phần lớn trong toàn bộ chữ Hán. Chữ Hình Thanh là những chữ bao gồm hai phần: phần hình (形) là phần biểu diễn ý nghĩa chính mà đã được dùng từ lâu đời, và phần thanh (聲) là phần biểu diễn cách phát âm chính xác của từ đó. Ví dụ, chữ Khẩu (口) có hình biểu diễn việc ăn hoặc nói, và chữ Vị (未) có cách phát âm giống chữ vị (trong khẩu vị) khi ghép hai chữ với nhau tạo nên chữ Vị (味) của khẩu vị. Bộ Thủy (氵) biểu diễn nghĩa dòng sông hoặc dòng nước chảy, khi ghép cùng với chữ Thanh (青, màu xanh) tạo thành chữ Thanh (清) có nghĩa là "trong suốt" hoặc "trong xanh".

    Chữ Chuyển Chú (轉注文字):

    Các chữ Hán được hình thành bằng bốn phương pháp kể trên, nhưng còn có những chữ có thêm những ý nghĩa khác biệt, và được sử dụng trong những nghĩa hoàn toàn khác biệt đó. Ví dụ, chữ Dược (藥), có nguồn gốc là từ chữ Nhạc (樂), âm nhạc làm cho lòng người cảm thấy sung sướng phấn khởi nên chữ Nhạc (樂) cũng có âm là Lạc nghĩa là vui vẻ. Chữ Dược (藥) được tạo thành bằng cách ghép thêm bộ Thảo (có nghĩa là cây cỏ) vào chữ Lạc (樂). Chữ được hình thành theo phương pháp này được gọi là chữ Chuyển Chú (轉注文字).

    Chữ Giả Tá (假借文字):

    Những chữ được hình thành theo phương pháp bằng cách mượn chữ có cùng cách phát âm được gọi là chữ Giả Tá (假借文字).

    Ở trên giải thích về bốn cách tạo chữ và hai cách sử dụng chữ Hán. Bốn cách tạo chữ và hai cách sử dụng được gọi chung là Lục Thư (六書). Thực tế còn có một dạng chữ được gọi là hình thanh kiêm hội ý, dạng chữ này cũng chiếm một lượng lớn trong toàn bộ chữ hán.

    Một số lưu ý quan trọng để sử dụng tài liệu này với hiệu quả cao nhất :

    Sách đi sâu phân tích hơn 700 chữ Hán, đây là những chữ thường gặp nhất trong thực tế sử dụng. Trong giới hạn 700 chữ này, chúng tôi tập trung phân tích các chữ ở dạng hội ý và hình thanh kiêm hội ý. Như đã trình bày ở mục trước (lục thư), tuy chữ hội ý chiếm một phần không lớn trong từ điển chữ hán nhưng việc phân tích tìm hiểu chúng có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển vốn chữ hán của người học. Chữ hình thanh tuy chiếm số lượng lớn nhưng nhìn chung là một chữ có quy tắc và có thể tự học và phân tích được nếu đã có vốn chữ hội ý tương đối (xem lại phần thống kê).

    Tài liệu cũng dành khoảng gần 300 trang để phân tích các bộ thủ, đây là các thành phần nhỏ nhất cấu thành nên chữ hán phức tạp. các bộ thủ được chọn để phân tích là những bộ thủ thường xuyên được sử dụng trong cấu tạo chữ hán. Việc tìm hiểu nguồn gốc cũng như quá trình biến đổi của các bộ thủ này sẽ là tiền đề để các bạn hiểu được ý nghĩa của các chữ hội ý và hình thanh sau này.

    Để bước đầu làm quen với chữ hình thanh, chúng tôi cũng phân tích một số chữ ở dạng này. Với đặc điểm là chữ có quy tắc cũng như có công thức cụ thể, học chữ hình thanh là phương pháp phát triển vốn chữ hán một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.

    Sưu tầm


    Cũ hơn Mới hơn