MỤC LỤC [Ẩn]
LỜI NÓI ĐẦU
(Thư hữu lưu ý: Link tải sách ở chân bài viết)
Lúc đầu học chữ Hán, điều làm tôi cảm thấy vừa khó khăn nhưng cũng vừa thú vị không kém là khi tìm hiểu, học hỏi những hư từ trong Hán ngữ, nhất là Hán ngữ cổ, trước hết vĩ tầm quan trọng và sự phong phú vô cùng của chúng. Đây là lớp từ công cụ-ngữ pháp mà nếu không am tường, chúng ta khó lòng đọc hiểu và dịch được các vãn bản Hán ngữ thể hiện dưới mọi phong cách, dạng thể từ cổ đại đến cận và hiện đại. Nhớ lại khoảng 30 năm về trước, khi tìm được quyển Văn ngôn hư tự của nhà ngữ học Trung Quốc Lã Thúc Tương và quyển Hư tự dụng pháp cập luyện tập của Chu Dực Tân trong mấy hiệu sách ở Chợ Lớn, tôi thật lấy làm mừng như có công cụ trong tay để mở ra được phần nào thế giới phức tạp của hư từ, nhưng cả hai quyển sách này đều chỉ thu thập giảng giải chừng năm, bảy chục hư từ và cụm hư từ cơ bản (như chi, hồ, giả, dã, hĩ, kỳ ...), dù sao cũng chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu học hỏi có tính chất mở rộng và nâng cao để giúp cho người học có thề di sâu vào mọi loại thư tịch, tài liệu chữ Hán. Sau có người bạn thiện ý tặng cho một lượt ba quyển cổ thư nghi nghĩa cử lệ của Du Việt (đời Thanh), Trợ tự biện lược của Lưu Kỳ (đời Thanh) và Từ thuyên của Dương Thụ Đạt, mỗi khi đọc hoặc dịch đoạn văn nào mà có chỗ nghi vấn về hư từ tôi đều tìm tra trong những sách đó, thỉnh thoảng cũng có ghi chép lại để làm thành một tài liệu dùng riêng. Tôi luôn nhớ đến anh T. - người bạn đã cho tôi những sách ấy - như nhớ đến một tấm lòng từ tâm quảng đại lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác trong đường học vấn, với cái tính thoáng không bo bo ôm giữ lấy sách vở chữ nghĩa để làm của riêng cho mình. Đó cũng là một trong những lý do, động cơ thúc đẩy trong tôi ý nghĩ sẽ có lúc nào đó biên soạn một quyển từ điển về hư từ tương đối đầy đủ dể giúp được phần nào những bạn đồng thanh khí trong bước đầu học chữ Hán có thêm một tài liệu tra cứu cho đỡ vất vả. Gần đây, tìm thêm được nhiều sách vở, tài liệu mới, tôi bắt đầu thực hiện ý định vừa kể, bằng cách tập hợp, hệ thống lại những gì đã có được, cộng thêm chút ít sở đắc riêng, để làm thành quyển Từ điển Hư từ - Hán ngữ cổ đại và hiện đại này.
Người đầu tiên nêu ra sự phân biệt và định nghĩa tương đối rõ ràng về thực từ - hư từ có lẽ là Mã Kiến Trung trong sách Mã thị văn thông (1898), quyển ngữ pháp có tính hệ thống đầu tiên của Trung Quốc, khi ông viết: “Phàm những chữ có sự lý có thề giải được, gọi là thực tự; không giải được mà chỉ dùng để bổ sung tĩnh thái cho thực tự, gọi là hư tự” (Phàm tự hữu sự lý khả giải giả, viết thực tự; vô giải nhi duy dĩ trợ thực tự chi tĩnh thái giả, viết hư tự). Theo Mã Kiến Trung, có 5 loại thực tự là danh tự, đại tự, động tự, tĩnh tự, trạng tự; và bốn loại hư tự là giới tự, liên tự, trợ tự, thán tự.
Sau Mã thị văn thông, nhà ngữ pháp học Dương Thụ Đạt khỉ soạn quyển Từ thuyên lại xếp cả phó từ (tức trạng tự), đại từ (tức đại tự) và vài loại động từ đặc biệt (như nội động từ, bất hoàn toàn nội động từ ...) vào loại hư từ. Hiện nay, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đều thống nhất có 5 loại hư từ là phó từ, giới từ, liên từ, trợ từ và thán từ. Tuy nhiên trên thực tế, các sách, từ điển về hư từ vẫn thường kết hợp giải thích luôn cả một sô' ít đại từ, vì dường như loại từ này cũng có chỗ nửa hư nửa thực, nếu xếp vào loại hư từ cũng không phải hoàn toàn vô lý. Riêng trong quyển từ điển này, ngoài việc đưa vào một số đại từ, soạn giả còn thu thập và giải thích thêm một số (chừng vài ba chục) động từ loại đặc biệt, như trợ động từ và đồng động từ (Dương Thụ Đạt gọi đồng động từ là bất hoàn toàn nội động từ), một số ít số từ và hình dung từ, điều này về mặt lý luận học thuật có thể chưa ổn so với tên gọi của từ điển nhưng về mặt thực tế lại bổ ích, xuất phát từ lương tri nhận định rằng ngôn ngữ cũng như cuộc sống, có những khoảng hư thực khó phân, nay nếu ta đem một số từ ngữ thuộc loại khó phân biệt này để giải thích vào từ điển hư từ, chắc chắn cũng không có gì trở ngại.
Trong sách này, mỗi hư từ hoặc cụm hư từ đều có ghi rõ từ loại (xem bảng chữ viết tắt) nhưng cũng có chỗ không ghi, vì khó xác định nó thuộc loại nào, nhất là những từ ghép hay cụm hư từ mà các nhà biên soạn từ điển hư từ Trung Quốc thường gọi chung là “cố định cách thức” (cách thức cố định), “quán dụng từ tổ” (nhóm/cụm từ quen dùng), “đoản ngữ” (cụm từ, như hồ vị...), hoặc “ngữ khí từ liên dụng " (ngữ khí từ dùng liền nhau, như hồ tai, dã phù, dã hồ, dã da...). Riêng trong từ điển này, những trường hợp như vừa nêu sẽ không ghi rõ từ loại nhưng khi cần thì có giải thích thêm (trong dấu ngoặc đơn) nguồn gốc của những nhóm từ đó. Giữa trợ từ (như tư, lai...) với ngữ khí từ (như hồ, tai, da...) và từ xuyết (như như, nhược, nhiên...) từ điển này cũng không tách riêng mà đều gộp chung gọi là trợ từ [viết tắt (trợ) trong dấu ngoặc đơn], trừ một số đơn thuần chỉ là từ xuyết (gồm hậu xuỵểt hay từ vĩ, hậu tố, và tiền xuyết hay từ đầu, tiền tố) thì có nêu rõ.
Phạm vi thu thập từ ngữ trong từ điển này bao quát cả Văn ngôn (Hán ngữ cổ) lẫn Bạch thoại (hĩnh thức văn viết của tiếng phổ thông hay Hán ngữ hiện đại) trong mọi thời kỳ từ thời Tiên Tần đến Đường Tống, Ngũ đại, Nguyên, Minh, Thanh cho tới hiện đại, kể cả loại Văn ngôn không chính thống tức một dạng có pha phách khẩu ngữ Trung cận đại thề hiện trong các thể loại văn học như bút ký, tiểu thuyết, hí khúc, tùy bút, cô' sự, ngữ lục và kinh luận Phật giáo ... Cũng may, trong quá trình biên soạn tôi đã tìm được quyển Đôn Hoàng biến văn tự nghĩa thông thích của Tưởng Lê Hồng và dùng tài liệu này để thu thập thêm một số hư từ và cụm hư từ đặc biệt chỉ thấy dùng trong Biến văn, một thể loại văn học kể chuyện đời Đường bao gồm phần lớn văn vẫn xen kẽ văn xuôi với nội dung căn cứ vào những chuyện kể liên quan đến kinh Phật, lịch sử và truyền thuyết dân gian. Đây là một công trình biên khảo có tính bác học với những luận chứng và đối chiếu phức tạp, nên khi rút tỉa để đưa vào từ điển, soạn giả đã cố gắng chỉ chọn những nội dung cơ bản và câu thí dụ ngắn gọn nhất vừa đủ minh họa cho ý nghĩa của một hư từ chứ khổng dẫn chứng dài dòng, bù lại có ghi rõ nguồn tham khảo bằng chữ tắt tên sách ĐHBVTNTT (Đôn Hoàng biến văn tự nghĩa thông thích) kèm với số trang để độc giả rộng đường tham khảo.
Về cách trình bày (tạm coi là cấu trúc vi mô), cũng như những cuốn từ điển, tự điển Hán ngữ khác của cùng soạn giả trước đây, từ điển này xếp các từ đơn theo trật tự 214 bộ thủ truyền thống của Trung Quốc mà người Việt Nam chúng ta đã rất quen dùng, kết hợp với thứ tự số nét. Các mục từ ghép hay cụm hư từ được xếp dưới mỗi từ đơn và theo thứ tự A,B,C ... của ký hiệu ghi âm tiếng phổ thông (pinyin). Mỗi từ đều được viết dưới hai dạng phồn thể và giản thể, ghi cả phiên âm Hán Việt lẫn âm phổ thông, và đều nêu rõ từ loại; nếu có nhiều nghĩa mà mỗi nghĩa lại theo một từ loại khác nhau thì các nghĩa và từ loại đó cũng được tách riêng thành các số 1,2,3... Trường hợp một từ (đơn hay ghép) chỉ thuộc một từ loại với nhiều ý nghĩa khác nhau thì phần từ loại chỉ ghi lên đầu, trước nghĩa số 1. Để phân biệt nghĩa cổ và hiện đại, chúng ta có chữ (văn) trong dấu ngoặc đơn để biểu thị Văn ngôn (nghĩa cổ); nếu không ghi gì cả thì nên hiểu đó là nghĩa hiện đại, hoặc cũng có thể dùng chung cho nghĩa kim lẫn cổ, vì trên thực tế trong một số trường hợp không có sự phân biệt hoàn toàn giữa Văn ngôn với Hán ngữ hiện đại.
Mỗi ý nghĩa của hư từ được cố gắng diễn đạt, giải thích bằng những từ ngữ tương đương trong tiếng Việt, khi cần mới giải thích thêm về cách dùng, vị trí trong câu và tác dụng ngữ pháp. Phần quan trọng đễ hiểu sâu ý nghĩa của các hư từ chính là những câu thí dụ mà người soạn sách này đã cố' gắng tuyển chọn sao cho ngắn gọn vừa đủ và dịch nghĩa hầu như sát theo từng chữ để người đọc dễ theo dõi. Chính vì phải dịch sát nên cốt yếu chỉ đạt được tiêu chuẩn “tín” (dịch đúng), còn hai tiêu chuẩn “đạt” và “nhã” bắt buộc phải tạm gác qua. Tất cả thí dụ dành cho những hư từ Hán ngữ cổ đều có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, không chỉ được sưu tập từ những từ thư và sách ngữ pháp hiện có mà còn được soạn giả tìm kiếm trong mọi loại thư tịch và tài liệu có được trong tay, kể cả thơ văn, ngữ lục (Phật giáo), sử sách viết bằng chữ Hán cửa các tác giả Việt Nam trong các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyên ...
Phương châm cơ bản của từ điền này là gọn và đủ, vừa tránh bớt những phân tích giảng giải quá khúc chiết tuy rất đáng nể và phản ảnh được tính khoa học của khoa ngôn ngữ nhưng lại dài dòng khó nhớ, như một số tác giả Trung Quốc đã làm, vừa cố không bỏ sót những mục hư từ cần thu thập, kề cả một số mục từ hơi lạ và tương đối ít xuất hiện. Làm như vậy, nếu tính luôn phần Bổ di phụ kèm theo phần chính (ở trang 629), từ điền này đã cố gắng đáp ứng với mức cao nhất nhu cầu học hỏi, tham khảo của độc giả, nâng tổng số mục hư từ lên đến 3.042 mục (trong đó phần chính văn của từ điền chiếm 2.892 mục với 1.072 mục từ đơn; phần “Bổ di” 150 mục).
Cuối sách là một bảng mục lục xếp theo bộ thủ, độc giả có thể tra trước tại đây để dò những mục muốn tìm và số trang rồi lật vào bên trong, hoặc tra thẳng vào nội dung từ điển, đều được. Ngoài ra còn có thêm hai bảng tra từ khác nhưng chỉ ghi theo những mục từ đơn để từ đó tra ra những mục từ ghép hay cụm hư từ khác, một theo phiên âm Hán Việt và một theo phiên âm Bắc Kinh (bằng ký hiệu chữ La-tinh) để phụ trợ cho việc tra tìm theo bộ thủ. Phần phụ lục sau chót gồm có: (1) Một số thuật ngữ cơ bản về ngữ pháp đã được dùng trong sách này; và (2) Đôi chiếu vài hư từ trong tiếng Phổ thông và tiếng Hương Cảng.
Trong việc biên soạn từ điển, cố gắng cắt nghĩa cho chính xác và ổn thỏa những thực từ đã là khổng dễ, đằng này đối tượng lại là những hư từ rất tinh tế phức tạp. Nếu có thể giúp ích được gì cho độc giả chẳng qua cũng nhờ ở sự góp nhặt, sắp xếp lại những gì đã có từ công trình của những người đi trước theo đúng quan niệm và cách nghĩ lâu nay của soạn giả, là mình chỉ làm được cái việc tra cứu trước thay cho người khác, thêm vào đó một chút công sưu tập, sắp đặt, hệ thống lại từ những tài liệu rời rạc khác nhau một cách có ý thức để tiện dụng cho những người cần dùng mà thôi. Vả chăng, thế giới chữ nghĩa ngôn từ cũng bề bộn không kém, cùng một từ ngữ trong sách cổ mà các nhà chú giải hoặc biên soạn từ điền từ trước đến nay giải thích đồi khi không thống nhất nhau, và thường cũng không có cơ sở nào để quyết định một cách chắc chắn, vĩ thư tịch qua khoảng mịt mờ của thời gian thiên cổ đã tam sao thất bổn rất nhiều, tâm ý và cách diễn đạt của người xưa cũng rất khác, về mặt học thuật, nhiệm vụ của khoa ngôn ngữ học (mà từ vựng học là một phần trong đó) đòi hỏi chúng ta phải đi dần tới sự tinh xác nhưng kinh nghiệm thực tế cũng cho thấy rằng không bao giờ có sự tinh xác hoàn toàn. Mặc dù vậy, điều này chắn chắn sẽ không dẫn đến thái độ tuyệt vọng của những người đang học hỏi nếu họ đừng tuyệt đối hóa giá trị của ngôn từ chữ nghĩa, khi thấu rõ rằng ngôn ngữ chẳng qua cũng chỉ là phương tiện diễn đạt chứ không phải là cứu cánh tối hậu của cuộc sống, và sự ngộ nhận lẫn nhau qua loại phương tiện sách vở cũng chỉ là điều phổ biến thông thường, giải thích vì sao không bao giờ có được một quyển từ điển hoàn hảo về mọi phương diện, nhất là khi nó tìm cách giải thích một ngôn ngữ cổ. Trong tinh thần đó, người soạn có thêm vài lý do nữa để hi vọng quyển Từ điển Hư từ này sẽ được tiếp nhận với lòng khoan thứ của đông đảo người sử dụng và các bậc thức giả am hiểu cũng sẵn lòng chỉ cho những chỗ sai sót, bất toàn.
Sau hết, từ điển này có lẽ cũng khó được hoàn thành như ngày hôm nay nếu không có được sự giúp đỡ tận tình của cơ sở Dịch vụ Vi tính - Chế bản do anh Dương Trĩnh Hải và chị Huỳnh Kìm Điền phụ trách, đặc biệt là công phu nhập liệu, sửa tới sửa lui nhiều lần đòi hỏi khả năng kỹ thuật tinh tế, Sự hiểu biết, cũng như sự chịu đựng kéo dài về thời gian rất lớn (mà không hoặc rất ít khó chịu) của chị Ngô Quảng Bình; anh Lê Anh Minh đã cho mượn một số tài liệu để soạn thêm phẩn “Bổ di”; anh Khưu Thành Nhơn giúp đọc lại để kiểm tra chánh tả (phần tiếng Việt) lần cuối; anh Lương Thanh Cường cùng với Nhà xuất bản Trẻ TP.HCM đã tổ chức tốt việc in ấn, xuất bản, nhân đây tôi xin bày tỏ lòng biết ơn thật chân thành.
TP.Hồ Chí Minh, tháng 4.2002
TRẦN VĂN CHÁNH