Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Các thể chữ trong thư pháp Việt

Đăng bởi Nguyễn Chí Việt ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Theo chúng tôi, nghệ thuật thư pháp Việt đương đại Việt Nam có thể được chia ra làm năm thể loại chính như sau:

    ĐIỀN THỂ, THUỶ THỂ, MỘC THỂ, PHONG THỂ VÀ BIẾN THỂ:

    1. Điền thể

    Điền thể là lối chữ mô phỏng theo chữ viết Trung Hoa, xuất hiện từ thời chữ quốc ngữ bắt đầu phổ biến và được dùng nhiều trong việc trang trí các đền chùa và miếu... Chữ được viết có sắp xếp gọn trong bố cục hình vuông hay tròn và phân bổ theo chiều dọc và ngang đều như những thửa ruộng (theo phong cách chữ Hán).

    Các thể chữ trong thư pháp Việt - Điền thể

    Điền thể

    2. Thuỷ thể

    Đây cũng là một dạng chữ mô phỏng theo chừ Trung Hoa, các nét trong một chữ không viết thành hàng ngang theo nguyên tắc viết chữ quốc ngữ thông thường, mà được viết theo chiều dọc từ trên xuống như dáng một thác nước đang tuôn chảy.

    Các thể chữ trong thư pháp Việt - Thuỷ thể

    Thuỷ thể

    3. Mộc thể

    Mộc thể là kiểu chữ được viết chân phương mộc mạc, đơn giản, dễ nhìn, tốc độ vừa phải. Kết hợp từ các đường nét cơ bản lại với nhau một cách nghiêm túc chuẩn mực. Đây là lối chữ thích hợp cho những người mới vào học viết thư pháp. Lối chữ này thường được dùng để viết những nội dung mang tính chất nghiêm túc, trang trọng và dễ truyền tải nội dung đến người thưởng lãm. 

    Các thể chữ trong thư pháp Việt - Mộc thể

    Mộc thể

    4. Phong thể

    Phong thể là lối chữ viết nhanh, trôi chảy, không ngập ngừng, như một cơn giỏ thoảng qua. Các nét được nối với nhau liên tục, ngọn bút hạn chế nhấc lên khỏi mặt giấy. Nét chữ mang tính nghệ thuật cao chứa nhiều cảm xúc nhưng gọn gàng, nghiêm túc và dễ đọc hơn biến thể.

    Các thể chữ trong thư pháp Việt - Phong thể

    Phong thể

    5. Biến thể

    Biến thể là loại chữ viết mang đậm cá tính, ngọn bút xuất phát từ cảm hứng cao độ, vận bút nhanh, đường nét trôi chảy không ngập ngừng tính toán. Lối chữ này sử dụng nhiều kỹ pháp liên bút. Ngọn bút hạn chế nhấc lên khỏi mặt giấy tối đa. Chính vì các nét được nối liên tục với nhau, chữ này đôi khi lại nối sang chữ kia nên dễ gây nhầm lẫn và khó đọc hơn các thể chữ khác.

    Các thể chữ trong thư pháp Việt - Biến thể

    Biến thể

    Nghệ thuật thư pháp đương đại Việt Nam là sự kết hợp hài hoà giữa kỹ thuật dùng bút lông, mực xạ và những đường nét tiêu biểu của nghệ thuật thư pháp Trung Hoa nói riêng, và nền thư pháp của các nước phương Đông nói chung, để thể hiện các con chữ Latinh (A,B,C...) có xuất xứ từ phương Tây, có thể nói dễ hiểu là hình phương Tây mà hồn phương Đông.

    Lối viết này quả thực là một ý tưởng rất táo bạo, mặc dù gặp không ít khó khăn trong quá trình tìm tòi và phát triển. Thư pháp Việt là đứa con sinh sau đẻ muộn, phải chịu áp lực từ nền thư pháp Trung Hoa vốn có quá trình phát triển hơn 2000 năm. Cấu trúc chữ khác nhau, đường nét và bố cục sắp xếp cũng khác nhau. Có nhiều nguồn dư luận không đồng tình về lối kết hợp này. Cho rằng viết thư pháp phải là chữ tượng hình, chữ quốc ngữ là chữ tượng thanh nên không được công nhận là thư pháp.

    Phần trên của bài viết đã nêu rõ, chữ viết Trung Hoa có cấu tạo từ sáu yếu tố (tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh, chuyển chú, giả tá). Trong đó, số lượng chữ tượng hình chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số chữ nên đâu phải chữ Hán nào cũng là chữ tượng hình. Vả lại nguồn gốc xuất xứ của các ký tự Latinh cũng từ những hình ảnh nguyên sơ, và dần dần được tối giản trở thành những ký tự nhất định. Cho nên, ta thấy các ký tự Latinh cũng là chữ tượng hình, nhưng nguyên tắc cấu thành chữ thì dựa vào phát âm để kết hợp thành chữ.

    Nguồn: Thư pháp chữ Việt - Lý thuyết và thực hành. Tác giả: Đăng học


    Cũ hơn Mới hơn