Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Các tư thế viết thư pháp bút lông đúng cách

Đăng bởi Nguyễn Chí Việt ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Có nhiều tư thế viết tùy theo hoàn cảnh và loại hình cần thực hiện:

    I. BA TƯ THẾ CHÍNH

    1. Sử dụng bàn ghế (ngồi viết)

    Mặt bàn thông thường cách mặt đất 75cm, ghế ngồi nên cao 50cm đối với người cao 170cm. Nếu người thấp hơn thì ghế cao hơn một chút.

    2. Sử dụng bàn, không ghế (đứng viết)

    Đứng viết cũng là một tư thế tốt, tầm nhìn rộng hơn, hướng nhìn thẳng với mặt giấy nên dễ theo dõi đường vận bút.

    3. Sử dụng bàn thấp, không ghế (ngồi xếp bằng)

    Sử dụng bàn thấp, mặt bàn cao hơn mặt đất từ 15 đến 20cm, ngồi xếp bằng trên thảm. Tư thế này được lợi thế là tầm nhìn vừa phải không quá gần như tư thế 1, không quá xa như tư thế 2.

    Cac tu the viet thu phap but long

    Tư thế ngồi bàn ghế viết và tư thế sử dụng bàn đứng viết

    II. BA TƯ THẾ PHỤ

    1. Bò nghiêng:

    Khi xem một số bức ảnh chụp hoặc tranh vẽ các cụ đổ xưa, bạn thấy các cụ ngồi thẳng duỗi người trên chiếu, giấy viết trải thẳng trên mặt chiếu, viết chữ đại tự thì ngồi thẳng, gặp câu liễn giấy dài phải chồm tới giống như đang bò, đấy cũng là một tư thế, tuy nhiên đó chỉ là biện pháp tạm thời, do mấy ngày xuân ngắn ngủi, đường xa đến chợ các cụ không tiện mang bàn ghế nên có giải pháp linh động vậy thôi.

    2. Quỳ gối:

    Gối trái chạm dất, tay trái chống thẳng, bàn tay ấp mặt đất, gối phải hướng lên, tư thế này thích hợp khi viết chữ lớn.

    3. Đứng viết lên vách.

    Khi viết chữ lên vách cố định, giữ tầm mắt nhìn thẳng vào nội dung đang thực hiện, điểm nhìn chỉ nên di động lên xuống ở góc không quá 45° (xem hình 3).

    cac tu the ngoi viet thu phap but long

    Các tư thế viết thư pháp bút lông

    Yêu cầu chung:

    Dù đứng viết hay ngồi viết, các bạn phải lưu ý giữ cơ thể thẳng bằng thoải mái, hai chân ngay ngắn, bàn chân tiếp xúc đi mặt đất, đặt song song nhau (nếu ngồi ghế). Hai vai bằng ngang, cột sống lưng thẳng, đầu ngay ngắn, mắt tập trung chuyên chú vào mặt giấy. Toàn thân dồn khí lực vào 2 cánh tay cho chuyển dần đến cổ tay đến lòng bàn tay và cuối cùng đến các ngón tay cầm bút lông. Thực tế các bạn rất dễ quên một đến vài điểm vì thực ra bạn đang còn phải tập trung tinh thần để nhìn đường vận bút, đồng thời phải lưu ý các ngón tay cầm bút. Khi cảm thấy đường vận bút có gì trở ngại và không như ý thì việc đầu tiên là bạn nên kiểm tra lại tư thế, sau đó xem lại cách cầm bút, nếu tất cả ổn định đúng cách mà đường bút vẫn chưa đạt thì bạn nên nghỉ ngơi hoàn toàn trong giây lát.

    Nguồn: Thư pháp chữ Hán - Lý thuyết và thực hành. Tác giả: Phạm Hoàng Quân


    Cũ hơn Mới hơn