Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Học Thư pháp – Bắt đầu từ đâu?

Đăng bởi Nguyễn Chí Việt ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Với những người mới làm quen với thư pháp, thích thú và muốn học, hầu hết đều có một câu hỏi chung: “Bắt đầu từ đâu?”.

    Tôi từng trăn trở với câu hỏi này ghê lắm. Trong những cuộc chuyện vui bên bàn nước, tôi cũng có ý gài vào câu chuyện để thỉnh giáo các bậc đi trước. Hầu hết, những câu trả lời là chung chung, hoặc không có ý gì mới, song đôi khi, cũng gặp được những ý tưởng hay, khá sâu sắc và có giá trị tham khảo.

    Tôi cứ lắng nghe những ý kiến ấy, rồi lục lọi sách vở đọc thêm, dần dần cũng hình thành suy nghĩ riêng để giải đáp câu hỏi lớn “Bắt đầu từ đâu” này. Dẫu những kiến giải còn non nớt, và có một nhược điểm chí mạng là, chưa được hiện thực hóa bằng tác phẩm, nhưng tôi cũng xin liều lĩnh viết ra, để những bậc cao nhân chỉ chính, và những người mới có thêm cái tham khảo.

    Quá trình khởi đầu gian nan có rất nhiều giai đoạn, ở mỗi giai đoạn lại có một câu hỏi “Bắt đầu từ đâu”.

    Bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ việc cầm bút

    Hoc thu phap bat dau tu dau - Cach cam but

    Cách cầm bút lông

    “Bút” ở đây hiểu theo nghĩa rộng. Nghĩa là công cụ để tạo nên tác phẩm thư pháp. Có thể là bút lông, bút cứng, hay dao đục (nếu bạn muốn học Triện khắc). Việc bạn lựa chọn công cụ nào mang tính quyết định cho đường hướng học tập và sáng tác sau này.

    Ở một khía cạnh khác, bắt đầu từ việc cầm bút, sẽ nhắc nhở rằng tư thế cầm bút chính xác là một khởi đầu quan trọng.

    Bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ chép.

    Hoc thu phap bat dau tu dau - Lam mo

    Lâm mô thư pháp

    Chép, nói bằng thuật ngữ của thư pháp là “lâm mô”. Chép, thực chất là đang học tập tiền nhân từ thành công của họ. Nếu đã từng học qua, hay yêu thích hội họa, chắc chắn mọi người đều biết, chép quan trọng như thế nào. Chỉ có điều, ở hội họa, họ vừa tập chép các tác phẩm của tiền nhân, vừa tập chép từ các tác phẩm của Thượng Đế (giới tự nhiên và vẻ đẹp của con người). Với giới họa sĩ, việc học từ chép này, tự nhiên như nó phải thế, không có gì phải bàn cãi. Thư pháp và hội họa có chung một bản chất là tạo hình từ đường nét (có lẽ vì vậy mà người ta nói “thư họa đồng nguyên” chăng!). Nên trong thư pháp, chép cũng quan trọng như trong hội họa. Thế nhưng, khá nhiều người học thư pháp lại không biết đến cần phải bắt đầu từ chép (lâm mô). Hoặc giả có biết nhưng lại cố tình bỏ qua, thực là sai lầm vậy.

    Bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ Chân thể


    Khải thư (chân thể) Cửu Thành Cung Bi - Âu Dương Tuân

    Chân thể là lối viết chữ chân phương, từng nét chữ được viết rõ ràng, đầy đủ cả ba giai đoạn khởi bút, hành bút và thâu bút. Các nét tách bạch, không nối liền với nhau. Chân đối lập với Hành và Thảo. Học lối chữ Chân sẽ rèn tập được đầy đủ những kỹ pháp cơ bản trong thư pháp, từ nền tảng ấy, mới tăng dần tốc độ bút đi đến Hành, Thảo. Bỏ qua chữ Chân đi thẳng vào Hành, Thảo là lối đi không bền vững.

    Với lối viết Chân, người học có thể bắt đầu bằng Khải hay Lệ hay Triện đều được. Song theo truyền thống, người ta vẫn khuyến khích nên bắt đầu từ Khải thư. Lý do, theo ý tôi, là vì đến Khải thư, kỹ pháp trong thư pháp được phát triển hoàn thiện và đa dạng nhất.

    Gần đây có người nêu ý kiến, vì kỹ pháp trong Khải đa dạng và phức tạp quá, khiến người mới học cảm thấy gian nan, chi bằng bắt đầu từ chữ Triện, kỹ pháp tương đối ít hơn. Người mới học chóng thấy được thành tựu, lại càng hứng khởi để học hỏi thêm nữa. Khi bút cầm đã vững, nét đưa đã nhuần, thì nâng dần độ khó, sang Lệ rồi sang Khải.

    Suy nghĩ như vậy âu cũng hợp lý, ưu điểm là nó giảm nhẹ được khó khăn buổi ban đầu. Nhưng nhược điểm của lý thuyết “Triện thư nhập thủ” (bắt đầu bằng Triện) này cũng không ít: thứ nhất, chữ Triện khó học, rườm nét, tính phổ cập ít; thứ hai, vì kỹ pháp không nhiều, khiến cho phạm vi sáng tạo rất chật hẹp. “Triện thư nhập thủ” tương đối dễ học hơn, nhưng để trở thành người sáng tác, thì khó hơn khải thư gấp bội.

    Tóm lại, hãy bắt đầu bằng lối viết Chân. Dù là Khải hay Triện.

    Bắt đầu từ đâu? Bắt đầu từ cảm xúc

    Lắng nghe cảm xúc

    Vậy là nếu chúng ta thống nhất được với nhau nên lâm mô các tác phẩm kinh điển, thì một vấn đề là, bắt đầu với tác phẩm nào, của ai?

    Có quá nhiều kinh điển để lựa chọn, và rất dễ khiến người mới học hoa mắt.

    Câu trả lời là, hãy lắng nghe cảm xúc của bạn. Hãy chọn bức thiếp hay bi mà bạn cảm thấy thực sự thích thú. Rung cảm nghệ thuật ấy sẽ nuôi dưỡng sự kiên trì của bạn trong quá trình lâm mô. Cũng chả nên băn khoăn rằng tác phẩm nào mới thực sự tốt cho việc bắt đầu. Đã là kinh điển, chúng đều như nhau.

    Chẳng hạn, ở TQ những người mới học đa phần lâm Nhan, nhưng nếu bạn cho rằng chữ của ông trông thật thô kệch, thì có nghĩa là Nhan thể không thích hợp với bạn, cố cưỡng bạn cũng không thể lâm Nhan cho đúng được.

    Một vài cái “bắt đầu từ đâu” này chưa thể bao quát hết mọi phân vân của những người mới. Nhưng đó là một chút thể nghiệm mà tôi muốn chia sẻ.

    Ghi chú:

    Ý tưởng Triện thư nhập thủ, tôi nghe từ Họa sĩ – Thư gia Lê Quốc Việt.                                                                                                                                                 Tác giả Thế Chi (Thuhoavietnam.com)


    Cũ hơn Mới hơn