Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Phân loại ấn chương, triện khắc và một số lưu ý khi đóng dấu ấn chương

Đăng bởi Thư Pháp Dụng Phẩm ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Nghệ thuật triện khắc là môn nghệ thuật sử dụng chữ triện thư khắc lên các chất liệu như đá, ngọc, ngà sừng, kim loại, gỗ.v.v.. Người khắc triện dùng dao để khắc những nội dung đã được viết, vẽ lên chất liệu. Đối với những nội dung đơn giản thì người khắc triện chuyên nghiệp có thể không cần đồ trước khi khắc. Nghệ thuật triện khắc có quan hệ mật thiết với thư pháp. Thể chữ mà triện khắc thường dùng là triện thư. Câu "triện khắc 7 phần triện, 3 phần khắc" là để nhấn mạnh thư pháp là nền tảng của triện khắc vậy.

    Phân loại ấn chương, triện khắc và một số lưu ý khi đóng dấu ấn chương

    Tác dụng của ấn chương, triện khắc

    Ấn chương là bộ phận không thể thiếu trong tác phẩm thư pháp, thư họa. Tác phẩm mà chưa được đóng dấu ấn chương vẫn là tác phẩm chưa hoàn chỉnh. Ấn chương ban đầu là tín vật, dùng để xác thực, kiểm chứng. Từ nhà Tống, Nguyên trở về sau, người ta bắt đầu chú trọng đến việc đề lời bạt và đề khoản ở tranh vẽ, vì vậy thư pháp gia dần dần nhận thấy và phát huy tác dụng của triện khắc trong tác phẩm thư pháp. Ấn chương không chỉ góp phần tăng thêm vẻ đẹp, thêu hoa dệt gấm cho tác phẩm, còn có thể điều chỉnh trọng tâm, sửa chữa những điểm còn khiếm trong bố cục, tạo ra sự ổn định cân đối cho tác phẩm.

    Tác phẩm thư pháp có đóng dấu ấn chương của thư pháp gia Khải Công

    Tác phẩm thư pháp của thư pháp gia Khải Công

    Trong tác phẩm thư pháp đóng dấu danh chương để thể hiện sự trang trọng, ngoài ra còn phòng ngừa người khác làm giả. Đóng dấu nhàn chương không có tác dụng định danh nhưng tạo cảm giác ý thú. Nhàn chương thường đóng ở đầu tác phẩm, nội dung của nhà chương có tính liên quan đến tác phẩm. Chúng ta cùng tìm hiểu thêm về các loại nhàn chương ở nội dung phía dưới của bài viết nhé.

    Phân biệt bạch văn và chu văn

    Chu văn hay còn gọi là dương văn, khi đóng dấu lên giấy thì phần chữ màu chu sa, còn phần nền màu trắng. Bạch văn hay còn gọi là âm văn, ấn chương bạch văn khi đóng dấu lên giấy thì phần chữ màu trắng, phần nền màu chu sa.

    Phân biệt chu văn và bạch văn

    Ấn chương thể thức Chu văn và Bạch Văn của thầy Đặng Anh Việt


    PHÂN LOẠI ẤN CHƯƠNG VÀ CÁCH SỬ DỤNG

    Căn cứ vào công năng sử dụng, ấn chương chia làm 3 loại chính là danh tính chương, nhàn chương và giám tàng chương.

    1. Danh tính chương 姓名章

    Danh tính chương có nội dung khắc là tên thật, tên tự hoặc tên hiệu của tác giả, sử dụng để đóng dấu phía dưới phần đề khoản. Ví dụ: Thư pháp gia Khải Công có tên tự là Nguyên Bạch, Nguyên Bá; hiệu là Uyển Bắc Cư Sĩ,  Bắc Kinh Thị Mãn Nhân. Một người có thể có nhiều tên tự hoặc tên hiệu, vì vậy họ cũng có thể khắc cho mình nhiều chiếc danh chương khác nhau. Về hình dạng của danh chương, thư họa gia Trương Đại Thiên cho rằng mặt ấn hình vuông là tốt nhất, có thể sử dụng hình tròn, các loại ấn tùy hình không thể dùng.

    Tác phẩm thư pháp của thư pháp gia Khải Công

    Tác phẩm của Khải Công, ở trên đóng dấu bạch văn "Khải Công" (tên thật) - ở dưới đóng dấu chu văn "Nguyên Bạch" (tên tự).

    Khi đóng dấu cần lưu ý một số vấn đề sau:

    - Khi đề khoản và đóng dấu thì tên thật và tên tự nên đi với nhau. Tức là, khi viết dòng đề khoản dùng tên thật thì đóng dấu dùng tên tự. Nếu viết đề khoản dùng tên tự thì đóng dấu tên thật. Nếu đề khoản mà không ghi họ tên hoặc tác phẩm đó không đề khoản thì có thể dùng ấn chương có đầy đủ họ tên để đóng dấu. Làm như vậy để dễ nhận biết và phân biệt tác giả.

    - Nếu sử dụng 02 ấn danh chương để đóng dấu thì nên dùng một ấn chu văn, một ấn bạch văn; 02 ấn nên có nội dung khác nhau: Ví dụ 01 ấn là tên thật, 01 ấn là tên tự hoặc tên hiệu như nêu trên. 02 ấn chương đóng phía trên và dưới có sự tương đồng về kích cỡ. Nếu cuối đề khoản dùng nhiều ấn thì thứ tự lần lượt ưu tiên sử dụng là: Danh chương, rồi đến tự và hiệu chương.

    2. Nhàn chương 闲章

    Hay còn gọi là bố cục chương, bao gồm: Dẫn thủ chương, lan biên chương, áp giác chương và lan yêu chương.

    Tác phẩm thư pháp có dẫn thủ chương

    Tác phẩm thư pháp có dẫn thủ chương của Khải Công

    - Dẫn thủ chương 引首章: Đóng ở vị trí đầu bên phải phía trên của tác phẩm thư pháp, hay còn gọi là tùy hình chương, tùy hình chương là việc lựa theo tạo hình của phôi triện mà thuận thế đó để khác. Tùy hình chương thường là các hình không phải là hình vuông như: Chữ nhật, hình tròn, nửa hình tròn, hình ê líp, hồ lồ, hình thái tự nhiên khác.v.v..

    Dẫn thủ chương cũng chia làm mấy loại như: Trai hiệu chương (tên hiệu của phòng đọc sách); Nhã thú chương (ghi lại cảm xúc, tâm tư, hoài bão, châm ngôn, triết lý.v.v..); niên hiệu chương (khắc năm để ghi lại thời gian viết tác phẩm); nguyệt hiệu chương (khắc tháng để ghi lại thời gian viết tác phẩm), tiêu hình chương (khắc hình con giáp).

    Tác phẩm thư pháp có lan biên chương của Tề Bạch Thạch

    Tác phẩm có lan biên chương của Tề Bạch Thạch

    - Lan biên chương 攔邊章: Chỉ loại ấn chương đóng ở 1 bên của tác phẩm thư pháp, có tác dụng tụ khí ở biên. Lan biên chương chỉ đóng ở 1 bên biên của tác phẩm. Ở tác phẩm trên của Tề Bạch Thạch nêu trên, rõ ràng việc đặt thêm một dấu lan biên chương ở góc trên bên phải khiến vị trí đó nặng hơn, kéo lại trọng, khiến 2 bên trái phải của tác phẩm cân đối hơn.

    Tác phẩm thư pháp có áp giác chương của Tề Bạch Thạch

    Tác phẩm thư pháp áp giác chương của Tề Bạch Thạch

    Lan biên chương trong tác phẩm của Âu Dương Tu

    Bức Thư "Trí Đoan Minh Thị  Độc" của Âu Dương Tu 欧阳修《致端明侍读尺牍》

    - Áp giác chương 壓角章: Chỉ loại ấn chương đóng ở góc của tác phẩm thư pháp. Áp giác chương đóng ở góc phía trên bên phải gọi là “nghênh thủ”, đóng ở 2 góc phía dưới gói là “áp giác”. Lan biên chương chỉ đóng ở 1 bên nhưng áp giác chương lại có thể đóng ở hai bên, đóng dấu ở góc có tác dụng chặn và khép kín không gian ở góc, bổ sung khoảng trống dư thừa và điều chỉnh sự cân đối ổn định của toàn bức (bạn có thể cảm nhận điều đó qua tác phẩm phía trên của Tề Bạch Thạch).

    Lan biên chương trong tác phẩm của Bắc Tông Lâm Bô

    Tùng Phiến Ngũ Thi Quyển của Lâm Bô - Bắc Tống 北宋林逋 《松扇五诗卷》

    - Lan yêu chương 攔腰章: Đối với tác phẩm thư pháp ngang dài, nếu chỉ đóng 1 dấu dẫn thủ chương ở góc trên bên phải thì phần ở tác phẩm tạo cảm giác trống, hoặc có những khi ở giữa có những khoảng trống cảm giác dư thừa thì có thể đóng thêm một dấu ở phần eo của tác phẩm. Nôi dung của nó có thể là quê quán của người viết, cũng có thể dùng tiêu hình ấn (loại ấn khắc hình con giáp). Lan yêu chương thường nhỏ hơn dẫn thủ chương và danh tính chương, 03 loại ấn chương này cấm kỵ đóng trên cùng một đường thằng.

    Lan biên chương trong tác phẩm của Hoàng Đình Kiên

    Một số nhàn chương thuộc loại tiêu hình chương

    Ở trên liệt kê rất nhiều loại nhàn chương, gọi là nhàn chương mà quả thực không thấy nhàn chút nào. Nếu việc đóng dấu nhàn chương một cách thích đáng có thể tạo ra những hiệu quả như bút mực, thậm chí có thể đạt được những hiệu quả mà bút mực không làm được.

    Giống như thư họa gia Phan Thiên Thọ nói: “Đóng đấu dẫn thủ chương, áp giác chương và danh chương giống nhau, có thể giúp cho diện mạo toàn bức thêm sắc, biến hóa biến hóa hô ứng, loại bỏ sự khô cứng, đồng thời có tác dụng làm ổn định, bình hòa.v.v..”.

    3. Giám tàng chương 鑑藏章

    Giám tàng chương

    Hoa Khí Huân Nhân Thiếp của Hoàng Đình Kiên 黄庭坚的《花气熏人帖》có nhiều giám tàng chương ở bên trái

    Giám tàng chương là loại ấn chương dùng để giám định, thưởng thức và sưu tầm. Theo ghi chép, giám tàng chương có từ nhà Đường, thịnh hành thời nhà Tống trở về sau. Đường Thái Tông tự viết 2 chữ “Trinh Quán” làm thành liên châu ấn (2 ấn nối lại với nhau), Đường Huyền Tông viết hai chữ “Khai Nguyên” làm liên châu ấn, những ấn này đều để nhà vua ngự tàng các tác phẩm thư họa. Trong tác phẩm Lan Đình Tự của Vương Hi Chi chúng ta cũng thầy có đóng rất nhiều dấu giám tàng chương. Sau này, giám tàng ấn còn được gọi với cái tên khác như: thâu tàng, trân bí, thẩm định, giám thưởng, quá mục.v.v.. Khi dùng giám tàng chương cần quan sát kích thước của chữ trong tác phẩm, để không đóng vào vị trí làm che khuất chữ hoặc bức vẽ. Nhiều người vì muốn lưu danh thiên cổ mà mù quáng đóng vào ví trí không thích hợp trong tác phẩm của cổ nhân, đó là hành vi phá hoại diện mạo tác phẩm.

    Liên Châu Ấn

    Liên Châu Ấn, 2 ấn nối với nhau


    MỘT SỐ LƯU Ý KHI ĐÓNG DẤU ẤN CHƯƠNG

    Đóng dấu là bước cuối cùng để hoàn thiện tác phẩm, việc đóng dấu có thể làm tác phẩm trở lên hoàn chỉnh hơn, cũng có thể làm hỏng cả tác phẩm. Vì vậy, việc đóng dấu cần được coi trọng, trước khi đóng dấu cần suy xét một cách kỹ lượng, tỉ mỉ. Thông thường khi đóng dấu cần chú ý một số điều sau:

    1. Kích thước của dấu cần thích hợp

    Đóng dấu có độ lớn bé thích hợp

    Kích thước danh tính chương tương đương cỡ chữ đề khoản

    Kích thước của dấu cần phù hợp với kích thước lớn bé của tác phẩm, kích thước tương đương với cỡ chữ đề khoản là tốt nhất, nhỏ hơn 1 chút cũng được, nhưng không nên lớn hơn chữ đề khoản, to hơn sẽ không còn “nhã” nữa. Trong một tác phẩm đóng 2 dấu có kích cỡ lớn bé khác nhau thì ở trên đóng dấu bé, ở dưới đóng dấu lớn để đạt được sự ổn định. Nếu như tác phẩm do nhiều người cùng hợp tác viết, nhiều người cùng đóng dấu thì cũng cần lựa ấn chương to bé phù hợp như trên.

    2. Số lượng dấu ấn vừa phải

    Đóng số lượng dấu vừa phải

    Số lượng ấn chương vừa phải, cân đối

    Về số lượng ấn trong một tác phẩm, cổ nhân nhiều người thích đóng dấu số lẻ. Đóng 1, 3 dấu, không đóng 2,4 dấu. Đóng vậy thể hiện ý là phù dương, ức (đè, dìm) âm. Số lượng dấu trong tác phẩm không nên quá nhiều, nhiều quá dễ bị loạn, thậm chí còn cảm thấy dấu ấn đang lấn át nội dung tác phẩm. Nếu tác phẩm dùng nhiều ấn thì lựa chọn các hình thức ấn chương khác nhau để tránh sự nhàm chán.

    3. Vị trí đóng dấu hợp lý

    Đóng số lượng dấu vừa phải

    Dấu yêu chương đóng ở giữa để không gian ở giữa chặt chẽ hơn, bớt khoảng trống

    Khi đóng dấu cần quan sát vị trí đóng. Trong tác phẩm chắc chắn sẽ có những chỗ hư thực, sơ mật. Vị trí đang dày mà thấy chưa đủ chặt thì đóng dấu thêm vào đó; chỗ nào lỏng mà thấy trống rỗng thì đóng thêm dấu vào để cảm thấy đầy đặn hơn. Hình dung giống như việc dịch chuyển quả cân nhỏ để tạo ra sự cân đối, bình ổn. Khi đề khoản cần tính toán để chừa không gian đóng dấu, chẳng may đề khoản hết không gian để đóng dấu phía dưới thì có thể đóng ở bên trái của dòng chữ đề khoản, không nên đóng ở bên phải. Đóng dấu ở cuối để khoản nên để khoảng cách nhất định, không nên đóng gần sát vào chữ đề khoản, tạo cảm giác chập chội, bức bối. Một bức mà đóng cả dẫn thủ chương và áp giác chương thì không nên đóng cùng ở 1 phía góc. Áp giác chương nên đóng ở góc phía dưới bên phải, còn dẫn thủ chương đóng ở phía trên bên phải phần đầu tác phẩm tạo thế góc đối nhau.

    5. Khinh trọng (nặng nhẹ) thích hợp

    Khinh trọng nặng nhẹ thích hợp

    Căn cứ vào màu sắc mà nói của dấu ấn mà nói thì chu văn (nét chữ màu chu sa) cảm giác nhẹ, còn bạch văn (nét chữ trắng) tạo cảm giác màu sắc nặng hơn. Tác phẩm viết bằng mực đen vừa phải thanh nhã, sau khi đóng dấu chu văn (cảm giác nhẹ nhàng) khiến chúng hài hòa, thống nhất. Đối với tác phẩm sắc đen đậm, sử dụng bạch văn khiến cho màu chu sa và màu mực tạo ra đối lập mạnh mẽ, 2 màu đen và chu sa tôn nhau lên tạo cảm giác thú vị. Nếu tác phẩm đóng nhiều dấu, màu sắc của ấn cần phân chủ thứ. Tức là: nhiều chu săn kết hợp với số ít bạch văn, hoặc nhiều bạch văn phối màu với ít chu văn, làm như vậy để tạo ra sự biến hóa, nhưng lại hài hòa thống nhất.

    Nếu bạn chưa biết cách trộn mực chu sa và đóng dấu sao cho đều mực, đường nét dấu rõ ràng, mời bạn tham khảo bải viết: Tại đây

    6. Phong cách thống nhất

    Phong cách của ấn chương cần phải đồng điệu thống nhất với thư thể và phong cách của tác phẩm. Ví dụ: Cấp Tự Ấn Chương sử dụng đơn đao trực nhập không nên đóng vào tác phẩm tiểu khải thanh tú, chỉn chu. Hay như tác phẩm tràn trề khí thế hùng kiện không nên dùng những chiếc ấn chương có đường nét khắc mượt mà, đầy đặn, nếu không sẽ khiến ấn chương và tác phẩm không ăn nhập với nhau, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả nghệ thuật. Khi đóng dấu nhàn chương cần chú ý nội dung của nó và chính văn của tác phẩm có tính liên quan, thống nhất với nhau. Ngoài ra cần chú ý nội dung của ấn chương và phong cách khắc cũng cần hài hòa. Ví dụ: Khắc 4 chữ “tổ quốc sơn hà” (non sông đất nước) không thể khắc vụn vặn rời rạc, hay như khắc nội dung “nhất đại anh hào” (anh hào một thời) không thể dùng đường nét mảnh lực yếu để khắc được.v.v..


    GIỚI THIỆU ĐỊA CHỈ KHẮC TRIỆN UY TÍN

    Thầy Đặng Anh Việt

    Thầy Đặng Anh Việt du học ở Đại Học Sư Phạm Hoa Trung, Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Trong quá trình học tập tại trường, thầy có theo học vẽ tranh thủy mặc của thầy Doãn Duy Tân. Khoảng đầu năm 2005 học khắc triện của thầy Lí Cẩm Thành. Sự phụ của thầy Lí Cẩm Thành là đồ tôn của Ngô Xương Thạc. Đến khoảng 2015, thầy Đặng Anh Việt bắt đầu nhận khắc triện thương mại đến nay. Thầy Đặng Việt thường nói với chúng tôi, khác triện là môn nghệ thuật khó, đòi hỏi kiến thức về cổ văn, cổ tự (đại triện, tiểu triện, hán triện, lệ thư, khải thư, dị tự.v.v..). Ngoài ra còn phải học nhiều loại đao pháp như: Cổ đao pháp, cấp tựu đao pháp, Ngô Xương Thạc đao pháp.v.v.. Về thể chữ khắc triện, Thầy Đặng Việt ảnh hưởng của Hán triện khá nhiều, về đao pháp thầy học đao pháp của Tề Bạch Thạch và một số cách khắc triện đời Thanh.

    Một số ấn chương thầy Đặng Anh Việt khắc

    Một số ấn chương thầy Đặng Anh Việt khắc

    Một số ấn chương thầy Đặng Anh Việt khắc

    Một số ấn chương thầy Đặng Anh Việt khắc

    Một số ấn chương thầy Đặng Anh Việt khắc

    Một số ấn chương thầy Đặng Anh Việt khắc

     

    Thư Pháp Dụng Phẩm dịch, tổng hợp


    Cũ hơn Mới hơn