Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Tác dụng của việc học thư pháp - Phần 1: Học thư pháp có tác dụng dưỡng sinh

Đăng bởi Việt Nguyễn Chí ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Thư pháp được cho rằng có tác dụng dưỡng sinh, cổ nhân có câu “Thọ Tòng Bút Đoan Lai 寿从笔端来”, tức tuổi thọ từ đầu bút mà ra. Câu trên minh chứng cho mối quan hệ giữa thư pháp và dưỡng sinh. Người viết thư pháp thường sống thọ.

    hoc thu phap co tac dung duong sinh

    Từ xưa đến nay, người ta thường liên hệ giữa việc học tập thư pháp với việc dưỡng sinh, tăng cường sức khỏe. Nhận định trên có căn cứ khoa học nhất định. Trước tiên, việc luyện tập thư pháp cần có sự lao động trí óc. Học thư pháp giúp rèn luyện tư duy cho người luyện tập. Nó được xếp vào loại lao động nhẹ nhàng, ít rủi ro về chấn thương như chơi các môn thể thao. Tuy nhiên, việc học thư pháp lại là hoạt động toàn thân. Điều này sẽ được làm rõ ở phần dưới của bài viết.

    QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG VIẾT THƯ PHÁP

    Luyện tập thư pháp không đơn giản chỉ là mở giấy ra, khua tay vẩy mực là xong chuyện. Chúng ta phải dụng tâm, dụng thần và dụng khí. Mỗi khi tập viết người học phải ngồi ngay ngắn, mắt nhìn chăm chú, tập trung cao độ. Khi viết đầu phải thẳng, lưng thẳng, vai thả lỏng, cánh tay mở rộng, chân vững; cầm bút phải đảm bảo chỉ thực, chưởng hư, oản bình, huyền khửu. (Tham khảo bài viết hướng dẫn cách cầm bút: Tại đây). Lực của toàn thân xuất phát từ eo, sau đó đến vai, rồi mới đến tay, cổ tay, lòng bàn tay và cuối cùng tập trung ở 05 đầu ngón tay để vận hành ngọn bút.

    hoc thu phap co tac dung duong sinh

    Lực toàn thân dồn vào đầu ngón tay

    Cổ nhân có câu:  "Lực phát hồ yêu力发乎腰", "Vụ sử thông thân chi lực bôn phó oản hạ务使通身之力奔赴腕下" . Câu trên diễn đạt cho quá trình vận lực từ eo, lấy lực toàn thân dồn vào cổ tay. Luyện tập thư pháp nhìn có vẻ như chỉ cử động đầu ngón tay nhưng kỳ thực là khí huyết toàn thân đang vận động. Người học tập thường ở trạng thái tập trung cao độ, tâm chính khí hòa, thân an ý nhàn, huyết mạch lưu thông. Người học đưa mình vào trạng thái giống như người “luyện công” vậy. Cũng vì lẽ đó mà nhiều người ví von luyện thư pháp giống như luyện khí công.

    MỖI LIÊN HỆ GIỮA HỌC THƯ PHÁP VÀ DƯỠNG SINH TRONG ĐÔNG Y

    Đông y nhận định rằng: “Con người có ngũ tạng hóa ngũ khí, sinh ra từ các trạng thái tâm lý như hỉ (vui), nộ (tức giận), bi (đau thương), ưu (buồn rầu), khủng (sợ hãi)”. Những trạng thái trên bị đẩy lên cao sẽ khiến tạng khí hao hụt. Thực đáng mừng, thư pháp có thể giúp điều chỉnh tâm thái, khiến cảm xúc ổn định, con người điềm tĩnh hơn. Làm được điều đó sẽ giúp con người khỏe mạnh từ bên trong. Nói cách khác, thư pháp chính là một loại thuốc hay một phương pháp trị liệu phi vật chất giúp phòng tránh những bệnh tật về tinh thần.

     

    hoc thu phap co tac dung duong sinh

    颜真卿《多宝塔碑》(Liễu Công Quyền - Đa bảo tháp bi)

    Theo học thuyết về kinh mạch trong đông y, động tác tay cầm và xoay quản bút (cán bút)  sẽ tạo ra ma sát làm kích hoạt huyệt  đạo “túc tam lí 足三里”. Đây là huyệt giúp cơ thể khỏe mạnh. Cầm bút lông theo phương pháp ngũ chỉ chấp bút không chỉ để viết chắc chắn, có lực mà còn thông qua việc cầm bút để điều hòa khí huyết, làm xương khớp linh hoạt, cân bằng âm dương, có lợi cho sức khỏe, từ đó có được cuộc sống lành mạnh.

    hoc thu phap co tac dung duong sinh

    颜真卿《颜勤礼碑》 (Nhan Chân Khanh - Nhan Cần Lễ Bi)

     

    Tổng hợp các loại sách, bi, thiếp, giáo trình học thư pháp: Xem ngay

    Đồng thời, thư pháp còn có tác dụng không thể xem nhẹ là bảo vệ sức khỏe tâm lý. Đường Thái Tông trong sách “bút pháp quyết” viết: “Phu dục thư chi thời, đương thu thị phản thính, tuyệt lự ngưng thần. Tâm chính khí hòa, tắc khế vu khứ diệu; tâm thần bất chính, tự tắc y tà; chí khí bất hòa, thư tất điên phúc... Hỉ tắc khí hòa nhi tự thư, nộ tắc khí thô nhi tự hiểm, ai tắc khí úc nhi tự liễm夫欲书之时,当收视反听,绝虑凝神。心正气和,则契于去妙;心神不正,字则欹斜;志气不和,书必颠覆……喜则气和而字舒,怒则气粗而字险,哀则气郁而字敛”. Nội dung đoạn trên được hiểu là khi viết thư pháp, tầm nhìn thu lại, lắng nghe nhiều hơn, tập trung suy nghĩ, tâm chính khí hòa, sự hòa hợp trên tạo lên ảo diệu. Nếu như tâm bất chính, chữ sẽ nghiêng ngả như nhân, trí khí bất hòa, chữ sẽ lật đổ... Khi người viết vui chữ sẽ thư thái, khi tức giận, khí dâng chữ sẽ hiểm, khi đau buồn khí uất dâng lên thì chữ sẽ có cảm giác bị trói buộc. Như vậy, những trạng thái tâm lý khác nhau sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hành động, thông qua hành động người đó sẽ viết ra những chữ mang sắc thái khác nhau.

    hoc thu phap co tac dung duong sinh

    苏轼《黄州寒食诗帖》 (Tô Thức - Hoàng Châu Hàn Thực Thi Thiếp)

    NHỮNG THỂ CHỮ KHÁC NHAU CÓ TÁC DỤNG DƯỠNG SINH KHÁC NHAU:

    1. Khải thư

    Khải là thể chữ đoan chính, ngay ngắn, kết cấu chặt chẽ, bút pháp nghiêm cẩn, chậm rãi ổn định thích hợp để điều chỉnh trạng thái tâm lý lo lắng, căng thẳng, hoặc những người mắc chứng sợ hãi, bệnh ở động mạch vành, bệnh cao huyết áp, bệnh huyết áp, rối loạn nhịp tim.

    hoc thu phap co tac dung duong sinh

     欧阳询楷书《九成宫醴泉铭》 (Âu Dương Tuân - Cửu Thành Cung Lễ Tuyền Minh)

    2. Hành thư

    Hành thư là thể chữ như nước chảy mây trôi, nhẹ nhàng, thoải mãi, có tác dụng phát triển trí tuệ, tăng sự linh hoạt và năng lực phản ứng. Thể chữ này phù hợp luyện tập với những người bị chứng u uất, có cảm giác tự ti, chứng bệnh tê liệt chân tay, tắc mãu não.

     

    hoc thu phap co tac dung duong sinh

    赵孟頫行书《洛神赋》(Triệu Mạnh Phủ - Lạc Thần Phú)

    3. Thảo thư

    Thảo thư có dáng vẻ phóng túng, bút thế bay lượn liên miên, lúc xa lúc gần, lúc tụ hợp lúc chia ly, thay đổi nhanh như chớp, khi viết thì liền mạch lưu loát. Thể chữ này đặc biệt thích hợp để luyện tập với người tinh thần bị kìm nén, tâm lý đau buồn. Thông qua thể chữ này người viết dễ biểu đạt được cảm xúc trữ tình. Thảo thư không phù hợp với những người có tâm lý nôn nóng.

    hoc thu phap co tac dung duong sinh

    怀素草书《千字文》 (Hoài Tố Thảo Thư - Thiên Tự Văn)

    4. Lệ thư

    Lệ thư là thể chữ thong dong, nhìn có cảm giác diễm lệ, phong cách biến hóa khôn lường, hình thái chữ phong phú. Thể chữ này có tác dụng điều chỉnh đối với những người có tính cách nôn nóng bất an, cố chấp cực đoan bảo thủ.

    hoc thu phap co tac dung duong sinh

    隶书《乙瑛碑》(Lệ thư - Ất Anh Bi)

    5. Triện thư

    Triện thư là thể chữ nghiêm chỉnh, vững chắc, đi bút chậm rãi. Thể chữ này phù hợp với người hay lo nghĩ, căng thẳng, nóng nảy, hấp tấp. Nó có tác dụng điều tiết tâm lý, hỗ trợ điều trị những người bị bệnh động mạch vành, cao huyết áp.

      

    hoc thu phap co tac dung duong sinh

    李斯篆书《峄山刻石》 (Lý Tư Triện Thư - Phong Sơn Khắc Thạch)

    Mời các bạn tiếp tục theo dõi phần 2 của bài viết: Học thư pháp là quá trình vận động dưỡng sinh.

    Thư pháp dụng phẩm


    Cũ hơn Mới hơn