Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Thư pháp bút lông - 08 Khẩu quyết của Âu Dương Tuân và một số luận giải

Đăng bởi Nguyễn Chí Việt ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Bát quyết của Âu Dương Tuân viết về 08 khẩu quyết của các nét cơ bản trong thư pháp bút lông. Ông dựa vào những hình ảnh, những hiện tượng tự nhiên để hình dung trạng thái, tinh thần của những nét cơ bản đó. Nội dung bát quyết của ông tương đối giống với thư phổ nổi tiếng “Bút trận đồ” của nguỵ phu nhân.

    I. KHẨU QUYẾT VỀ 08 NÉT CƠ BẢN

    1. Nét điểm

    [ 点 ] 如高峰之坠石.

    (Điểm) Như cao phong chi truỵ thạch

    Giải nghĩa: Nét điểm có hình dạng giống như  tảng đá có thế như rơi từ trên ngọn núi xuống

    2. Nét ngọa câu

    thu phap but long - 8 khau quyet cua Au Duong Tuan

    Nét ngọa câu hình dung như ánh trăng đầu tháng

     [ 卧钩 ] 似长空之初月.

    (Ngoạ câu) tự trường không chi sơ nguyệt

    Giải nghĩa: Nét ngoạ câu (ví dụ trong chữ tâm) có hình dạng giống như ánh trăng đầu tháng

    3. Nét hoành

    Thu phap - 08 khau quyet cua Au Duong Tuan

    Nét hoành hình dung như áng mây

    [ 横 ] 若千里之阵云.

    (Hoành) Nhược thiên lý chi trận vân

    Giải nghĩa: Nét hoành hình dung giống như áng mây bay vạn dặm

    4. Nét thụ

    Nét thụ hình dung khỏe khoắn như cây khô cuốn

    [ 竖 ] 如万岁之枯藤.

    (Thụ) Như vạn tuế chi không đằng

    Giải nghĩa: Nét thụ vững chắc khoẻ khoắn như cây khô

    5. Nét tà câu

     [ 斜钩 ] 劲松倒折, 落挂石崖.

    (Tà câu) Kính tùng đảo chiết, lạc quải thạch nhai

    Giải nghĩa: Nét tà câu hình dung giống như cây tùng bị đổ, rơi gác ở vách núi (chỗ này mong bạn bè thư hữu kiến giải thêm)

    6. Nét hoành trắc câu

    Nét hoành trắc câu hình dung như chiếc nỏ

      [ 横折钩 ] 如万钧之弩发.

    (Hoành chiết câu) Như vạn quân chi nỗ phát

    Giải nghĩa: Hoành chiết câu hình dung giống như chiếc nỏ thần kỳ khi bắn tạo ra sức mạnh vô song (vạn quân)

    Các hình thái khác nhau của triết câu

    Các hình thái khác nhau của chiết câu

    Nét chiết câu được hình dung như các bộ phận của chiếc nỏ. Phần ra câu giống như mũi tên. Chiếc nỏ có các trạng thái khác nhau khi thẳng khi cong, khi dài khi ngắn.

    7. Nét phiết

    net phiet hinh dung nhu thanh kiem

    Nét phiết hình dung như thanh kiếm có thể chém đứt ngà voi

    [ 撇 ] 利剑截断犀象之角牙.

    (Phiết) Lợi kiếm tiệt đoạn tê tượng chi giác nha

    Giải nghĩa: Nét phẩy như bảo kiếm sắc nhọn có thể chặt đứt sừng tê giác, ngà voi

    8. Nét nại

    Net nai chuyen but 3 lan

    Nét lại chuyển bút 3 lần

    [ 捺 ] 一波常三过笔.

    Nại nhất ba thường tam quá bút

    Nết nại khi viết thường giống như ngọn sóng có 3 lần chuyển bút

    Hình thái nét nại

    II. CÁC KHẨU QUYẾT KHÁC CỦA ÂU DƯƠNG TUÂN TRONG VIỆC HỌC TẬP

    1. Nguyên văn:

    澄神静虑, 端己正容, 秉笔思生, 临池志逸

    Trừng thần tĩnh tự, đoan kỷ chính dung, bính bút tư sinh, lâm trì chí giật

    虚拳直腕, 指齐掌空, 意在笔前, 文向思后

    Hư quyền trực oản, chỉ tề chưởng không, ý tại bút tiền, văn hướng tư hậu.

    分间布白, 勿令偏侧. 墨淡则伤神彩, 绝浓必滞锋毫

    Phân gian bố bạch, vật lệch thiên trắc. Mặc đạm tắc thương thần thái, tuyệt nồng tất trệ phong hào

    肥则为钝, 瘦则露骨, 勿使伤于软弱, 不须怒降为奇

    Phì tắc vi độn, sấu tắc lộ cốt, vật sử thương vu nhuyễn nhược, bất tu nộ hàng vi kỳ

    四面停匀, 八边具备, 短长合度, 粗细折中

    Tứ diện đình quân, bát biên cụ bị, đoản trường hợp độ, thô tế chiết trung

     心眼准程, 疏密欹正. 筋骨精神, 随其大小

    Tâm nhãn chuẩn trình, sơ mật y chính. Cân cốt tinh thần, tuỳ kỳ đại tiểu

    不可头轻尾重, 无令左短右长, 斜正如人, 上称下载, 东映西带, 气宇融和, 精神洒落

    Bất khả đầu khinh vĩ trọng, vô mệnh tả đoản hữu trường, tà chính như nhân, thượng xưng hạ tải, đông ánh tây đái, khí vũ dung hoà, tinh thần sái lạc

    省此微言, 孰为不可也

     Tỉnh thử vi ngôn, thục vi bất khả dã

    2. Luận nghĩa:

    Nội dung khẩu quyết trên là những yêu cầu và phương pháp khi thư pháp bút lông:

    Đoạn thứ nhất, “澄神静虑, 端己正容, 秉笔思生, 临池志逸” nói đến trạng thái tinh thần trước khi viết. Trước khi viết gì thì trong đầu đã phải sáng tỏ về chữ đó, tinh thần tĩnh tại để cân nhắc vê chữ sắp viết. Đầu lông bút đã được vuốt lấy mực và ở trạng thái ngay ngắn, vừa cầm bút vừa suy nghĩ. Khi bắt đầu viết tinh thần thư thái thoải mãi.

    Đoạn thứ hai, “虚拳直腕, 指齐掌空, 意在笔前, 文向思后”  nói về  cách cầm bút và bút ý.

    Cầm bút uyển chuyển linh hoạt, cổ tay thẳng đứng, các ngón tay cầm vào bút chắc chắn, lòng trong bàn tay trống rỗng (hình dung giống như năm 1 quả bóng bàn trong lòng bàn tay), ý phải có trước khi viết.

    Đoạn thứ ba, “分间布白, 勿令偏侧. 墨淡则伤神彩, 绝浓必滞锋毫” nói về  nguyên tắc kết cấu (nội dung này được Âu Dương Tuân viết rõ hơn ở 36 pháp về kết cấu) và cách dụng mực.

    Phân bố không gian trong chữ cần phải đều, không nên có sự chênh lệch. Mực nhạt thì làm chữ mất đi thần thái. Mực đậm thì làm lông bút quện vào nhau, khó phô hào khi viết. Như vậy, độ đậm nhạt của mực rất quan trọng, không phải mực đậm đặc là tốt, mực đậm đặc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả khi viết.

    Đoạn thứ tư, “肥则为钝, 瘦则露骨, 勿使伤于软弱, 不须怒降为奇” nói đến việc độ đậm nhạt, béo gầy của chữ.

    Chữ của Âu sở dĩ được đánh giá là đệ nhất khải thư là do nó thực sự hoàn mỹ, ảo diệu ở nhiều khía cạnh. Người ta nói “Nhan cân, Liễu cốt”, tức là chữ của Nhan Chân Khanh thì bề thế, đầy đặn (béo tốt), còn chữ Liễu Công Quyền thì lộ ra vẽ cứng cáp, rắn rỏi (gầy). Chữ của Âu lại hướng đến sự bình ổn, cân bằng giữa béo và gầy, cân và cốt. Đoạn trên ông viết, nếu chữ béo thì lộ vẻ chậm chạp, ì ạch, nếu chữ gầy thì lộ ra sự khô cứng, xương xẩu. Chữ không được để lộ ra sự mềm yếu.

    Đoạn thứ năm, “四面停匀, 八边具备, 短长合度, 粗细折” nói đến nguyên tắc về tổng thể bố cục.

    Bố cục của chữ ở bốn phương, tám hướng phải đều nhau, độ dài ngắn, thô tế thích hợp (nội dung này được Âu Dương Tuân viết rõ hơn ở 36 pháp về kết cấu).

    Đoạn thứ sáu, “心眼准程, 疏密欹正. 筋骨精神, 随其大小”  nói về độ lớn bé và độ nghiêng, thẳng của chữ.

    Khi viết chữ tâm và nhãn phải hợp nhất, cần để ý đến các chi tiết trong chữ như: Khoảng cách gần xa (sơ mật), thẳng hay nghiêng, cần thể thiện hiện tinh thần (ý của người viết) cân (da thịt) hay cốt (xương).

    Đoạn thứ bảy, “不可头轻尾重, 无令左短右长, 斜正如人, 上称下载, 东映西带, 气宇融和, 精神洒落” đề cập đến các yêu cầu về kết cấu ở các góc độ khác nhau.

    Trong chữ không được để đầu nhẹ, đuôi nặng, không để trái ngắn phải dài, chữ tà hay chính cũng giống như con người vậy. Đối với những chữ có kết cấu nửa trên nửa dưới thì trên đội, dưới gánh. Có những chữ như ánh sáng mọc hướng đông, nặn hướng tây. Phong thái (khí lượng) của chữ phải hài hoà, tinh thần phải rõ ràng, mạch lạc. Nội dung trên thể hiện quan điểm của Âu Dương Tuân về chữ và thể hiện khá rõ ràng trong chữ của ông.

    Cuối cùng, đoạn kết ông cường điệu rằng những điều ông nói trên tuy ngắn gọn nhưng rất quan trọng và cần phải thuộc khi học chữ ông.

    Do trải nghiệm của tôi còn hạn chế nên một số chỗ giải nghĩa chưa hợp lý hoặc chưa đầy đủ. Rất mong nhận được sự đóng góp của Quý thư hữu để tôi tiếp tục cải chính nội dung bài viết.

     Thư Pháp Dụng Phẩm

     


    Cũ hơn Mới hơn