MỤC LỤC [Ẩn]
Thư pháp bút cứng 硬笔书法 (Ngạnh Bút Thư Pháp)là nghệ thuật viết chữ Hán đẹp bằng bằng bút ngòi cứng như: bút máy, bút bi, bút gel.v.v.. Trong quá trình luyện tập người học sử dụng công cụ hỗ trợ là vở viết chữ Hán kẻ ô. Việc sử dụng vở kẻ ô giúp người học dễ định vị không gian trong khi lâm mô (hình thức luyện tập viết theo chữ mẫu). Trên thị trường có rất nhiều loại kẻ ô khác nhau dẫn đến việc người học lúng túng không biết loại kẻ ô nào là phù hợp? Ở bài viết này, chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu các loại ô để viết chữ Hán và công dụng của chúng nhé.
(Shop chia sẻ file Pdf các mẫu giấy kẻ ô để in ra tập viết ở cuối bài viết)
Có 08 hình thức kẻ ô và kẻ hàng cơ bản là: Mễ tự cách, điền tự cách, ô vuông, hồi cung cách, trung cung cách, giấy kẻ dọc, giấy kẻ ngang. Mỗi loại kẻ ô ra đời đều có tác dụng riêng, người dùng căn cứ vào mục đích, yêu cầu của việc luyện tập mà lựa chọn cho mình loại phù hợp. Không có quy định hoặc tài liệu nào khẳng định chỉ nên tập một loại ô nào đó.
1. Mễ tự cách
Mễ tự cách 米字格 là ô kẻ theo hình chữ mễ 米 (sau đây gọi là ô chữ mễ). Trong các loại kẻ ô thì mễ tự là loại phổ thông và được sử dụng phổ biến nhất, không chỉ đối với thư pháp bút cứng mà người học thư pháp bút lông cũng hay sử dụng loại kẻ ô này. Ô chữ mễ phân chia không gian thành 8 phần giúp người mới học cảm nhận, định vị không gian dễ dàng. Ô mễ tự được sử dụng nhiều ở giai đoạn đầu luyện viết, sau này để giảm bớt sự phụ thuộc về không gian định sẵn nên chọn những loại ô khác như điền tự cách hoặc ô vuông.
2. Điền tự cách
Điền tự cách 田字格 là ô kẻ theo hình chữ điền 田 (sau đây gọi là ô chữ điền). Đây cũng là loại kẻ ô được nhiều người sử dụng. Ô lớn được chia thành 04 ô nhỏ bằng nhau. Khi dùng ô chữ điền, người học cần phải cảm nhận nhiều hơn về không gian, tính toán điểm khởi đầu của một nét nên đặt ở vị trí trong phạm vi của ô nhỏ. So với ô chữ mễ thì bạn đã giảm đi sự lệ thuộc vào không gian rồi.
3. Ô vuông
Không bạch cách 空白格, hay còn gọi là ô vuông trống. Vở kẻ ô vuông chỉ giới hạn phạm vi bao ngoài. Chữ viết bên trong do bạn tự cân đối về gian giá, kết cấu. Sử dụng vở ô vuông tức là bạn đã cảm nhận tương đối tốt về không gian rồi. Vấn đề đặt ra là khi mới luyện tập bạn viết vở kẻ ô vuông có được không? Theo quan điểm của mình là được, vì như vậy bạn tự ép bản thân mình phải cảm nhận nhiều hơn, tư duy nhiều hơn về không gian.
4. Hồi cung cách
Hồi cung cách 回宫格 là ô kẻ theo hình chữ hồi (say đây gọi là ô chữ hồi). Ô chữ hồi do thư pháp gia đương đại Dương Vi Quốc tiên sinh sáng tạo ra. Loại kẻ ô này giúp khống chế ở khu vực trung cung (khu vực ở giữa của chữ) chặt chẽ (không bị lỏng lẻo), khống chế các nét kéo dài ở khu vực phía ngoài (không bị kéo dài quá đà), đồng thời điều tiết chiều cao và chiều rộng của chữ. Từ đó giúp cho chữ có mật, có sơ, kết cấu chữ ổn định.
5. Trung cung cách
Trung cung cách 中宫格 có ô bao ngoài hình vuông và ô vuông nhỏ hơn nằm ở giữa phía trong (xem hình minh họa). Trung cung cách do thư pháp gia đương đại Vương Học Thần tiên sinh sáng tạo ra. Ông nổi tiếng với phương pháp luyện tập “5 ngày nhanh chóng luyện thành” 五天练字速成. Theo đó, luyện ô trung cung được cho là dễ nắm bắt, phân tích, hiểu kết cấu của chữ, thông qua luyện tập trên trung cung cách có thể nhớ được kết cấu chữ hán và các kỹ năng tổng hợp. Phương pháp học của ông được ví von như trao cho người học con cá nhưng không trao cần câu.
6. Cửu cung cách
Cửu cung cách 九宫格 hay còn gọi là cửu phương cách. Cửu cung cách tương truyền do thư pháp gia Âu Dương Tuân, đời nhà Đường sáng tạo ra. Tác phẩm Cửu Thành Cung Lễ Tuyền Minh của Âu được coi là đệ nhất khải thư, ngày nay số lượng người học Âu thể rất nhiều. Ô ở giữa được gọi là trung cung, 3 ô phía trên gọi là thượng tam cung, 3 ô phía dưới là hạ tam cung, ô bên trái là tả cung, bên phải là hữu cung. Việc chia nhỏ các khu vực giữa, trên dưới, trái phải như trên giúp đối chiếu lâm mô tự hình và sắp xếp vị trí các nét.v.v.. Sau này, cửu cung cách được được diễn biến thành các loại ô khác nhau phức tạp lên hoặc giản lược đi như: bát thập nhất cách (81 ô), tam thập lục cách (36 ô), song hồi tự hình 双回字形, hồi cung cách.
7. Giấy kẻ dọc
Giấy kẻ dọc là loại giấy kẻ các đường theo chiều dọc. Khi sử dụng loại giấy kẻ này đương nhiên bạn sẽ viết theo chiều dọc, đây là cách theo lối cổ, tức là viết từ trên xuống dưới, từ phải qua trái. Người viết dễ dàng căn chữ trên và chữ dưới theo chiều dọc, khi đó trọng tâm của chữ nằm trên một đường dọc. Nếu không có kẻ ô như vậy sẽ rất dễ xảy ra tình trạng viết chữ bị lệch trái hoặc lệch phải.
8. Giấy kẻ ngang
Giấy kẻ ngang là loại giấy kẻ các đường theo chiều ngang. Đây là hình thức kẻ và trình bày theo bố cục hiện đại, tức là viết trên hàng ngang từ trái qua phải. Cách thức viết trên cũng chỉ là tương đối, còn trình bày, viết theo thứ tự như nào phụ thuộc vào sự sáng tạo của bạn. Giấy kẻ ngang phù hợp để bạn sử dụng trong ghi chép học tập hàng ngày.
Như vậy, ở trên Thư Pháp Dụng Phẩm đã giới thiệu tới bạn 08 loại giấy kẻ ô, kẻ hàng phổ biến nhất hiện nay. Như đã nêu, mỗi loại giấy kẻ ô đều có những đặc điểm, công dụng riêng và phù hợp với người học ở những giai đoạn, mục đích sử dụng khác nhau. TPDP cung cấp các loại giấy tập viết chữ Hán rất cơ bản với giá thành cực kỳ hợp lý. Mời bạn tham khảo tại đây: Sách, vở luyện viết chữ Hán.
👉 Shop chia sẻ miễn phí các tài liệu học viết chữ Hán dành cho người mới bắt đầu. Hãy nhắn tin cho shop để được chia sẻ tài liệu nhé!
👉 Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc về loại giấy này xin hãy để lại bình luận ở phía dưới.
👉 Tải miễn phí mẫu giấy kẻ ô viết chữ Hán file Pdf: Tại đây.