Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Vật dụng cần thiết cho người mới học thư pháp

Đăng bởi Thư Pháp Dụng Phẩm ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Vật dụng cần thiết cho người học thư pháp rất đa dạng, phong phú. Việc tuyển chọn, sưu tầm dụng cụ học tập cũng cần sự nghiêm túc, kỳ công như việc học tập môn nghệ thuật thư pháp vậy. Người học thư pháp cũng cần am hiểu về các vật dụng này thì mới có thể sử dụng tốt chúng được. Tuy nhiên, người mới học thư pháp chỉ cần một số vật dụng cơ bản. Sau này, trong quá trình học tập sẽ tiếp tục mua bổ sung những vật dụng cần thiết khác.

    Giới thiệu các dụng cụ học thư pháp

    Bàn về dụng học tập thư pháp thì trước tiên phải kể đến “văn phòng tứ bảo”, đây là những vật dụng không thể thiếu cho người mới học thư pháp. Văn phòng tứ bảo gồm có bút lông, nghiên mực, giấy viết thư pháp, mực tàu (hay còn gọi là mực nho). Ngoài những vật dụng này ra còn cần đến 1 số vật dụng bổ trợ khác như: Giá treo bút, mành bảo quản bút, gác bút, thảm lót giấy.v.v..

    Bộ văn phòng tứ bảo

    1. Bút lông

    Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại bút lông khác nhau. Thư pháp Hán và thư pháp Việt kỹ pháp có nhiều điểm khác biệt. Vì vậy, mỗi thể chữ, font chữ hoặc thói quen dụng bút của từng người mà lựa chọn loại bút phù hợp riêng. 


    Các mẫu bút lông của Thư Pháp Dụng Phẩm hiển nay ngày càng đa dạng, phù hợp với nhiều thể chữ, phong cách viết chữ khác nhau.

    Để tìm hiểu sâu hơn về bút lông, mời bạn tham khảo bài viết Kiến thức cơ bản về bút lông.


    Về cơ bản các bạn mới học nên mua cho mình 1 bộ bút lông gồm ba cỡ tiểu, trung, đại để luyện tập các cỡ chữ khác nhau. Sau này, bạn có thể sưu tầm thêm vào bộ bút lông của mình cỡ bút để viết tiểu khải (bút dùng để viết cỡ chữ nhỏ như: Lạc khoản, chép kinh) và bút đẩu (hay còn gọi là bút đại trảo, đại đẩu dùng để viết cỡ chữ lớn như: câu đối, hoành phi, biển ngạch).

    Người mới học thư pháp nên chọn loại bút có phần lông là lang hào  hoặc kiêm hòa. Bút lang hào (lông sói, hoàng thử lang) có tính cứng sẽ giúp các bạn mới học dễ làm quen với bút hơn, điều khiển lông bút dễ dàng hơn. Bút kiêm hào hay còn gọi là bút lông pha được cấu tạo từ 2 loại lông trở lên (thường là lông dê có tính mềm và lông lang hào có tính cứng) nên bút có độ mềm vừa phải, thích hợp viết khải thư và hành thư. Đối với một cây bút, các bạn thường quan tâm các thông tin sau: Lông bút là loại lông gì, đường kính của cổ bó bút (khẩu kính), xuất phong (chiều dài lông bút). Ngoài ra, có thể quan tâm các thông tin như chiều dài cán bút, tem dán trên bút, tên bút, cơ sở sản xuất bút, công nghệ sản xuất bút, cỡ bút được khắc trên thân bút.v.v..

    Bút lông viết thư pháp

    Bút lông như ý kiêm hào thượng thư là mẫu bút lông rất cơ bản được nhiều thư hữu yêu thích, sử dụng

    Tham khảo các mẫu bút lông thư pháp: Tại đây

    2. Nghiên mực

    Trên thị trường có nhiều loại nghiên mới mức giá khác nhau. Đối với các bạn mới học có thể lấy đĩa, gạt tàn thuốc làm nghiên cũng không sao. Tuy nhiên, theo chúng tôi về lâu dài bạn nên mua 1 nghiên có lắp đậy. Mục đích là để sau khi tập viết không dùng hết mực sẽ lấy lắp đậy vào để lần sau dùng tiếp. Làm vậy sẽ tránh làm mực bay hơi (mực nước bay hơi nhanh), tiết kiệm thời gian rửa nghiên, tiết kiệm mực vì nếu mực dùng thừa bỏ đi cũng rất lãng phí, đổ lại mực thừa (đã qua sử dụng) vào chai sẽ làm hỏng cả chai mực.

    Nghinh khách tùng thạch hấp nghiên

    3. Giấy tập viết thư pháp

    Các bạn mới học chưa viết tác phẩm nhiều nên ở mục này cần quan tâm đến giấy tập viết nhiều nhất. Giấy tập viết thông dụng có giấy tập viết ô mễ (ô tập viết dạng chữ mễ), giấy tập viết điền tự (ô tập viết dạng chữ điền), giấy tập viết cửu cung (ô tập viết dạng 9 ô vuông). Mỗi loại giấy tập viết dùng vào mục đích luyện tập và ở giai đoạn học tập khác nhau. Trong đó, giấy tập viết ô mễ là phổ biến, dễ căn chuẩn cho người mới học. Sau này các bạn có thể mua giấy xuyến trắng, giấy xuyến màu, giấy mỹ thuật (ganh, ốp, nhung) về để viết tác phẩm.

    Ngoài ra, đối với những bạn học thư pháp Việt thì có thể sử dụng giấy gòn để tập viết. Giấy gòn có giá thành rẻ, khi viết dễ tạo nét xước (một số phong cách viết thư pháp coi trọng việc tạo nét xước tự nhiên). 

    Giấy gòn viết thư pháp việt

    Giấy gòn dùng để tập viết thư pháp Việt

    Ngoài ra, trong quá trình học tập cần luyện tập viết trên giấy xuyến chỉ. Đây là loại giấy truyền thống sử dụng để viết tác phẩm thư pháp. Do giấy xuyến chỉ có độ loang nhất nên người học cần luyện tập để làm quen. Có 3 loại giấy xuyến (giấy tuyên) chính là: Giấy sinh xuyến (hay còn gọi là xuyến sống); giấy bán sinh bán thục xuyến (giấy xuyến nửa chín); giấy sinh xuyến (xuyến sống). Trong đó, bán sinh bán thục xuyến là phù hợp để viết thư pháp nhất, còn thục xuyến thì phù hợp để vẽ tranh công bút (tả thực), sinh xuyến phù hợp vẽ tranh tả ý. Nhiều người khi chọn giấy viết tác phẩm rất cầu kỳ, bởi mỗi lại giấy xuyến lại phù hợp để thể hiện những tác phẩm khác nhau theo ý đồ của tác giả.

    Giấy tập viết thư pháp

    Giấy tập viết thư pháp

    4. Mực tàu, mực nho

    Về công dụng, có 2 loại mực là mực thỏi và mực nước. 

    Mực thỏi là mực dạng cứng, để sử dụng bạn phải mài với nước trên nghiên đá. Việc mài mực thỏi tốn nhiều thời gian những cũng rất đỗi thú vị, đem lại cho người học những giây phút thư thái. Để mài mực bạn cho 1 chút nước vào nghiên sau đó cầm thỏi mực mài theo vòng tròn cùng chiều kim đồng hồ hoặc ngược chiều kim đồng hồ. Lưu ý cần bổ sụng nước trong quá trình mài, mực sau khi mài sẽ dồn xuống mặc chì trong nghiên. Mài mực cho đến khi đã thấy đủ lượng để dùng và đủ độ đặc sánh cần thiết. Đối với một số loại mực thỏi rẻ tiền sẽ phải mài rất lâu mới ra mực. Đối với loại mực này cần chấm đầu thỏi mực vào nước để khoảng 5-10 phút, làm vậy để phần tiếp xúc với nước mềm dần ra để bạn mài mực dễ dàng hơn.

    Mực nước đã được pha sẵn, các bạn có thể đổ ra dùng ngay. Một số loại mực có độ đậm đặc cao thì có thể pha thêm nước vào mực để dùng cho tiết kiệm. Hơn nữa, trong quá trình sử dụng mực trong nghiên mực có thể bay hơi nước khiến mực đậm đặc gây khó viết, khi đó cũng có thể đổ thêm nước trắng vào để pha loãng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý nếu pha nhiều nước vào mực thì mực sẽ bị loãng và dễ bị loang trên giây xuyến chỉ. Mực đã qua sử dụng các bạn tránh đổ lại vào chai. Làm như vậy sẽ làm hư cả chai mực, mực bị hỏng sẽ có mùi hôi khó chịu. 

    Mực tàu thư pháp

    Chai mực nước hiệu Chu Hổ

    Ngoài những vật dụng trên, bạn cần sắm thêm những vật dụng sau: Bút liêm (hay còn gọi mành bảo quản bút), giá treo bút, chặn giấy (hay còn gọi là chấn chỉ), gác bút, ấn triện, mực ấn, giáo trình, thiếp, bi để lâm thiếp (nhìn theo chữ mẫu để tập viết).v.v...

    Thư Pháp Dụng Phẩm


    Cũ hơn Mới hơn