Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Tìm hiểu về văn phòng tứ bảo - Phần 1: Bút lông

Đăng bởi Nguyễn Chí Việt ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Văn phòng tứ bảo là bốn món đồ nghề thiết yếu của thư họa gia, người xưa rất quý trọng nên gọi là “Bảo”. Văn phòng tứ bảo – “bốn vật quý nơi phòng văn” dùng chung cho tất cả những ai làm việc liên quan đến chữ viết, hình vẽ xưa từ vua chúa, quan lại, văn nhân, nhà giáo, thầy thuốc… đều phải sử dụng và gắn bó đặc biệt mật thiết với thư họa gia. Văn phòng tứ bảo bao gồm: Bút, Nghiên, Giấy, Mực (Bút, Nghiễn,Chỉ, Mặc 笔,砚,纸,墨). Ngoài ra còn một số vật dụng phụ trợ khác đem lại sự tiện lợi trong khi luyện chữ như thẻ gác bút, vải để lót giấy trong lúc viết… đều là những vật cần thiết. Trong quá trình luyện tập chúng ta sẽ tuyển dụng theo yêu cầu phát sinh, thói quen hoặc sự thuận tay của từng người. Riêng về văn phòng tứ bảo chúng ta sẽ tìm hiểu sơ qua để có khái niệm cơ bản về những vật dụng thân thuộc mà ta tiếp xúc thường xuyên và biết cách chọn lựa khi mua sắm những vật dụng quan trọng đó.

    1. BÚT LÔNG (MAO BÚT)

    Bút lông được thống nhất cách gọi là “bút” từ khi nhà Tần thống nhất Trung Hoa. Trước đó nó có nhiều tên gọi khác, như ở nước Sở gọi là Duật 聿; ở nước Ngô gọi là Bất Luật 不律; ở nước Yên gọi là Phất 弗. Có thuyết cho rằng Mông Điềm, một danh tướng của Tần Thủy Hoàng, nhân lúc hành quân tại Sở (223TCN) qua núi Trung Sơn bắt được giống thỏ lông dài lệnh cho thợ lột lấy lông tạo ra bút, khi dùng thấy tính năng rất tốt. Tư Mã Thiên trong “ Sử Ký’ cũng có ghi “ Mông tướng quân nhân phạt đất Trung Sơn mà có bút, Thủy Hoàng phong cho đất Doanh Thành”. Người đời cũng nhân đó lấy tên Doanh Thành đặt tên cho bút lông. Thật ra thì bút có sớm hơn thời gian mà bút trên nêu, từ văn kỳ tân thạch khí thời đại đã có những món đồ sành được vẽ màu với những đường nét tinh tế, mà nếu không sử dụng bút lông thì không thế thực hiện được. Quá trình hình thành bút lông được sử dụng đến hôm nay có thể tóm lược rằng khởi phát từ văn kỳ tân thạch khí thời đại, hình thành ở thời Thương, Chu; phát triển ở thời Tần, Hán; hưng thịnh thời Đường, Tống; cực thịnh thời Minh, Thanh.

    Nguyên liệu chế bút thời cổ đại chủ yếu dùng lông cầm thú như lông gà, lông ngỗng, lông chim trĩ, lông dê, lông hươu nai, lông heo, lông cọp, lông báo… thậm chí dùng cả râu người để chế tạo. Đến giai đoạn dùng lông thỏ là cả một quá trình dài hàng trăm năm. Người ta lại phát hiện thêm là khi sử dụng lông thỏ thì phải lấy lông vào mùa thu hoặc mùa đông, vào thời điểm này lông thỏ mới có được đặc tính cương kiện và độ bền, lông lấy vào mùa xuân hay mùa hạ thì phẩm chất rất kém.

    Trải qua hơn 2000 năm, cây bút lông được người Trung Quốc hoàn thiện dần và nghiên cứu chế tạo ra nhiều chủng loại, tính năng phong phú. Dựa vào chất liệu và tính chất, bút lông được chia làm ba loại Nhuyễn Hào Bút, Ngạnh Hào Bút, Kiêm Hào Bút.

    Nhuyễn Hào Bút 軟 毛 筆

    Tính năng nhu nhuyễn, mềm mại, được chế từ lông dê, lông gà, tóc thai nhi (con so)… Do đặc tính mềm mại nên lông bút hấp thu được nhiều mực, vì thế nét chữ uyển chuyển, tròn đầy, khi vận bút rất linh hoạt, dễ phô diễn. Theo kích cỡ và công dụng, Nhuyễn Hào bút được chia ra các loại như sau:

    Tua bút còn gọi là Trảo bút 抓 筆: loại bút này dùng để viết chữ thật lớn, cán bút ngắn, tiện cầm ở tư thế treo.

    Đẩu bút 斗 筆: cũng là một loại bút lớn để viết chữ khổ lớn, thường dùng lông dê loại dài hoặc râu dê chế thành.

    Đề bút 提 筆: dùng lông bờm heo chế thành, chuyên dùng trong việc viết chữ biển hiệu, hoành phi.

    Đại Khải bút 大 楷 筆: dùng các loại lông dê, lông chó chế thành, để viết chữ khổ lớn, thường khắc lên thân bút chữ Đại Bạch Vân 大白雲hoặc Tiểu Bạch Vân 小 白 雲 (loại nhỏ hơn).

    Ngạnh Hào Bút 硬 豪 筆(Bút lông cứng)

    Tính năng cương kiện, đầu ngọn bút chắc khỏe, có tính đàn hồi, hạ bút khó tạo đường cong, nhấc bút thường để lại dấu, thường hiện rõ những mảng xước của ngọn bút trên mặt giấy, độ biến hóa rõ ràng. Dùng loại bút này dễ tạo khí thế hào sảng, tinh thần kiêu bạt. Loại bút này được chế thành từ các loại lông thỏ, lông sói, râu chuột 紫 筆,狼 毫,鼠 豪.

    Tử Hào Bút 豪 筆

    Là một tên gọi khác của Thố Hào bút 兔豪筆, loại bút này dùng lông bả vai của loài thỏ rừng chế thành, tính năng cứng cỏi, người xưa bảo rằng Tử Hào bút nhọn như dùi, lợi hại như dao.Tử Hào bút được sử dụng từ trước nhà Đường. Bạch Cư Dị có làm một bài thơ về loại bút này, trong đó có câu “Tử Hào chi giới như kim quý” – Bút Tử Hào quý ở chỗ cứng.

    Lang Hào Bút 狼 毫 筆

    Chế từ lông con Dứu, còn gọi là Hoàng Thử Lang, một loài vật nhỏ hơn sói, chân ngắn có loại lông đỏ, có loại lông vàng. Tiện dụng hành thư, thảo thư, các thư họa gia thời đầu đời Ngũ Đại thích dùng.

    Thử Tu Bút 鼠 鬚 筆

    Chế từ râu cằm chuột đồng, tính năng cứng nhất trong các loại bút lông cứng. Tương truyền Vương Hy Chi đã dùng loại bút này để viết Lan Đình Tự, một tuyệt tác được người đời xưng là “Thiên hạ đệ nhất hành thư”.

    Kiêm Hào Bút 兼 豪 筆 Bút lông pha

    Kết hợp loại lông cứng và lông mềm để tạo ra được một loại bút có tính năng dung hòa gọi là kiêm hào bút còn gọi là nhị hào bút. Loại bút này vừa nhu vừa cương, hỗ tương tính năng nên rất tiện sử dụng, có các loại:

    • Cửu tử nhất dương 九 紫 一 羊: loại này dùng chín phần lông thỏ, một phần lông dê, lông thỏ làm tâm bút, lông dê bao ở ngoài. Loại bút này nghiêng về tính cứng chuyên thể hiện những nét tinh tế trong hội họa công bút và viết chữ thật nhỏ.
    • Thất tử tam dương 七 紫 三 羊: dùng bảy phần lông thỏ ba phần lông dê. Lông thỏ làm tâm bút, lông dê bao ở ngoài, thiên về cứng, dùng để viết chữ khải nhỏ.
    • Ngũ tử ngũ dương 五 紫 五 羊: năm phần lông thỏ, năm phần lông dê. Lông thỏ làm bút, lông dê bao ở ngoài. Tính năng nhu nhuyễn, dùng để viết chữ khải loại vừa và nhỏ.
    • Nhị tử bát dương 二 紫 八 羊: hai phần lông thỏ, tám phần lông dê. Lông thỏ làm tâm bút, lông dê bao ở ngoài, tính năng nhu nhuyễn, dùng để viết chữ hành.

    CHỌN BÚT NHƯ THẾ NÀO ?

    Bút lông đa dạng và nhiều chủng loại, nhiều tính năng nên khi chọn mua trong những lần đầu bạn thấy bối rối. Một cây bút tốt phải hội tụ đủ bốn yếu tố TIÊM, TỀ,VIÊN, KIỆN. Tiêm là nhọn, khi nhúng vào mực ngọn bút thuôn nhọn dần đến đầu bút thì rất nhọn.Tề là ngay ngắn, tất cả các sợi lông phải đều đặn, ngay thẳng từ chân lông đến đầu lông không xiên qua lệch lại, không so le. Lúc bút khô, ấn đầu bút xòe ra mặt giấy để quan sát, nếu thấy lông bút xòe đều như rẽ quạt là tốt. Viên là  tròn đầy, xung quanh lông bút no đầy, bốn mặt không bị lõm vào hoặc phình ra, thuôn đều khi nhúng vào nước. Kiện là cứng cáp, có độ đàn hồi. Khi bút khô, ấn xuống mặt giấy thấy ngọn bút trở lại trạng thái ban đầu khi nhấc lên. Nhưng thường thì lúc bạn mua bút không thử được vì đầu bút có thấm keo, bạn chỉ nhìn được lông bút có tròn và ngay thẳng hay không mà thôi.

    Ở phần phân loại bút vừa nêu trên có trình bày tên các loại bút bằng chữ Hán, các tên gọi ấy thường được khắc lên cán bút để bạn phân biệt và chọn loại cần thiết. Cần lưu ý phần cán bút, cán bút phải thẳng,tròn đều, phần tiếp xúc với lông bút được chế tác sắc sảo. Khi mới luyên chữ nên chọn loại kiêm hào bút (bút lông pha) hoặc dương hào bút (bút lông dê), không nên chọn loại bút có tính năng cương kiện.

    SỬ DỤNG VÀ BẢO QUẢN BÚT

    Bút lông khi mới mua về phải được ngâm phần ngọn bút trong nước lã (không nóng) khoảng 15- 30 phút cho tan đi phần hồ (do nhà sản xuất nhúng hồ vào ngọn bút để dễ bảo quản). Sau đó rửa sạch ngọn bút để sử dụng. Trước khi nhúng mực phải cho ngọn bút vào nước, cho bút no nước và  lấy nước ra bớt bằng cách lăn nhẹ ngọn bút lên giấy báo(loại giấy hút nước nhanh). Nên lưu ý là lần sử dụng nào cũng phải thực hiện động tác này chứ không phải riêng lần sử dụng đầu tiên. Sau khi sử dụng sau rửa bút lại cho thật sạch bằng nước lã, vuốt ngọn bút ngay ngắn, đều đặn và treo bút lên giá. Tất cả các động tác tiếp xúc với ngọn bút đều phải thực hiện từ từ không nên vội vã, một vài sợi lông bị xước hoặc ngoảnh mặt ra đều làm ta khó chịu và ảnh hưởng đến việc luyện chữ, và nếu gặp trường hợp này nên cẩn thận cắt bỏ (dùng kéo nhỏ), không được dùng tay giật ngược gây ảnh hưởng đến các ngọn lông khác. Nói chung là trong mắt các bạn, ngọn bút là một vật quý, phải nâng niu giữ gìn. Bút viết càng lâu càng tốt, do bút mòn đều tạo sự êm ái và do bạn đã có cảm tính quen thuộc với ngọn bút, sự điều khiển sẽ linh hoạt hơn bút mới. Nếu để mực hỏng hoặc mất đi trước khi bút tốt thì thật uổng phí lắm.

    Nguồn: Trích từ cuốn sách thư pháp chữ Hán, lý thuyết và thực hành của tác giả: Phạm Hoàng Quân. NXB: Mũi Cà Mau.


    Cũ hơn Mới hơn