Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

TÌM HIỂU VỀ VĂN PHÒNG TỨ BẢO – PHẦN 3: GIẤY VIẾT THƯ PHÁP

Đăng bởi Nguyễn Chí Việt ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    GIẤY  (CHỈ)

    Trong lịch sử văn hóa cổ đại Trung Hoa, giấy là một trong bốn phát minh lớn được cả thế giới công nhận. Giấy xuất hiện muộn hơn so với bút và mực. Trước khi có giấy người ta viết lên xương thú, mu rùa, đá, gỗ, thẻ tre, lụa thô… đại khái là vật gì có bề mặt hơi phẳng, giữ được lâu thì cứ viết vào đó. Khái niệm về giấy được “Thuyết văn giải tự” giải thích “Giấy là thứ được làm từ sớ của một loại trúc” (chỉ nhứ nhất triêm dã紙絮一黏也). Sái Luân đời Hán được xem là người đã cải tiến nguồn nguyên liệu và kĩ thuật làm giấy. Nguyên trước đó đã đã có loại giấy được làm từ sợi lưới, giẻ rách nên rất thô ráp, Sái Luân lấy nguyên liệu từ cây gai 麻mà chế ra một loại giấy mới, người sau gọi là Ma Chỉ 麻紙hay Sái Hầu Chỉ 蔡候紙 (do Sái Luân được Phong Long Đình Hầu nên gọi Sái Hầu). Có thuyết cho rằng từ thời Tùy, Đường đã có loại giấy Tuyên Chỉ 宣紙. Cũng có thuyết cho rằng chính Sái Luân đã chế tạo ra giấy Tuyên Chỉ.

    CÁC CÔNG ĐOẠN LÀM GIẤY XUYẾN

    Từ thời Đường về sau nhiều nơi ở Trung Quốc đã phát triển mạnh nghề làm giấy như Giang Tây, Hồ Nam, Chiết Giang, An Huy, Phúc Kiến,… Nguyên liệu chế xuất rất phong phú, lấy từ các loại gỗ Thụy Hương, Sạn Hương, Chử (cây Dó), Dâu Mây, Phù Dung, Thanh Đàn, tre trúc,… Về kĩ thuật chế tạo,Tống Ưng Tinh trong “Thiên công khai vật” – bộ sách viết về các ngành nghề toàn Trung Hoa, viết hồi đời Minh – có miêu tả chi quá trình tạo giấy làm 5 công đoạn cơ bản như sau:

    Bước 1: Cưa gỗ ngắn, chẻ thành thẻ, trộn vôi, ngâm xuống ao.

    Bươc 2: Vớt gỗ lên, nấu mấy ngày, bỏ tạp chất, cho vào hố đất để lên men.

    Bước 3: Dùng đá lăn nghiền nát nguyên liệu ra thành hồ, đổ nước vào, khuấy loãng cho vào máng.

    Bước 4: Chế hồ giấy lên khung gỗ có mặt đan tre trúc (một loại mành vĩ), sang qua sàng lại cho hồ giấy tráng đề trên mành trúc, để ráo.

    Bước 5: Lấy mành giấy có lớp hồ giấy đặt vào máy cán, cán qua một cái, mành trúc tách ra khỏi lớp giấy, xấp giấy lại thành xấp, ép cho hết nước, sấy khô thành phẩm.

    Về sau này kĩ thuật chế tác ngày càng tinh vi, lại them công đoạn nhuộm màu, in hoa chìm, them phèn chua, đồ phấn, tráng kim… tùy theo yêu cầu thẩm mỹ và chức năng sử dụng.

    LUYỆN CHỮ NÊN DÙNG LOẠI GIẤY NÀO ?

    Giấy Tuyên Chỉ sản xuất ở Tuyên Châu từ lâu được xem là đắc dụng nhất trong lĩnh vực hội họa và thư pháp, Tuyên Chỉ có từ thời Đường, ban đầu được làm từ vỏ cây Đàn. Từ thời Tống về sau dụng các loại cây Dó (chữ), cây Dâu (Tang), Trúc, Gai (Ma)… loại giấy này có đặc tính hấp thụ nước nhanh, nên viết chữ, vẽ tranh đều tốt, được người Trung Quốc gọi là “Thiên Niên Mỹ Chỉ 千年美紙”, “Chi Trung Chi Vương 紙中之王”. Do có khác về quá trình gia công và sự gia giảm phụ liệu, Tuyên Chỉ được chế tạo thành ba loại: Sinh Tuyên 生宣, Thục Tuyên 熟宣, Bán sinh bất thục Tuyên 半生半熟宣.

    Giấy tuyên chỉ (giấy xuyến)

    • Sinh Tuyên Chỉ 生宣紙: Còn gọi là Sinh Chỉ, loại giấy này được trực dụng sau khi sản xuất từ các nguồn nguyên liệu chính, không qua các giai đoạn them phụ liệu, tính năng hút nước rất tốt, mực thấm đẫm, vết mực khỏe chắc, dùng để vẽ ý họa, phát mực rất tốt. Khi dùng để viết, không sử dụng mực loãng quá, nét chữ dễ bị nhập nhằng vì tính giấy loãng.
    • Thục Tuyên Chỉ 熟宣紙: còn gọi là Phàn Tuyên Chỉ, hay Phàn Chỉ. Phàn là phèn, vì sau quá trình chế giấy có ngâm vào nước phèn. Phèn chỉ ít loang, hút nước chậm, mình giáy không mịn bằng Sinh Tuyên, dùng để vẽ công bút hoặc vẽ chữ khải, chữ lệ cỡ nhỏ như chép kinh, chép sách. Kinh văn chép vào đời Đường dùng loại giấy Phàn Chỉ có tên Ngạnh Hoàng Chỉ.
    • Bán Sinh bất Thục Tuyên 半生不熟: Còn gọi là Bán Thục Tuyên 半熟宣, có tính trung hòa giữa hai loại trên, dùng để viết tốt nhất.

    Cả 3 loại Tuyên Chỉ trên đều có bán ở Việt Nam, kích thước thông thường là 70 cm x 140 cm hoặc 96 cm x 196 cm.

    GIẤY DÓ

    Giấy Dó là loại giấy truyền thống của Việt Nam, có từ thế ký III – IV. Giấy Dó không trắng như Tuyên Chỉ mà hơi ngả vàng, tùy theo đọt sản xuât và nhà sản xuất mà màu sắc và phẩm chất có khác nhau chút ít. Tính giấy hút nước vừa phải như Bán Thục Tuyên, mình giấy dẻo dai, độ bền cao có thể để được vài tram năm trong điều kiện khí hậu Việt Nam.

    Giấy dó 

    Giấy Tuyên Chỉ và giấy Dó tuy viết tốt nhưng giá đắt, dùng để luyện tập rất tốn kém, bước đầu nên mua loại giấy Gòn của người Hoa sản xuất ở Chợ Lớn. Giấy Gòn màu trắng sáng, một mặt nhám, một mặt láng (khi viết viết lên mặt nhám), tính giấy hút nước nhanh dễ luyện tập và khi chuyển qua viết lên giấy Tuyên Chỉ hoặc giấy Dó không bị ngượng tay. Tuy nhiên do giấy mỏng và độ bền kém, không bồi được nên loại này chỉ dùng để luyện tập. Khi muốn thực hiện một tác phẩm hoàn chỉnh phải dùng giấy Tuyên Chỉ hoặc giấy Dó.

    Mặc dù theo truyền thống thì sử dụng các loại giấy trên, nhưng thị trường ngày càng có thêm nhiều loại mới lạ, đẹp hơn về hình thức, do vậy sau này các bạn cũng nên tự thử nghiệm các loại giấy khác nhau, chỉ lưu ý rằng giấy phải có tính hút nước nhanh mà không làm mất độ đen, sáng của mực. Ngoài giấy cũng có thể viết lên lụa tơ tằm.

    Nguồn: Trích từ cuốn sách thư pháp chữ Hán, lý thuyết và thực hành của tác giả: Phạm Hoàng Quân. NXB: Mũi Cà Mau.


    Cũ hơn Mới hơn