Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Các loại giấy viết thư pháp thông dụng ở Việt Nam

Đăng bởi Thư Pháp Dụng Phẩm ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Những năm gần đây, nghệ thuật thư pháp ở Việt Nam có sự chuyển biến mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều người ở các độ tuổi khác nhau tham gia học tập, nghiên cứu. Chính vì vậy, các hình thức thể hiện tác phẩm trở lên đa dạng, phong phú hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, giấy thư pháp vẫn là chất liệu thông dụng, truyền thống.  Giấy thư pháp có những đặc điểm cơ bản về độ thấm, loang, hiệu ứng về màu sắc mà những chất liệu khác không có được. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại giấy thư pháp khác nhau. Ở bài viết này, Thư Pháp Dụng Phẩm xin giới thiệu những mẫu giấy thư pháp thông dụng nhất ở Việt Nam hiện nay.

    Tham khảo chi tiết các mẫu giấy viết thư pháp: Tại đây

    1. Giấy ốp (giấy Ford), giấy mỹ thuật (ganh, nhung)

    Giấy ganh khổ 40x54cm sau khi lên khung

    Giấy Ganh khổ ngang 40x54 sau khi viết chữ và lên khung

    Nhắc đến các loại giấy thư pháp thông dụng ở Việt Nam trước tiên phải kể đến dòng giấy ốp, ganh, nhung hay còn gọi là liễn giấy. Dòng giấy này được các thầy đồ ưa chuộng bởi những ưu điểm sau:

    - Dễ bám mực tàu, nhanh khổ mực;

    - Tạo nét xước đẹp khi viết thư pháp Việt;

    - Khổ dọc kết hợp với ống sáo là có ngay một bức liễn cực kỳ đẹp mắt;

    - Chất liệu giấy phổ biến, giá thành rẻ;

    - Có nhiều kích cỡ khác nhau;

    - Có nhiều mẫu in tranh, in viền, người viết thư pháp có thể lựa chọn bức hình phù hợp để đề tặng chữ.

    Một số thông tin cơ bản về giấy ốp, giấy mỹ thuật

    Một số mẫu giấy ốp in tranh 27x79

    Một số mẫu giấy ốp in tranh

    Giấy ốp (tên gọi khác là giấy Ford) là loại giấy phổ biến nhất trong ngành in, định lượng thông thường từ 70-90g/ m2. Giấy ốp có bề mặt màu trắng, phẳng lì, bám mực tốt. Giấy ốp được sử dụng để in bằng khen, thiệp cưới, bao thư, giấy note, hóa đơn.v.v.. Giấy ốp in tranh ứng dụng để viết thư pháp rất đẹp và bắt mắt.

    Giấy ganh 27x79Mẫu giấy ganh 27x79Giấy ganh mạ vàng 27x79

    Tác phẩm viết trên giấy ganh và ganh mạ vàng

    Giấy ganh là một loại giấy mỹ thuật, định lượng thông dụng là 120, 220, 250g/ m2. Giấy ganh được cán vân nên bề mặt có những được kẻ  nhỏ, mắt thường có thể nhìn thấy. Những đường vân này khi vẽ tạo chiều sâu, khi viết thư pháp Việt dễ tạo nét xước đều, mượt. Bề mặt giấy ganh thường có màu vàng nhạt. Ngoài ra, giấy ganh có thể được phủ màu đỏ gọi là ganh đỏ - ganh đỏ có màu gần giống giấy nhung nhưng màu sắc không tươi bằng.

    Tác phẩm viết trên giấy Nhung đỏ 27x79cm

    Giấy Nhung là một loại giấy mỹ thuật, giấy Nhung có màu đỏ tươi hoặc đen. Sở dĩ gọi là giấy nhung vì bề mặt giấy phẳng (không vân) sờ vào có cảm giác mềm mịn như vải nhung. Khi viết trên giấy Nhung mực sẽ lâu khô hơn 1 chút nhưng sau đó mực lên màu có độ bóng đẹp.

    Khổ giấy viết thư pháp

    Các khổ giấy ốp, ganh, nhung viết thư pháp rất đa dạng, tuy nhiên để tiện cho việc viết chữ thì có các cỡ thông dụng như: 19x54cm, 27x54cm, 27x79cm, 25x25cm, 30x30cm, 35x35cm, 40x54cm. Những kích cỡ nhỏ hơn nữa dùng để viết, treo trang trí cây đào ngày tết.

    Lưu ý:

    Đối với khổ giấy dọc sẽ kết hợp với nẹp treo trên và dưới để tạo thành một bức liễn viết thư pháp.

    Đối với khổ giấy vuông sau khi đề chữ có thể đem đóng khung nhìn cũng rât thẩm mỹ, sang trọng.

    Loại giấy trên phù hợp viết thư pháp Việt. Mời thư hữu tham khảo bài chia sẻ kiến thức thư pháp Việt tại: Thư pháp Hà Nội

    2. Giấy xuyến chỉ

    Giấy xuyến tỉnh An Huy, Trung Quốc

    Tỉnh An Huy, Trung Quốc nổi tiếng với nghề sản xuất giấy xuyến

    Giấy xuyến (hay còn gọi là Tuyên Chỉ) là giấy của Trung Quốc. Giấy xuyến có tính chất mềm dai, màu trắng, được ví sáng bóng như ngọc (giấy xuyến truyền thống có màu trắng), không bị mối mọt, mục nát, ít bị biến sắc qua thời gian. Khi vẽ “mặc phân ngũ sắc”, tức có thể có thể tạo ra 5 dải màu đậm nhạt khác nhau. Giấy xuyến phù hợp để viết thư pháp và vẽ tranh. Giấy xuyến được mệnh danh là “Chỉ Trung chi Vương, thiên niên thọ chỉ” (Vua của các loại giấy, giấy trường thọ ngàn năm). Địa danh sản xuất giấy xuyến nổi tiếng là tỉnh An Huy, Trung Quốc.

    Vỏ cây thanh đàn và rơm rạ dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy xuyến

    Vỏ cây Thanh Đàn (bên trái) và rơm rạ (bên phải) là hai nguyên liệu chủ yếu để sản xuất giấy xuyến

    Dựa vào cách chế tạo và độ thấm mực có thể chia giấy xuyến thành 3 loại là: Sinh xuyến (xuyến sống), thục xuyến (xuyến chín), bán sinh bán thục (giấy xuyến nửa chín). Hiểu một cách đơn giản là giấy xuyến sống được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên và chưa được gia công thêm lớp phèn chua, xuyến chín là xuyến sống được gia công thêm 1 lớp phèn. Nếu lượng phèn ít thì là giấy nửa sống nửa chín.

     

    Giấy xuyến bo lụa

    Giấy xuyến bo lụa, bồi đề vân rồng

    Dựa vào chất liệu có thể phân giấy xuyến làm 3 loại chính là: Giấy xuyến sợi bông liệu (棉料);  giấy xuyến nguyên chất vỏ cây (净皮); giấy xuyến đặc biệt nguyên chất vỏ cây (特净皮).

    - Giấy xuyến sợi bông có thành phần chủ yếu là rơm rạ; vỏ cây thanh đàn (青檀) chiếm tỷ lệ khoảng 40%. Do nguyên liệu rơm rạ rẻ nên giấy xuyến sợi bông cũng có giá thành rẻ hơn những loại giấy xuyến khác. Đặc điểm của loại giấy này là mỏng, nhẹ, mềm, nhuận mực. Phù hợp để vẽ tranh và viết thư pháp, nhưng không được dụng lực quá mạnh hoặc chồng nhiều lớp mực do giấy khá mỏng, không dai.

    - Giấy xuyến nguyên chất vỏ cây có thành phần trên 60% là vỏ cây thanh đàn, ngoài ra có lượng nhỏ là rơm rạ. Cổ nhân chế tạo giấy xuyến không dùng rơm rạ, sau này người ta mới cho thêm nguyên liệu rơm rạ vào để gia tăng độ dai của giấy, đồng thời giảm giá của thành phẩm. Đặc điểm của loại giấy này là dai mềm, dễ viết, dễ vẽ.

    - Giấy xuyến đặc biệt nguyên chất vỏ cây có thành phần trên 80% là vỏ cây thanh đàn. Loại giấy này khi viết ngậm mực tốt, có thể phân nhiều tầng màu mực (phân ra độ đậm nhạt rõ ràng), phù hợp dùng để vẽ tranh thủy mặc. Khi viết, vẽ màu sắc tươi sáng, ít bị biến sắc giấy qua thời gian. Loại giấy này có thành phần vỏ cây thanh đàn càng nhiều thì trọng lượng càng nặng, giấy càng dai, nhuận mực và khả năng phân các tầng màu các dễ. Loại giấy này có thể lên màu nhiều lần, chịu tác động của lực bút mạnh, có thể dùng tay vò mà không bị rác hay nứt gãy.

    Phân biệt đặc điểm của sinh xuyến, thục xuyến và bán thục xuyến

    Tác phẩm trên giấy sinh xuyến (xuyến sống)

    Tác phẩm trên giấy bán sinh bán thục xuyến

    Hình ảnh minh hoạ cho độ loang, độ thấm mực và khả năng phần dài màu của giấy sinh xuyến (xuyến sống), bán thục xuyến (nửa chín), thục xuyến (xuyến chín)

    Giấy xuyến sống có tính thấm, loang mực cao, xuyến chín độ thấm và loang mực thấp, bán sinh bán thục xuyến có độ thấm, loang trung tính (nằm giữa sinh xuyến và thục xuyến). Vì vậy, vẽ tranh thuỷ mặc tả ý thường dùng xuyến sống, vẽ tranh tả thực (tranh công bút) dùng xuyến chín (ít bị loang, vẽ được những đường những đường nét sắc xảo). Viết chữ cỡ nhỏ dùng giấy xuyến bán sinh bán thục hoặc thục xuyến, viết chữ cỡ lớn dùng sinh xyến. Tùy vào thể chữ, cỡ chữ, thư phong (phong cách viết) khác nhau mà người viết tuyển chọn loại giấy xuyến tương ứng. Tuy nhiên, khi viết thư pháp thường sử dụng giấy xuyến bán sinh bán thục.

    Biểu giấy xuyến

    Biểu thư pháp có cấu tạo ở giữa (lòng trong) là giấy xuyến, bo xung quanh là lụa (lụa và giấy xuyến được bồi trên lớp keo đế để tạo sự chắc chắn), thanh trục trên dưới. 

    Phân biệt giấy xuyến:

    Phương pháp 1: Dùng tay trực tiếp sờ, sinh xuyến có độ bông mềm, thục xuyến có độ thô (do đã được gia công lớp phèn), bán thục xuyến có độ thô vừa phải.

    Phương pháp 2: Nhỏ 1 giọt nước lên trang xuyến, xuyến sống nước sẽ loang nhiều, ngược lại xuyến chín nước loang ít, bán thục xuyến nước có độ loang vừa phải.

    Giấy xuyến sau khi mua về tốt nhất nên để một thời gian sau đó mới sử dụng. Làm vậy để giấy xuyến được hấp thụ không khí. Nói đơn giản là để giấy xuyến trải qua sự nóng lạnh của không khí, làm cho những sợi giấy được kéo dãn, phân bố đều. Lúc này giáy sẽ nhuận mực, đồng thời đạt đến sự tự nhiên, mềm mại.

    3. Giấy dó Việt Nam

    Giấy dó Việt Nam

    Giấy dó Việt Nam 

    Giấy dó là giấy do Việt Nam sản xuất. Giấy dó được sản xuất từ vỏ cây dó. Một số địa danh sản xuất giấy dó có thể kể đến như: Làng Yên Thái xưa (nay thuộc phường Bưởi, phố Trích Sài, quận Tây Hồ); Làng giấy Đống Cao, Thôn Dương Ổ, phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh; Làng Phong Phú, xã Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An.

    Đặc điểm của giấy dó

    Giấy dó dùng để làm tranh đông hồ

    Giấy dó được ứng dụng làm tranh đông hồ, gia phả, sắc phong, sổ ghi chép...

    Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, ít nhoè mực khi viết vẽ, ít bị mối mọt, dòn gãy, ẩm nát, có khả năng chống ẩm cao. Giấy dó rất bền với thời gian nên thời xưa được ứng dụng làm sắc phong, gia phả, sổ sách lưu trữ. Ngày nay, ứng dụng của giấy dó vô cùng đa dạng như: Làm tranh dân gian (tranh đông hồ), đồ chơi trung thu, làm vàng mã, quạt, bao bì, giấy chống ẩm, sản xuất tấm cách âm, cách nhiệt.v.v. Trong thư pháp, giấy dó rất phù hợp để viết tác phẩm cỡ chữ nhỏ do giấy dó có độ thấm mực tốt, ít bị loang, nhoè mực.

    Giấy dó được chia làm 2 loại là giấy dó nguyên sinh và giấy dó pha. Giấy dó nguyên sinh có thành phần chủ yếu là vỏ cây dó, rất ít nguyen liệu phụ gia. Bề mặt gió nguyên sinh khá mềm mại, nếu nhìn kỹ có thể thấy những sợi dó bông nhỏ, đường kẻ khi seo giấy, giấy dó nguyên sinh có màu sắc trắng đục của bột gió. Giấy dó pha được làm từ vỏ cây dó nhưng có pha thêm chất phụ gia. Bề mặt dó pha cừng và thô hơn, màu sắc đậm hơn, độ thấm mực  kém hơn dó nguyên sinh.

    Giấy dó được bối lền nhau để tạo độ dày, cứng cáp cho giấy. Nếu bồi 2 lớp thì gọi là bóc 2; 4 lớp thì gọi là bóc 4.

    4. Giấy dó Trung Quốc

    Giấy dó Trung Quốc

    Giấy dó Trung Quốc lộ rõ những đường vân là sợi thực vật

    Giấy dó Trung Quốc (tên gọi khác là Vân Long Tuyên 云龙纸, bông tuyên 绵纸, bì tuyên 皮纸) được làm từ cây dó của Trung Quốc (构树皮) và cây cỏ Long Tu (龙须草). Cấu tạo của giấy dó Trung Quốc là những sợi thực vật dài. Tỷ lệ sợi thực vật chiếm khoảng trên 80%.

    Giấy dó Trung Quốc được liệt vào loại giấy bán thục (độ chín khoảng 3-4 phần). Nhìn vào bề mặt giấy dễ dạng nhận thấy những đường vân (sợi thực vật) của vỏ cây. Loại giấy này nhìn vào sẽ cảm thấy nét cổ xưa, độ thô, chất phác. Giấy dó Trung Quốc khá dai, mềm, có khả năng hút ẩm (giống giấy dó Việt Nam), có độ đàn hồi cao, bề mặt có độ thoáng khí.

    5. Giấy Mao Biên Chỉ

    Giấy mao biên chỉ

    Giấy mao biên chỉ là từ nguyên liệu gỗ trúc

    Mao Biên Chỉ là loai giấy vàng nhạt do người Trung Quốc cổ đại dùng sợi gỗ cây trúc chế tạo thành. Giấy này có nguồn gốc từ Giang Tây, Trung Quốc.

    Đây là chất liệu giấy rất tinh tế, mỏng nhưng bề mặt lại xốp mềm, thường có màu vàng nhạt, khả năng thấm mực, hút nước tốt. Đặc biệt phù hợp để viết chữ, chế tạo sách cổ. Ông Mao Tấn (毛晋) - một đại tàng thư gia (nhà sưu tập và lưu trữ sách) thời nhà Minh là người yêu quý sách. Ông đã dùng giấy trúc để in ấn thư tịch. Ông từng đến Giang Tây để mua giấy trúc. Đồng thời, trên mép giấy (紙邊 chỉ biên) ông đóng dấu triện chữ mao "毛" (họ mao). Do đó, người đời thường gọi loại giấy này là mao biên chỉ.

    Các loại giấy thư pháp có lịch sử phát triển lâu đời. Mỗi loại giấy có một đặc tính riêng. Để nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề liên quan đến loại giấy đó cần sự tỉ mỉ, trải nghiệm thực tế. Đó là sự cầu kỳ, đồng thời cũng là thú vui trong việc học tập thư pháp. Khi đã thực sự hiểu về giấy và các vật dụng thư pháp khác sẽ giúp bạn thể hiện tác phẩm nghệ thuật của mình một cách phong phú, chỉn chu hơn.

    Thư Pháp Dụng Phẩm

     


    Cũ hơn Mới hơn