MỤC LỤC [Ẩn]
Bát Nhã Tâm Kinh là bản kinh thâu tóm mọi ý nghĩa thâm yếu và cao siêu của bộ Đại tạng Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Do bộ kinh Đại Bát Nhã này quá lớn, quá đồ sộ, nên các vị Tổ Phật giáo từ xưa đã cố gắng tóm lược cho ngắn lại, rút từ 300 quyển với 25.000 câu qua nhiều lần đến mức chỉ còn 260 chữ thành bản Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, tức Bát Nhã Tâm Kinh hiện nay.
Rất nhiều người mặc dù thuộc kinh bát nhã nhưng không hiểu ý nghĩa của kinh này. Ấy cũng là điều dễ hiểu bởi kinh bát nhã thực sự uyên thâm và nội dung quảng đại. Trong lúc tôi tìm các bản chú giải về kinh này, Tôi có tìm thấy một bài chú giải sát nghĩa, dễ hiểu tại web: http://phatgiao.org.vn.
Tôi xin đăng bài chú giải lên đây để cả nhà cùng tham khảo.
Xin các bạn đọc Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh bằng âm Nôm và nghĩa Việt, trước khi đọc chú giải.
A. KINH VĂN
Bản Hán tạng
般 若 波 羅 蜜 多 心 經.
觀 自 在 菩 薩。行 深 般 若 波 羅 蜜 多 時 。照 見 五 蘊 皆 空 。度 一 切 苦 厄。舍 利 子。色 不 異 空。 空 不 異 色。色 即 是空 。 空 即 是 色。受 想 行 識 亦 復 如 是. 舍 利 子。是 諸 法 空 相 。不 生 不 滅。不 垢 不 淨 。不 增 不 減。是 故 空 中 無 色。無 受 想 行 識。無 眼 耳 鼻 舌 身 意。無 色 聲 香 味 觸 法。無 眼 界 。 乃 至 無 意 識 界 。無 無明 。亦 無 無明 盡。乃至 無 老 死。亦 無 老 死 盡。無 苦 集 滅道 。無 智 亦 無 得。以 無 所 得 故。菩 提 薩 埵 。依 般 若 波 羅 蜜 多 故。心 無 罣 礙 。無 罣 礙 故。無 有 恐怖。遠 離 顛 倒 夢 想。究 竟 涅 槃。三 世 諸 佛。依 般 若 波 羅 蜜 多 故。得 阿 耨 多羅 三 藐 三 菩 提。故 知 般 若 波 羅 蜜 多。是 大 神 咒 。是 大 明咒 。是 無 上咒。是 無 等 等 咒 。能 除 一 切 苦。真 實 不 虛 。故 說 般 若 波 羅 蜜 多 咒。即 說 咒曰。揭 諦 揭 諦。 波 羅 揭 諦 。波 羅 僧 揭 諦。菩 提 薩 婆 訶。
BẢN DỊCH ÂM
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh.
Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách. Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.
Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành thức. Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc, thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo. Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.
Tam thế chư Phật, y Bát nhã Ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.
Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
DỊCH NGHĨA VIÊT
Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa
Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.
Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.
Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.
Cho nên trong cái không đó, nó không có sắc, không thọ tưởng hành thức.
Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.
Không có vô minh, mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết.
Không có khổ, tập, diệt, đạo.
Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc.
Khi vị Bồ Tát nương tựa vào trí tuệ Bát Nhã nầy thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn.
Các vị Phật ba đời vì nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy mà đắc quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác.
Cho nên phải biết rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa là đại thần chú, là đại minh chú, là chú vô thượng, là chú cao cấp nhất, luôn trừ các khổ não, chân thật không hư dối.
Cho nên khi nói đến Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức là phải nói câu chú:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
B. PHẦN CHÚ GIẢI
Mở đầu phần chú giải, mời các bạn đọc lại đoạn Kinh bằng âm Hán:
Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.
Nghĩa Việt đoạn Kinh này:
Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.
Bồ Tát là một người tỉnh thức. Bồ Tát từ chữ Boddhisatava mà ra, có nghĩa là con người tỉnh thức và đang giúp người khác tỉnh thức. Quán Tự Tại là tên dịch từ Avalokiteshvara. Tại Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, và Nhật Bản, dịch Avalokiteshvara là Quan Âm, Quán Âm, có nghĩa là một người biết lắng nghe và nghe tiếng kêu cứu của chúng sanh đang đau khổ.
Khi Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát thực tập thâm sâu về Bát Nhã Ba La Mật Đa ( Prajana Paramita ), tức là thứ trí tuệ có thể đưa bạn đến bờ bên kia. Thì ngài thấy năm uẩn đều không.
Vậy Năm uẩn không cái gì? Năm uẩn rỗng cái gì? Đó là một câu hỏi quan trọng.
Nếu tôi cầm một tách nước đầy và tôi hỏi bạn, "Cái tách này trống rỗng?" Bạn sẽ nói, "Không, tách này có đầy nước." Nhưng nếu tôi đổ hết nước ra ngoài và hỏi bạn lại lần nữa, bạn có thể nói, " Đúng rồi, tách là trống rỗng." Nhưng, trống rỗng cái gì? Trống có nghĩa là không chứa một cái gì đó. Tách không thể, không chứa cái gì. Tách nước đang trống rỗng nước nhưng nó chứa đầy không khí. Khi Bồ Tát Quán Thế Âm nói rằng năm uẩn đều là không, chính xác Bồ Tát Quán Thế Âm dạy rằng năm uẩn đều là không có tính riêng biệt. Tức là không có uẩn nào tồn tại một cách độc lập. Và 1 trong 5 uẩn có liên hệ tương tức với 4 uẩn còn lại.
Năm uẩn, là năm yếu tố của con người. Nó giống như năm con sông đang chảy trong mỗi người chúng ta. Con sông của hình tướng, có nghĩa là hình hài cơ thể của bạn; con sông của cảm xúc; con sông của nhận thức; con sông tinh thần; và con sông của ý thức. Nó luôn hoạt động không ngừng nghỉ.
Trong cơ thể của một người bình thường có phổi, tim, thận, dạ dày, và máu. Không có một bộ phận nào tồn tại độc lập. Chúng luôn có mối liên hệ tương tức với các bộ phận còn lại. Phổi và máu của là hai bộ phận có chức năng riêng rẻ, nhưng không thể tồn tại độc lập. Phổi để hít thở, bơm oxy vào cho máu, và đến lượt máu lại cung cấp dinh dưỡng cho phổi. Nếu không có máu, phổi không thể sống lành mạnh khỏe khoắn, và ngược lại nếu không có phổi, máu sẽ không được làm sạch và lưu thông mọi nơi trong thân thể. Vì vậy phổi và máu có quan hệ mật thiết với nhau. Khi quán chiếu các bộ phận còn lại như thận và máu, thận và dạ dày, thận và phổi, thận và tim, đều như vậy. Bạn hãy tưởng tượng, trong cơ thể con người, có rất nhiều bộ phận, thì từng bộ phận một có liên hệ với các bộ phận còn lại tạo ra mối quan hệ đan xen như thế nào. Nó như một tổ hợp hoán vị n! của một bộ phận trong cơ thể với vô số các bộ phận còn lại.
Bồ Tát Quán Thế Âm nhìn sâu vào năm uẩn của sắc, thọ, tưởng, hành, thức và nhận thấy rằng không có uẩn nào tồn tại độc lập. Và khi “ hành thâm ”như vậy ngài đã “độ nhất thiết khổ ách”
Hành thâm là thâm nhập vào một cái gì đó, không chỉ đứng bên ngoài mà nhìn vào. Khi bạn muốn hiểu rõ điều gì, bạn không thể chỉ đứng bên cạnh và ngó vào rồi nhận xét. Bạn phải đi sâu vào bên trong để thực sự thấu hiểu. Nếu bạn muốn hiểu rõ một người bên cạnh, bạn phải biến cái cảm xúc của họ thành cảm xúc của mình, phải đau khổ với nổi đau khổ của họ, phải vui với niềm vui của họ.
Nếu bạn chỉ nhìn vào tờ giấy như một người quan sát, đứng bên ngoài mà nhìn vào, bạn không thể hiểu nó hoàn toàn. Bạn phải hành thâm nó. Bạn phải là một đám mây, là ánh nắng mặt trời, và người đốn củi. Nếu bạn hành thâm được như vậy, sự hiểu biết của bạn về tờ giấy rốt ráo hơn.
Bây giờ mời các bạn đọc tiếp đoạn Kinh sau:
Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.
Nghĩa Việt của đoạn Kinh:
Thầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính thực là không, không chính thực là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng đều như vậy.
Đoạn Kinh này, ban đầu Ngài Bồ tát Quán Thế Âm nói về uẩn thứ nhất, tức là Sắc, là thân thể của chúng ta. Sắc là tất cả những hiện tượng sinh lý, vật lý. Trong Kinh văn, chữ gây khó khăn cho nhiều người nhất là 空Không. Chữ Không ở đây, tiếng Phạn là Sunyata, Hán là 空, dịch tiếng Việt là trống rỗng. Ví dụ rau muống gọi là Không tâm thảo, thứ rau không có ruột. Khi chuyển sang dùng tiếng Việt, chúng ta có thể hiểu lầm “Không” này là “không có”.
Nhiều người không hiểu giáo lý tính Không đạo Phật nói rằng tờ giấy này nó “không có”, tại vì tuy bây giờ nó có đó, nhưng mai mốt nó sẽ không có; hoặc nó bị đốt đi, hoặc bị mục đi thành đất, cho nên tuy nó có đó mà cũng như không có đó. Câu giải thích này hoàn toàn sai với giáo lý đạo Phật.
Theo giáo lý đạo Phật, nếu tờ giấy này nó “không” thì nó không ngay từ bây giờ chứ không phải sau này nó mới không. Giáo lý đạo Phật cơ bản là giáo lý vô ngã: sự vật không có tự thể riêng biệt. Nếu mình nhìn vào tờ giấy này với con mắt của một vị Bồ Tát biết nhìn sâu vào trong lòng tờ giấy để thấy cội nguồn của nó, mình sẽ thấy có một đám mây đang bay trong tờ giấy này. Mình cũng không cần là thi sĩ mới thấy được đám mây, vì mình biết nếu không có đám mây thì không có mưa, cây rừng sẽ không thể mọc lên được, do đó chúng ta không có bột giấy. Nhìn vào tờ giấy này, bạn còn thấy mặt trời, vì nếu không có mặt trời chiếu lên thì không có loài thực vật nào mọc được, cho nên nhìn vào tờ giấy này, ta sẽ thấy ánh mặt trời chói lọi trong đó. Rồi ta còn thấy rừng cây xanh mướt, thấy những chiếc lá rụng, mục đi để cây rừng tươi tốt, ta thấy những chất khoáng trong lòng đất mà rễ cây hút lên để nuôi cây. Rồi ta thấy người tiều phu đã đốn cây đem về để làm bột giấy, thấy Ba Má của ông tiều phu. Ta thấy luôn gạo lúa mà người tiều phu ăn hàng ngày để có thể đủ sức đi đốn cây.
Tóm lại, khi nhìn tờ giấy này bằng con mắt quán chiếu nhân duyên, ta thấy rằng không có hiện tượng nào trên vũ trụ mà không có mặt trên tờ giấy. Tờ giấy, chứa đầy cả vũ trụ vạn hữu trong đó.
Khi dùng danh từ giấy, ta nên phân biệt hai thứ: một là tờ giấy và hai là những yếu tố không phải giấy. Ta có thể nói rằng: giấy được kết hợp bằng những yếu tố không phải giấy. Giấy là do những yếu tố không giấy tạo ra, giấy không thể tự có được. Giấy không có tự tánh hoặc có thể tự riêng biệt.
Nó có là nhờ những cái không phải nó bắt tay nhau tập hợp làm ra. Tờ giấy này tuy rỗng, không có tự tánh riêng, nhưng nó lại đầy cả vũ trụ vạn hữu trong đó. Vì vậy chữ “空” trong Tâm Kinh Bát chỉ có nghĩa là không có một tự thể riêng biệt.
Uẩn nào trong năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cũng không hết, vì uẩn nào cũng không thể tự mình tồn tại độc lập. Uẩn nào cũng phải nhờ các uẩn khác phụ giúp mới có thể có được.
Đồng xu có hai mặt: mặt trái và mặt phải. Sở dĩ có mặt phải là nhờ có mặt trái. Nếu một trong hai mặt mà không có thì mặt kia cũng không có luôn. Năm uẩn cũng vậy, chúng nương nhau mà có, chứ không thể có một cái tách rời. Phân chia là để tạm hiểu thôi, chứ năm uẩn không thể nào tồn tại độc lập với nhau. Trong con người chúng ta, có đủ tâm, can, tỳ, phế, thận: tuy chia ra làm năm cái nhưng kỳ thực nếu không có tâm thì can có thể tồn tại được không? Nếu không có tỳ thì phế có được hay không? Tuy rằng năm mà kỳ thực là một. Những cơ quan trong cơ thể ta không thể tồn tại độc lập, cái này nương cái kia mà có. Vì thế Phật dạy rằng: Thử hữu tắc bí hữu. Cái này có mặt cho nên cái kia có mặt, cái kia có mặt cho nên cái này mới có mặt. Tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ đã phối hợp lại để làm thành một hiện tượng. Không sự vật nào trong vũ trụ có tự tánh riêng biệt hết. Đó là giáo lý căn bản của đạo Phật.
Mời bạn đọc tiếp đoạn Kinh “ Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.”
Dịch nghĩa Việt là : “ Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt. ”
Chư pháp tức là mọi hiện tượng. Mặt trời là pháp, dòng sông, hạt bụi, hòn sỏi, sự thương, sự ghét, con mắt, lỗ tai cũng đều là pháp.
Thể mọi pháp đều không: bản chất của mọi hiện tượng đều không, nghĩa là không có tự tánh riêng biệt.
Không sinh cũng không diệt. Các pháp chưa bao giờ sinh ra, cũng không bao giờ diệt. Câu nói này của Đức Quán Tự Tại đi ngược với nhận thức thông thường của chúng ta.
Mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta thường chứng kiến sự sinh tử. Khi một người được sinh ra, tờ giấy khai sinh công nhận thời điểm người đó sinh ra. Sau khi người đó chết, để có tính pháp lý khi chôn cất, người nhà cần phải có một giấy chứng tử. Giấy chứng tử công nhận con người đó đã chết. Chúng ta thường nghĩ cái gì cũng có sanh, cái gì cũng có diệt, và sinh diệt xãy ra hàng ngày. Vậy tại sao Đức Quán Thế Âm lại nói không sinh cũng không diệt?
Chúng ta phải nhìn sâu hơn, quán chiếu thâm sâu để xem tại sao Đức Quán Thế Âm lại nói như thế.
Ngày mà mẹ bạn sinh bạn ra, nó được ghi lại trong giấy khai sinh. Vậy trước ngày đó, bạn đã tồn tại chưa? Trước ngày sinh đó, bạn đã có mặt rồi. Nhưng chưa hội đủ duyên để bạn ra khỏi bụng mẹ bạn thôi.
Chữ sinh làm mọi người hiểu là từ không mà trở thành có. Nếu mình có rồi thì mình đâu cần phải sinh nữa? Vậy bạn không có sinh. Nếu không có sinh tức là không có diệt. Đó là sự thật mà Đức Quán Thế Âm muốn khơi mở cho chúng ta thấy.
Thể mọi pháp đều không,
Không sinh cũng không diệt.
Đã không sinh rồi thì làm sao mà có diệt? Có thể nào mình làm cho hòn đá kia từ có trở thành không? Rất khó. Mình có thể nghiền nó thành bột, rồi rãi tung ra, nhưng đó đâu phải là biến nó thành không? Hòn đá chỉ trở thành bột đá. Cây nhang mình đốt, nó cũng không phải đang từ có đi tới không. Mùi thơm của nhang đi vào trong không gian, nhiệt lượng của nó cũng đi vào không gian. Nó đang luân hồi. Tro của nhang sẽ đi vào đất để có thể trở thành một nụ hoa. Một hột bụi dù nhỏ xíu đi nữa cũng không thể nào biến mất đi được. Nó chỉ biến đổi, đi vào vũ trụ tồn tại dưới một hình thức khác.
Vì vậy, không ai có thể làm cho một vật từ có trở thành không, cũng như không ai có thể làm cho một vật từ không trở thành có. Một đám mây khi gặp khí lạnh có thể cảm thấy sợ hãi, vì nghĩ rằng mình sẽ trở thành không. Sự thực không phải thế. Khi gặp khí lạnh, nếu đám mây biết được không sinh cũng không diệt, mây chỉ trở thành mưa, để rơi xuống trên ruộng đồng, trên cây cỏ, trên hoa lá, thì đám mây sẽ cho đó là một hình thái đi chơi rất vui sướng. Đám mây sẽ rung mình biến thành mưa một cách rất tự nhiên, rất điềm tĩnh, rất hoan lạc.
Chúng ta hay lo lắng, sợ rằng sau khi mình chết, thân mình không còn nữa. Nói như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn “ Một mai trở về cát bụi”. Nhưng điều đó không đúng sự thật. Các bạn biết đó, như phân tích ở lúc đầu, một tờ giấy mỏng cũng chứa cả vũ trụ thì hạt bụi cũng vậy. Một hạt bụi cũng chứa toàn bộ vũ trụ. Nếu như bạn lớn như mặt trời, bạn nhìn xuống trái đất, thấy trái đất nó chẳng là cái gì, vô cùng bé. Nhưng bạn là con người, bạn nhìn trái đất rất vĩ đại, to lớn vô cùng. Ý tưởng lớn nhỏ đó chỉ là khái niệm trong tâm trí của chúng ta. Ví dụ, mặt trăng, Bạn luôn nghĩ trăng tròn, trăng khuyết. Nhưng trên thực tế, mặt trăng vẫn luôn là mặt trăng. Nó không khuyết nó cũng không đầy. Lớn bé, nhỏ to, khuyết đầy là trong suy nghĩ của bạn. Vì vậy, bạn đừng sợ mất đi. Hãy quán chiếu mặt trăng. Trăng khuyết, trăng tròn, nhưng nó luôn luôn là mặt trăng đó thôi.
Mời các bạn đọc tiếp đoạn Kinh sau
Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức. Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo. Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố.
Dịch nghĩa Việt của đoạn Kinh này là:
Cho nên trong cái không đó, nó không có sắc, không thọ tưởng hành thức.
Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.
Không có vô minh,mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết.
Không có khổ, tập, diệt, đạo.
Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc.
Đọan Kinh này là phân tích mười tám giới. Đầu tiên bạn có sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sau đó có cảm nhận ( sáu trần ) về sắc, thanh, mùi, vị, xúc giác, và tâm. Sắc là đối tượng nhận biết của mắt, âm thanh là đối tượng nhận biết của tai, và tiếp tục như vậy bạn có sáu thức. Từ sắc tức là cái thấy cho đến ý thức bạn có mười tám giới . Mười tám giới, từ nhãn giới cho đến ý thức giới, đều nương nhau mà được thành lập. Không giới nào có thể tồn tại độc lập. Một giới có mặt là do mười bảy giới kia có mặt. Chữ không ở đây có nghĩa là không có sự tồn tại biệt lập.
Các bạn đọc đoạn Kinh tiếp theo
Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba La Mật Đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.
Dịch nghĩa Việt của đoạn Kinh này:
Khi vị Bồ Tát nương tựa vào trí tuệ Bát Nhã nầy thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn.
Mộng tưởng điên đảo là những tri giác sai lầm của mình. Chúng tạo ra những sợ hãi và căm thù mà mình đã là nạn nhân lâu nay. Khi đám mây biết rằng nó không sinh cũng không diệt, thì khi thời cơ tới, nó có thể an nhiên biến thành mưa. Và khi biến thành mưa, đám mây sẽ cười thích thú mà rơi xuống trên cây cỏ, trên ruộng đồng, để làm tròn nhiệm vụ nước mưa của mình. Những đợt sóng trên biển cả cũng là do mưa mà thành. Một chiếc lá cây cũng vậy. Nếu biết quán chiếu theo Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa , chiếc lá sẽ thấy rằng trong suốt mùa thu và mùa hạ, nó đã làm việc hết sức mình để nuôi dưỡng cây. Chúng ta thường nghĩ lá là con cháu của cây, ít khi ta nghĩ rằng lá cũng là mẹ của cây. Sự thực, lá cũng là mẹ của cây, vì chất nhựa do các rễ cây hút từ dưới đất lên, chưa thể dùng để nuôi cây được: đó chỉ là nước lã thêm các chất khoáng mà thôi. Chiếc lá, có chức năng quan trọng của nó.
Trong sách Thế giới Khoa học của Mcgraw Hill dành cho học sinh tiểu học, đã minh họa cho học sinh hiểu rõ chức năng quan trọng của chiếc lá. Những chiếc lá nhỏ chính là những nhà máy dùng ánh sáng mặt trời và các chất khí trong không gian biến nhựa trong cây thành năng lượng. Màu xanh của lá cũng do mặt trời và những chất khí làm ra. Chiếc lá có thể quán chiếu rằng sự sống của nó chủ yếu là ở trong cây, chứ không phải là chỉ ở trong lá. Lá chỉ là một phần của cây, và là đồng nhất nó với cây.
Chiếc lá vàng nhìn lại bản thân và biết rằng trong giai đoạn này nó chỉ là một phần của lá mà thôi. Những chất bổ nó tạo ra bây giờ đang nằm trong cây. Nếu lá nhận thức ra rằng nó là cây, đồng nhất nó với cây, thì chiếc lá đó sẽ không còn sợ hãi, sẽ thấy được sự bất sinh bất diệt của nó khi nó rơi xuống đất. Nó sẽ rơi xuống, một cách rất thanh thản, vừa rơi vừa múa và biết rằng nó tiếp tục làm công việc nuôi dưỡng thân cây. Nó sẽ biến thành đất mùn để lại bón cho cây và sẽ trở lại cây. Như vậy, nó thấy được sự bất sinh bất diệt của chính nó.
Ta cũng vậy. Chúng ta sợ hãi vì chúng ta thấy sự sinh diệt qua nhận thức sai lạc của chúng ta: vì vọng tưởng của chúng ta về sinh diệt, nên ta mới sợ.
Nếu ta quán chiếu được tự thể của mình, biết rằng mình là bản thể của sự sống, chỉ chuyển biến chứ không có sinh diệt, tất ta vượt thoát khỏi sự sợ hãi về sinh diệt. Và chúng ta sẽ bằng lòng với bất cứ hình thức nào mà mình sẽ tiếp nhận sau này. Sự quán chiếu đó, ta có thể thực hiện được. Nếu không học Bát Nhã Tâm Kinh, không học quán chiếu theo đạo Phật, ta không thấy được sự diễn biến của các hiện tượng trong vũ trụ. Quán được như vậy ta sẽ thoát ra khỏi sinh tử, ta sẽ có một nụ cười, sẽ vượt ra cái mà ta gọi là sự sợ hãi.
Sự sợ hãi là gánh nặng đè trĩu lên kiếp người chúng ta từ lúc sơ sinh đến khi nhắm mắt. Đức Quán Thế Âm hiến tặng chúng ta kinh này với mục đích giúp chúng ta vượt thoát sự sợ hãi, sự sợ hãi sinh tử. Quán về nhân duyên sinh, ta có thể vượt thoát mọi khổ đau của sự sống.
Bây giờ mời đọc giả đọc đoạn Kinh tiếp theo
Tam thế chư Phật, y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.
Dịch nghĩa Việt
Các vị Phật ba đời vì nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy mà đắc quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác.
Đoạn Kinh này khẳng định các đức Phật thành đạo ở ba đời cũng chỉ nhờ phương pháp quán sát trí tuệ Bát Nhã này mà thôi, chứ không nhờ phương pháp nào nữa.
Mời bạn đọc tiếp đoạn Kinh sau:
Cố tri Bát nhã Ba La Mật Đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Nghĩa Việt của đoạn Kinh
Cho nên phải biết rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa là đại thần chú, là đại minh chú, là chú vô thượng, là chú cao cấp nhất, luôn trừ các khổ não, chân thật không hư dối.
Chú, tiếng Phạn là Dharani, có nghĩa một câu nói thoát ra trong trạng thái hết sức vững chãi. Thân, tâm và ngôn ngữ hoà hợp lại trong một định lực thật lớn, một câu nói có thể thay đổi được hoàn cảnh thì gọi là linh chú.
Khi bạn quán chiếu vào điều gì, bạn sẽ nắm bắt chúng rõ ràng như giữ trái cam trong tay. Bồ Tát Quán Thế Âm khi quán chiếu năm uẩn, ngài nhìn thấy bản chất của tương tức của năm uẩn và ngài đã vượt qua mọi nỗi đau. Bồ Tát Quán Thế Âm đã hoàn toàn được giải thoát. Đó là trạng thái thiền định, an lạc, giải thoát, vì vậy mà Bồ Tát Quán Thế Âm thốt ra một điều quan trọng. Đó là lý do tại sao Bồ Tát Quán Thế Âm nói ra câu thần chú.
Mời bạn đọc tiếp đoạn Kinh sau:
Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
Dịch nghĩa Việt của đoạn Kinh này
Cho nên khi nói đến Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức là phải nói câu chú:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
Thần chú Quán Thế Âm là "Gate Gate paragate parasamgate bodhi svaha". Đọc theo âm hán là yết đế, yết đế, ba la yết đế, bồ đề tát sa va. Gate Gate: có nghĩa là qua rồi. Paragate: qua bên kia rồi. Parasamgate: tất cả vượt qua bên kia rồi. Bodhi: tỉnh thức. Svaha: tiếng reo gọi vui mừng có năng lực thúc đẩy, tương đương với tiếng chào mừng hoặc hò dô ta của mình vậy.
Khi bạn lắng nghe thần chú này, bạn nên chú ý, tập trung, từ đó bạn mới có thể nhận được năng lượng từ Bồ Tát Quán Thế Âm. Bản kinh này không chỉ sử dụng để đọc tụng. Mà Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật được xem là một công cụ Bồ Tát Quán Thế Âm ban cho phật tử để thực hiện sự giải thoát cho bản thân và cho tất cả chúng sinh. Nó giống cái cày, cái cái bừa ban cho người nông dân.
Trong đạo Phật có ba loại bố thí. Bố thí thứ nhất là bố thí vật. Thứ hai là bố thí trí tuệ, hay còn gọi là Pháp thí. Thứ ba, là loại bố thí cao nhất, vô úy thí. Quán Thế Âm Bồ Tát là vị bố thí cho chúng ta loại Vô úy thí, giúp chúng ta tự giải phóng khỏi nỗi sợ hãi. Đây là tâm Bát nhã.
Tâm Kinh Bát nhã cho phật tử một nền tảng vững chắc vô úy thí, thực hành an lạc cho bản thân, vượt qua nỗi sợ hãi của sinh tử. Trong ánh sáng của tánh không, tất cả mọi vật đều có liên hệ với nhau, mỗi vật đều có trách nhiệm với mọi điều xảy ra trong cuộc sống. Nụ cười bạn đang nở trên môi, nó không những làm cho bản thân bạn an lạc mà những người xung quanh bạn cũng an lạc, cả thế giới cũng an lạc. Phật tử khi hồi hướng đều đọc câu nguyện cho thế giới hòa bình, cho chúng sanh an lạc. Nếu bạn không an lạc, không nở nổi nụ cười thân bạn không an lạc hòa bình thì làm sao bạn làm cho mọi người xung quanh nở nụ cười và an lạc được.
Mỗi hơi thở, mỗi bước đi, mỗi hành động, mỗi nụ cười, đều có đóng góp tích cực cho sự sống an lạc của bạn và của cộng đồng. Cho nên bạn phải sống một cuộc sống có ý nghĩa ngay trong hiện tại, ngay trong phút giây này.
Cảm ơn bạn đã đọc chú giải Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa.
Ngày 03 tháng 12 năm 2014
Hoàng Phước Đại (Đồng An)
般 若 波 羅 蜜 多 心 經
Nguồn: http://phatgiao.org.vn.