Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

NHỮNG TRI THỨC CƠ BẢN VỀ THƯ PHÁP

Đăng bởi Nguyễn Chí Việt ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Thư pháp là một môn nghệ thuật độc đáo của Trung Hoa. Nói nôm na thư pháp là phép viết chữ, mà cụ thể ở đây là chữ Hán – một thứ chữ do người Trung Hoa sáng tạo hoặc văn tự của các nước đồng văn như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên có chung cội nguồn với chữ Hán.

    Đến nay chưa có tài liệu nào cho biết một cách chính xác thời gian ra đời của chữ Hán và ai đã sáng tác ra nó. Có thuyết cho rằng Thương Hiệt – một sử quan của Hoàng đế đã sáng tạo ra chữ Hán (Thương Hiệt tác thư), song thuyết này không được các nhà nghiên cứu văn tự học chấp nhận và cho rằng Thương Hiệt chỉ là người có công thống nhất và hệ thống lại văn tự chứ không phải là người sáng tạo ra nó. Căn cứ vào các hiện vật thu lượm được ở di chỉ Tiểu Đồn huyện An Dương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), người ta ước tính là chữ Hán đã xuất hiện rất sớm vào đời nhà Thương cách chúng ta trên 3000 năm. Đó là những mảnh mai rùa và xương thú có khắc một loại chữ gọi là giáp cốt (甲 骨 文) (giáp cốt văn). Trên các hiện vật đã phát hiện có khoảng 4500 chữ và các nhà nghiên cứu đã đọc được 1700 chữ. Nội dung của nó là những quẻ bói, người đương thời khi muốn bói hoặc hỏi một việc gì đó thì khắc lên trên mai rùa hoặc xương thú rồi đem ra cúng tế, sau đó đem hơ lửa và thầy bói căn cứ vào những đường rạn nứt trên đó để đoán ý của trời đất, thần thánh hoặc gia tiên rồi trả lời cho gia chủ. Giáp cốt văn là dấu tích chữ viết xưa nhất của người Trung Hoa còn lại đến hôm nay và đó là tiền thân của chữ Hán. Cách cấu tạo chữ giáp cốt chủ yếu là phương pháp tượng hình tức là dùng hình vẽ để ghi lại sự vật. Ví dụ muốn thể hiện chữ mã thì vẽ hình con ngựa có lông gáy, chân và đuôi, chữ ngư thì vẽ hình con cá có đầu nhọn, mình có vảy và đuôi chẻ ra hai bên; chữ mục thì vẽ hình con mắt, chữ nhật thì vẽ hình mặt trời có làn sáng nhấp nháy bên trong… Cách nói thư họa đồng nguyên (viết và vẽ có chung nguồn cội) là xuất phát từ cơ sở đó(1).

    Sau giáp cốt văn khoảng 3 thế kỷ, dưới thời Tây Chu đã xuất hiện thể chữ viết gọi là kim văn (金 文) (còn gọi là chung đỉnh văn hay minh văn) là loại chữ viết trên đồ đồng hoặc chuông vạc, phần lớn nội dung có liên quan đến việc cúng tế, chinh phạt, ban thưởng… Theo lệ nhà Tây Chu mỗi lần nhà vua đem ruộng đất hoặc người lao động ban thưởng cho các quý tộc đều có ghi lại trên chuông đỉnh làm kỷ niệm, nên thời kỳ này kim văn khá phát triển. Về thể chữ kim văn thì vẫn mang dáng dấp của chữ giáp cốt, nhưng ngay ngắn và vuông vức hơn. Ngoài ra người ta còn phát hiện được chữ viết thời Tây Chu khắc trên trống đá gọi là thạch cổ văn (石 鼓 文). Các thể chữ giáp cốt văn, kim văn, thạch cổ văn được gọi một tên chung là chữ đại triện (大 篆) hay cổ văn (古 文)(2).

    Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất đất nước đã thực hiện cải cách văn tự, loại bỏ tất cả những chữ dị thể ở các địa phương khác và dùng một thể chữ thống nhất trong toàn quốc. Đó là chữ tiểu triện (小 篆) (còn gọi là Tần triện). So với đại triện, tiểu triện đơn giản, ngay ngắn, tề chỉnh và chuẩn mực hơn. Đó là một bước tiến trong văn tự Trung Hoa. Tuy nhiên trong sử dụng chưa thoát ly hẳn hình vẽ, dùng nhiều đường nét uốn khúc, nên chữ triện viết rất chậm không thích hợp với nhu cầu cấp bách của việc soạn thảo công văn, giấy tờ hành chính nên chữ triện đã được cải tiến thành chữ lệ (隸 書) đơn giản, dễ viết hơn và đã trở thành một thể chữ thông dụng dưới thời nhà Hán với những nét hất đầu tằm, đuôi nhạn mang tính nghệ thuật cao. Về cơ bản chữ lệ giống với chữ Hán hiện đại(3).

    Đồng thời với lệ thư còn có thảo thư (草 書) được hình thành trên cơ sở của chữ lệ. Trong cuốn Thảo thư trạng có viết về nguồn gốc của chữ thảo như sau: “Trước đây vào thời nhà Tần các nước chư hầu tranh nhau làm bá chủ, những lời hịch ngắn gọn truyền cho nhau, trông theo ngọn lửa báo động mà chạy ngựa trạm đưa tin, nếu dùng chữ triện và chữ lệ thì không thể viết nhanh được, do đó mới có chữ thảo như hiện nay”(4). Chữ thảo viết rất nhanh nên nhiều nét có thể giản lược, nét bút phóng túng bay lượn không bị gò bó, biến hóa linh hoạt, tạo thành một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Sự xuất hiện của chữ thảo làm cho chữ Hán có những đặc điểm thẩm mỹ cao. Có hai loại thảo thư là chương thảo (章 草) và kim thảo (今 草).

    Chương thảo là lối viết nhanh và còn giữ lại nhiều thế bút của lệ thư. Chương thảo khởi nguyên từ cuối Tần, đầu Hán và lưu hành rộng rãi vào thời Lưỡng Hán. Chương thảo còn có tên là lệ thảo (隸 草) hoặc cổ thảo (古 草). Các nhà thư pháp nổi tiếng về chương thảo là Sử Du (史 游) và Trương Chi (張 芝). Thời Tam Quốc Ngụy, Vĩ Đản đã tôn xưng Trương Chi là thảo thánh. Hai cha con họ Vương (Vương Hy Chi, Vương Hiến Chi) sống sau họ Trương khoảng 200 năm cũng chịu ảnh hưởng và sùng bái mặc tích của Trương Chi, và cũng được người đời tụng xưng là “Thảo thánh nhị vương”. Còn tại sao lại có tên gọi là chương thảo thì đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Có người cho rằng lúc đương thời thể chữ này thường dùng để viết chương tấu nên gọi là chương thảo (?).

    Kim thảo dùng để chỉ chữ thảo được dùng từ thời Tấn – Đường và thông dụng đến ngày nay. Tương truyền là Trương Chi đời Đông Hán sáng tác ra kim thảo: chữ trên chữ dưới liên tục dính liền với nhau, có khi lấy phần cuối của chữ trước làm phần đầu của chữ sau. Kim thảo còn có tên gọi là tiểu thảo (小 草) hoặc độc thảo (獨 草), nếu khi viết từng chữ rời ra, gọi là đại thảo (大 草), hoặc cuồng thảo (狂 草), nếu nét bút tung hoành viết liền một mạch như phượng múa rồng bay. Hai đại thư gia tiêu biểu của cuồng thảo là Trương Húc (張 旭) và Hoài Tố (怀 素) đời Đường, người đời gọi hai ông là Cuồng thảo nhị tuyệt (狂 草 二 絕). Tương truyền là Đường Văn Tông rất mê thư pháp của Trương Húc và đã ban chiếu chọn ba nhân vật kiệt xuất (tam tuyệt) là thi tiên Lý Bạch, nghệ thuật múa kiếm của Bùi Mân và thảo thư của Trương Húc(5).

    Đến cuối đời Hán đầu đời Ngụy lại xuất hiện một thể chữ gọi là khải thư (楷 書) (còn gọi là chân thư hoặc chính thư). Thể chữ này được hình thành và cải tiến từ lệ thư và chương thảo. Khải thư dễ viết: ngang bằng, sổ ngay, chân phương, rõ ràng, vận bút linh hoạt. Từ Ngụy Tấn về sau khải thư chiếm địa vị chính thống và coi như thể chữ chính quy được lưu hành rộng rãi và thông dụng đến ngày nay. Người xưa đã có câu ví “Chữ khải như thế đứng, chữ hành như đi, chữ thảo như chạy” (khải như lập, hành như tẩu, thảo như bôn). Thật vậy, thế đứng có vững vàng thì mới đi và chạy được. Do đó người mới học thư pháp phải lấy chữ khải làm cơ sở. Trong vấn đề học tập chữ khải người ta thường nhắc đến các phong cách khải thư như Âu thể, Nhan thể, Liễu thể, Triệu thể. Đó là bốn thư pháp gia tiêu biểu Âu Dương Tuân 歐 陽 詢 (Sơ Đường), Nhan Chân Khanh 顏 真 卿 (Thịnh Đường), Liễu Công Quyền 柳 公 權 (Vãn Đường) và Triệu Mạnh Phủ 趙 孟 (Nguyên). Âu thể thì thanh tú trang nghiêm; Nhan thể thì mộc mạc, mạnh mẽ; Liễu thể thì cứng cỏi quật cường; Triệu thể thì yểu điệu, kiều diễm. (Âu kình, Nhan cân, Liễu cốt, Triệu thể nhục).

    Hành thư (行 書) là một thể chữ trung gian ở giữa khải thư và thảo thư, nó bao gồm cả các yếu tố khải và thảo. So với triện, lệ và khải thì hành thư viết nhanh và dễ đọc hơn triện thư và thảo thư mà chữ viết lại linh hoạt, kết hợp được nét chân phương bình dị của khải thư và bay bướm phóng khoáng của thảo thư nên phát huy được hiệu quả nghệ thuật được nhiều người ưa chuộng và mang tính thực dụng cao. Lối viết gần với chữ khải thì gọi là hành khải, gần chữ thảo thì gọi là hành thảo.

    Nói đến thư pháp, từ xưa đến nay mọi người vẫn tôn sùng Vương Hy Chi 王 羲 之 (307 – 365 đời Tấn) là vị tổ kế thừa môn nghệ thuật này. Ông theo học Vệ Phu Nhân 衛 夫 人 (272 – 349) và đã dày công nghiên cứu bút tích của các danh nhân lớp trước nên đã vươn tới đỉnh cao của môn nghệ thuật thư pháp. Kiệt tác Lan Đình tự 蘭 亭 序 của ông đã được người đời đánh giá là “Thiên hạ đệ nhất hành thư”. Câu chuyện về thiếp Lan Đình như sau: Vào năm Vĩnh Hòa thứ 9 (353) Vương Hy Chi cùng Tạ An, Tôn Xước, Khích Đàm… gồm bốn mươi mốt người hội ở Lan Đình xướng họa vui chơi. Nhân dịp này Vương Hy Chi đã viết bài tựa cho tập Lan Đình thi tập theo thể hành thư tuyệt đẹp. Người đời sau phỏng dập khắc in để tập viết gọi là thiếp Lan Đình mà Nguyễn Du cũng đã có lần nhắc đến trong tác phẩm Truyện Kiều. Tương truyền là Đường Thái Tông vì quá say mê thư pháp của Vương Hy Chi nên có khi nửa đêm vẫn chong đèn nghiền ngẫm và luyện tập, nhà vua còn sai các nhà thư pháp chép lại làm vật ban thưởng cho người được nhà vua ưu ái. Trước lúc băng hà, Đường Thái Tông đã yêu cầu chôn bức Lan Đình tự nguyên bản xuống mộ cùng nhà vua. Một điều đặc biệt là Vương Hiến Chi 王 獻 之 (344 – 386), con thứ bảy của Vương Hy Chi cũng là một thư pháp gia nổi tiếng. Ông tinh thông cả các thể chính, hành, khải, lệ. Các nhà thư pháp Đường Tống rất hâm mộ và chịu ảnh hưởng của ông. Hai cha con họ Vương được người đời tôn xưng là “Nhị vương”.

    Nghệ thuật thư pháp Trung Hoa không ngừng phát triển, thời đại nào cũng có những đại biểu xuất sắc: đời Đường có Âu Dương Tuân, Nhan Chân Khanh, Liễu Công Quyền, đời Nguyên có Triệu Mạnh Phủ như chúng tôi đã đề cập đến ở trên. Ngoài ra đời Đường còn có Ngu Thế Nam, Chử Toại Lương, Lý Ung; đời Tống có Tô Đông Pha, Mễ Phất, Hoàng Đình Kiên…; đời Minh có Kỳ Xương; đời Thanh có Trịnh Bản Kiều, Lưu Dung, đặc biệt cả hai vị hoàng đế là Khang Hy và Càn Long cũng là những người say mê nghệ thuật thư pháp. Hiện ở Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội còn lưu giữ bút tích của vua Khang Hy.

    Để có một tác phẩm thư pháp hoàn chỉnh đảm bảo về mặt thẩm mỹ và nghệ thuật, ngoài yêu cầu về chữ nghĩa, vấn đề bố cục (trong thư pháp gọi là chương pháp (章 法), thiên pháp (篇 法) hoặc bố bạch (布 白) có một vị trí rất quan trọng. Một tác phẩm thư pháp có bố cục hợp lý, hài hòa, cân đối sẽ mang lại những ấn tượng tốt đẹp cho người thưởng thức, ngược lại một bức thư pháp dù có nét chữ bay bướm nhưng bố cục sơ sài, cẩu thả, chữ viết không thành hàng lối, khoảng trống xung quanh quá thừa hoặc quá thiếu thì sẽ gây phản cảm cho người thưởng thức. Các nhà thư pháp thường lấy chương pháp bài Lan Đình tự của Vương Hy Chi làm mẫu mực. Toàn bài mạch lạc thông suốt, tiền hô hậu ứng, biến hóa linh hoạt, huyền diệu vô cùng. Lan Đình tự có 20 chữ chi thì mỗi chữ có một cách viết mang thần thái khác nhau nhưng bố cục của bài không bị phá vỡ mà vẫn có sự giao ứng hài hòa tương tiếp.

    Một bức thư pháp hoàn chỉnh bao gồm chính văn (正 文), đề khoản (題款) và ấn chương (印 章). Dòng chữ không nằm trong chính văn gọi là đề khoản (lạc khoản). Đề khoản không đúng quy cách sẽ làm giảm giá trị của tác phẩm, ngược lại đề khoản thích hợp sẽ làm cho người thưởng thức hoặc được trao tặng đón nhận một cách nhiệt tình. Nội dung lạc khoản phải rõ ràng, chính xác và đơn giản. Lạc khoản chia ra thượng khoản và hạ khoản. Thượng khoản ghi tên người nhờ viết và kèm theo khiêm từ như thanh thưởng, nhã thuộc, nhã chính, phủ chính (清 賞, 雅 屬, 雅 正, 斧 正) hoặc nhã tồn, huệ tồn, huệ niệm (雅 存, 蕙 存, 蕙 念)… Hạ khoản có thể ghi xuất xứ của chính văn và tên (hoặc bút danh) người viết, thời gian và địa điểm viết. Nếu chính văn là tác phẩm nổi tiếng thì có thể ghi thêm khiêm từ như Kính thư, Kính lục (敬 書, 敬 錄). Thượng khoản và hạ khoản còn có tên gọi chung là song khoản (雙 款). Trường hợp không ghi thượng khoản mà chỉ có hạ khoản thì gọi là đơn khoản (單 款)(6).

    Vị trí để ghi lạc khoản cũng cần linh hoạt tùy theo khuôn khổ của bức thư pháp để đảm bảo tính thẩm mỹ, tuy nhiên dòng lạc khoản không nên để cao ngang với phía trên bản chính văn hoặc để quá thấp xuống phía dưới.

    Thể chữ trong chính văn và lạc khoản cũng có sự quy định theo tập quán thưởng thức, nếu chính văn là triện thư thì lạc khoản là lệ, khải hoặc hành thư; chính văn là lệ thư thì lạc khoản là khải hoặc hành thư; chính văn là thảo thư thì lạc khoản là thảo hoặc hành thảo; chính văn là hành thì lạc khoản là hành thư hoặc hành thảo. Chữ hành viết linh hoạt lại dễ đọc, do đó người ta thường dùng hành thư để ghi lạc khoản cho bất cứ thể chữ nào trong chính văn.

    Trong một bức thư pháp hoàn chỉnh không thể thiếu ấn chương (con dấu). Nếu con dấu đặt đúng vị trí, nó làm cho tác phẩm tăng thêm giá trị, giống như cành lá có điểm thêm bông hoa đẹp. ấn chương có hai loại là danh chương (名 章) và nhàn chương (閑 章). Danh chương là con dấu khắc tên (hoặc bút danh) của tác giả và thường đóng phía dưới hoặc bên trái tên người viết ở hạ khoản. Danh chương không nên quá to hoặc quá bé, thông thường bằng 2/3 chữ lạc khoản là vừa, nó sẽ làm nổi bật màu đen và hồng của dòng lạc khoản và danh chương. Đôi khi người ta còn dùng hai danh chương bằng nhau: một khắc chìm (gọi là âm văn hay bạch văn) khi đóng lên có nét chữ trắng, một khắc nổi (gọi là dương văn hay chu văn) khi đóng lên có nét chữ màu đỏ.

    Nhàn chương là con dấu có khắc những câu nói có ý hay, lời đẹp, những câu danh ngôn, thành ngữ hoặc những câu có hàm ý khuyên răn… tùy theo tâm tư, hoài bão và ý chí của chủ nhân. Nhàn chương rất đa dạng, có khi chỉ là con dấu ghi ngày tháng hay tên thư trai, thảo đường của tác giả. Vị trí đóng nhàn chương thường ở phía trên, bên phải chính văn. Cần chú ý khi sử dụng nhàn chương là nội dung phải phù hợp với nội dung trong chính văn, nếu không sẽ trở nên buồn cười và phản tác dụng.

    Do khuôn khổ của bài viết, trên đây chúng tôi chỉ mới nêu lên một vài điểm khái quát trong môn nghệ thuật thư pháp của Trung Hoa và chưa đề cập đến những thao tác cụ thể mang tính kỹ thuật. Có dịp chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này.

    T.A

    CHÚ THÍCH

    (1) Trung Quốc thư pháp sử 中 國 書 法 史. Thiên Tân, Nhân dân mỹ thuật xuất bản xã, 2000.

    (2) (3) Thư pháp tự điển 書 法 字 典. Thành Đô, Khoa kỹ Đại học xuất bản xã, 1991.

    (4) (5) Thư pháp tự điển 書 法 字 典. Nxb. Văn nghệ và Trung tâm nghiên cứu quốc học, 2000.

    (6) – Khải thư nhập môn tự phổ 楷 書 入 門 字 譜. Quảng Tây, Mỹ thuật xuất xã 1995.

    – Thư pháp tự điển 書 法 字 典. Thành Đô, Khoa kỹ Đại học xuất bản xã 1991.

    – Cương bút thư pháp tự học giáo trình 鋼 筆 書 法 自 學 教 程. Triết Giang, Khoa học kỹ thuật xuất bản xã 1997.

    Tác giả: Thế Anh
    Đăng trên: Tạp chí Hán Nôm số 4 (53) năm 2002


    Cũ hơn Mới hơn