MỤC LỤC [Ẩn]
DIỄN VĂN KHAI MẠC TRIỂN LÃM THƯ HỌA LÊ XUÂN HÒA (tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội vào dịp xuân mậu dần - 1998) [trích]
NGÔ QUANG LỘC*
Thư pháp Trung Hoa từng cổ kim lẫy lừng với các bậc đại bút như: Chung Diêu, Vương Hy Chi, Vương Hiến Chi, Trương Húc, Hoài Tố, Tô Đông Pha, Quách Mạt Nhược v.v...
Ở Việt Nam, từ khi chữ Hán được tiếp nhận, cha ông ta sớm nhận thức được đặc trưng bản chất của hệ văn tự này và sớm coi trọng nghệ thuật thư pháp. Do khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt và sự tàn phá của chiến tranh, di sản thư pháp của nước ta bị hủy hoại rất nhiều, nhưng cho đến nay còn lưu giữ được 27 văn bản từ thế kỷ thứ VII đến triều Lý khắc chữ trên đá (bia, mộ chí, cột kinh) và trên đồng (chuông).
Từ năm 1070, với việc lập Văn Miếu thờ các bậc tiên thánh của Nho học, năm 1076 lập Quốc Tử Giám đào tạo nhân tài cho đất nước qua học hành, thi cử, thì Thư pháp, Thư họa, cũng phát triển. Chỉ riêng tại di tích lịch sử - văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn lưu giữ bức hoành phi "Cổ kim nhật nguyệt" của Tiến sĩ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm, với nét chữ rất mực rắn rỏi nghiêm trang. Trên 82 tấm bia Tiến sĩ có thể lập được danh sách các cây bút tài hoa mà chữ viết đẹp đã được triều Lê tuyển chọn và người đương thời khẳng định như: Nguyễn Tưởng, Tô Ngại, Chu Đình Báo, Nguyễn Tấn,... và biết bao ông Nghè, ông Cử, cậu Tú, ông đồ trên khắp đất nước, từ thôn quê đến thành thị, đã đem đến cho mọi người sự xúc động, niềm vui và hy vọng trong những dịp hiếu hỷ, đình đám, lễ tết.
Từ năm 1919, chế độ khoa cử theo Hán học cáo chung cùng với khoa thi cuối cùng thì thư pháp Hán Nôm cũng suy tàn theo:
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
và :
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ.
(Vũ Đình Liên - Ông đồ)
Tuy nhiên sự nghiệp Hán học 900 năm ấy không chỉ được giữ trên bia đá, trong kho tàng Hán Nôm đang được bảo tồn và khai thác, mà vẫn còn những người quyết tâm giữ nghiệp cha ông. ở thập kỷ 90 của thế kỷ XX này vẫn còn nhiều người say mê với thư họa, thư pháp, nhưng những người đáng gọi là nhà Thư pháp của nước ta không nhiều, trong đó Thanh Hoằng Khê Lê Xuân Hòa có thể kể đến là cây bút tiêu biểu.
Thực hiện đường lối bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, từ khi thành lập năm 1988, mỗi độ xuân về, Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân tộc trong đó có thư pháp Lê Xuân Hòa. Những năm tiếp theo, Thư pháp Lê Xuân Hòa đã được trân trọng giới thiệu khắp trong Nam ngoài Bắc và cả nước ngoài với nét chữ rồng bay phượng múa, nội dung thâm thúy hàm súc, gửi tặng niềm vui và ước mơ cao đẹp, tao nhã đến tri âm, tri kỷ...
CHÚ THÍCH
* Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa-khoa học Văn miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.
Tạp chí Hán Nôm 1998 - Số 1 (34). - Tr.71