Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Nghệ thuật Thư pháp và những điều chưa ổn

Đăng bởi Nguyễn Chí Việt ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Bất cứ loại hình nghệ thuật nào, trên con đường phát triển của nó cũng có những điều chưa ổn. Những điều chưa ổn được sinh ra ngay từ khi nó chào đời và tiếp tục phát sinh cho đến lúc “chết”.
    Như vậy, “những điều chưa ổn” là tất yếu khách quan trong quá trình tồn tại và phát triển của nó. Để tồn tại và phát triển bất cứ loại hình nghệ thuật nào, vấn đề quan trọng là phải phát hiện và giải quyết những bất ổn ấy. Nghệ thuật thư pháp (NTTP) cũng không nằm ngoài qui luật đó. Trong bài viết này, tôi xin được nêu một số trong nhiều bất ổn của nghệ thuật thư pháp nước nhà.

    Điều thứ nhất: Coi thuộc tính thành đặc tính của NTTP

    Biểu hiện khá rõ của điều này là xu hướng tâm linh hóa NTTP. Cho đến thời nay, rất nhiều người cho rằng phàm là văn tế, sớ cầu khấn phải là chữ nho mới có giá trị. Vô tình, họ đã tâm linh hóa và gán cho chữ viết những thuộc tính mà nó vốn không có, thậm chí còn coi đó là đặc tính của chữ viết. Từ đó người ta thường nhấn mạnh “chữ Tâm” trong thư pháp. Họ quên, hoặc không biết rằng “chữ Tâm” đâu chỉ có dành riêng cho NTTP.

    Cái đáng nói là những hệ quả của điều đó. Nhiều nhà thư pháp cảm thấy mình là người “có tâm”, là sứ giả của thánh hiền và tỏ vẻ “cao đạo”, tự phụ, tự đắc, đến mức có người phải thốt lên “ Tức mình với cái vẻ cao đạo của Thư Pháp Việt Gia Đương Đại!… cái vẻ cao đạo mà các vị đang khoác lên mình là một trò bịp bợm, lừa người và lừa chính mình!” (Trần Quốc Tuấn).

    Có thể không phải tất cả các vị đang “bịp bợm”, nhưng tôi cho rằng có nhiều vị đang quá “say” nên sinh ra “ảo giác”. Chữ viết vốn không có hồn. Cái hồn của chữ viết là do người viết tạo ra. Vì vậy người ta có thể tạo ra những chữ vô hồn, nhạt nhẽo, phản cảm, cũng có thể làm rung động trái tim người chiêm ngưỡng.

    Tôi còn nhớ, khi tranh luận về vấn đề “Có hay không nên có Thư pháp chữ Việt”, có người gán cho chữ Việt đặc tính “dịu dàng, duyên dáng” để phê phán những nhà thư pháp Việt là “đang bôi bẩn” chữ Việt. Thực chất, người đó đã dùng thuật ngụy biện để phản bác một trào lưu tất yếu là Nghệ thuật thư pháp chữ Việt.

    Có người còn giải thích “chỉ có những loại chữ tượng hình như chữ Hán mới có thể có nghệ thuật thư pháp”. Nghĩa là họ đã gán cho chữ Hán đặc tính “ tượng hình”. Họ không biết rằng cho đến nay số chữ Hán được coi là tượng hình chiếm môt tỷ lệ vô cùng ít ỏi. Sự bất ổn này dẫn đến những ứng xử sai lầm trong quá trình theo đuổi nghệ thuật thư pháp của nhiều người.

    Chợ chữ đầu xuân tấp nập “xin” – “cho”

    Chợ chữ đầu xuân tấp nập “xin” – “cho”

    Điều thứ hai: Tầm thường hóa nghệ thuật thư pháp

    Có một nghịch lý là khá nhiều người càng thần thánh hóa NTTP bao nhiêu lại càng hạ thấp nó bấy nhiêu. Chiêu bài thần thánh hóa NTTP – cái mình đang theo đuổi hòng gây cho mọi người thấy cái vẻ cao đạo của mình. Không ít người cho rằng đã là nhà thư pháp, ắt là người có tâm sáng, đức cao… và cũng không ít “nhà thư pháp” tự huyễn hoặc mình với ý nghĩ như vậy.

    Nhiều người cho rằng chỉ cần biết chữ, biết sử dụng bút lông là thành nhà thư pháp. Họ không phân biệt giữa thư pháp và nghệ thuật thư pháp. Các “nhà thư pháp” tự xưng xuất hiện tràn lan từ nam chí bắc.

    Thư pháp Hán – Nôm đã có nhiều gương để soi, để vươn tới, còn thư pháp chữ Việt mới ra đời nên chẳng có gương nào thực sự sáng để soi. Họ tự sáng tạo, tự gật gù và… tự mãn. Một số “nhà thư pháp” đẻ non, thay vì luyện tập thư pháp của mình, lại đua nhau đem cái gọi là thư pháp còn “sống sượng” để lập kỷ lục về độ dài và sức nặng. Họ muốn mọi người đánh giá tác phẩm của họ bằng thước mét và cân tạ? Giá trị nghệ thuật được tính bằng thước, bằng cân! Còn gì chua chát hơn thế! Xu hướng “lấy lượng bù chất” là xu hướng không thể chấp nhận được trong nghệ thuật. Họ đã tầm thường hóa NTTP và bôi nhọ chính họ!

    Phải chăng cứ “vẽ chữ” nhiều là đẹp?

    Phải chăng cứ “vẽ chữ” nhiều là đẹp?

    Điều thứ ba: Cẩu thả trong thể hiện

    Sự cẩu thả trong thể hiện sản phẩm thư pháp biểu hiện trên nhiều hình vẻ khác nhau và cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên suy cho cùng nó đều bắt nguồn từ TÂM và LỰC của các tác giả. Tâm không sáng, lực chưa tới dễ dàng dẫn tới sự cẩu thả. Dấn thân vào con đường nghệ thuật, có lẽ ai cũng biết vai trò hết sức quan trọng của CÁI TÔI .

    “Cái tôi” tạo nên bản sắc riêng, tạo nên giá trị “độc nhất” của tác tác phẩm. Tâm càng sáng, lực càng dày, giá trị “độc nhất” đó sẽ được tôn vinh mãi mãi. Tâm không sáng, lực chưa tới, kết quả có thể hoàn toàn ngược lại.

    “Cái tôi quá lớn làm ngu muội mình” – như người ta thường nói. Cái tôi vì nghệ thuật, vì công chúng đã tạo nên Picasso, Tô Ngọc Vân, Văn Cao, Trịnh Công Sơn…

    Trong nghệ thuật thư pháp Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm thể hiện khá rõ cái tôi đáng trân trọng, nhưng cũng có nhiều trường hợp hết sức phản cảm. Hầu hết “cái tôi” gây hiệu ứng phản cảm đều do “cái tôi” không vì nghệ thuật, coi thường công chúng mà vì hư danh, trục lợi. Họ thường trình hiện sản phẩm một cách cẩu thả, vô trách nhiệm, không đếm xỉa đến công chúng.

    Tôi xin giới thiệu cụ thể một số sản phẩm thư pháp (cả tác phẩm khá ổn và tác phẩm chưa ổn) của người Việt Nam mà không nêu tên tác giả và cũng không bình luận, để người đọc tự phán xét về hai kết quả trái ngược của việc sử dụng “cái tôi” nói trên.

    Một trang bìa của “Kỷ lục” thư pháp Tuyên ngôn Độc lập và Trích đoạn “Kỷ lục” thư pháp Truyện Kiều

    Một trang bìa của “Kỷ lục” thư pháp Tuyên ngôn Độc lập và Trích đoạn “Kỷ lục” thư pháp Truyện Kiều

    Trên đây chỉ là một số trong rất nhiều cái chưa ổn trong làng thư pháp Việt Nam. Những điều chưa ổn là tất yếu khách quan, tốt nhất là phải đối mặt với chúng, chớ nên né tránh. Sự né tránh chỉ làm cho tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Chỉ khi nào tự thấy được những điều chưa ổn của bản thân mới có cơ hội trưởng thành. Điều quan trọng nhất là phải hiểu chính mình, chọn cho mình một hướng đi đúng đắn và mục tiêu là luôn tìm cách vượt lên chính mình, thay vì tìm cách vượt mặt người khác bằng thói ngụy biện và những tiểu xảo tầm thường.

    Thư pháp Hán – Nôm đã có bề dày lịch sử, nhưng hiện tại, ở Việt Nam, nó còn có những trở lực rất lớn, không dễ gì vượt qua. Thư pháp chữ Việt còn quá non trẻ, chưa định hình. Nếu có một số thành công nào đó cũng chỉ là những thành công bước đầu, mò mẫm bằng những bước đi chập chững trên con đường vươn tới chỗ đứng vững vàng trong trái tim người Việt. Tự mãn, tự cao… thực ra là thiếu tự trọng. Điều đó, không những cản trở quá trình phát triển NTTP mà có thể hủy diệt chính bản thân mình.

    ST (Nguồn: http://home.thuhoavn.com)


    Cũ hơn Mới hơn