Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Hướng dẫn bảo quản và sử dụng mực ấn triện

Đăng bởi Nguyễn Chí Việt ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    CHỌN ANG ĐỰNG MỰC ẤN

    Ang đựng ấn nên sử dụng loại hộp có nắp được làm từ chất liệu không hút dầu như sứ, mã não, ngọc.v.v.. Không dùng hộp làm bằng kim loại. Nếu dùng hộp kim loại sẽ phát sinh phản ứng hóa học với thành phần chu sa có trong mực ấn làm thay đổi màu sắc tự nhiên của chu sa.

    Ang đựng mực bằng sứ

    TRỘN MỰC ẤN

    Trước khi sử dụng cần phải trộn đều mực. Dùng một chiếc gạt để trộn mực ấn trong hộp, việc trộn giúp cho mực phân bố đều. Gạt từ đáy hướng lên ở một phía, đồng thời dùng lực ép mực ấn tạo thành hình tròn. Lưu ý vừa trộn vừa ép, tránh làm đứt sợi thực vật có trong hỗn hợp mực ấn hoặc gạt lên quá cao. Trộn mực thuận theo 1 hướng (không trộn theo hướng ngược lại), ép sát vòng quanh. Trong khi trộn cần xoay ang/hộp đựng mực để thay đổi vị trí trộn. Cứ như vậy trộn đi, trộn lại nhiều lần theo cùng hướng cho đến khi phần đầu trên của mực ấn tạo thành hình tròn.

    Quá trình trộn mực

    Mục đích của trộn mực là hòa đều các thành phần có trong mực ấn, tránh tình trạng khi sử dụng sợi ngải có trong hỗn hợp mực ấn bị kéo ra gây ảnh hưởng đến hiệu quả của việc đóng dấu. Trộn mực ấn làm cho độ đàn hồi của mực ấn tốt hơn.

    Hướng dẫn trộn mực

    LẤY MỰC ẤN

    Khi lấy mực không lấy ấn trực tiếp đập mạnh vào mực. Trước tiên, dùng một tay cầm vững hộp mực, một tay cầm ấn triện. Lấy một góc của mặt ấn đóng vào phần đỉnh của mực ấn (đã trộn tròn), việc tiếp xúc giữa mặt ấn và mực cần nhẹ nhàng, không đóng mạnh tay. Vừa lấy mực, vừa chuyển động ấn để lấy mực ở 4 góc ấn. Sau đó khi 4 góc ấn đã đủ mực thì tiếp tục lấy mực ở phần giữa mặt ấn. Lưu ý: Có thể lấy mực nhiều lần, điều quan trọng là tiếp xúc giữa ấn và mực cần nhẹ nhàng, không được vội vàng đóng/đập mạnh ấn vào mực. Đối với ấn mới khắc, trước khi lấy mực nên phủi sạch bụi, sạn còn lưu lại ở mặt ấn, tránh làm bụi, sạn đá rơi vào mực.

    ĐÓNG DẤU

    Cách 1: Dùng ấn đóng/ đặt dứt khoát lên giấy (hoặc lụa, vải). Lấy tay tỳ lên trên đỉnh ấn và dùng lực ép xuống làm cho mặt ấn chịu áp lực đều. Sau đó nhẹ nhàng nhấc ấn ra khỏi mặt giấy.

    Đóng dấu ấn triện

    Cách 2: Sau khi lấy mực xong để mặt ấn hướng lên trên, lấy giấy phủ lên mặt ấn, dùng móng tay, nắp hộp đựng ấn cà đều trên mặt giấy, sau đó nhấc ấn ra khỏi mặt giấy. Mỗi lần dùng xong cần dùng giấy mềm lau sạch mực còn sót trên bề mặt ấn để tránh dính bụi bẩn sau khi sử dụng.

    Cách 3: Dùng bao vải hoặc ngón tay chấm vào mực, sau đó dùng bao vải hoặc ngón tay chấm vào mặt ấn (lấy mực thông qua vật trung gian), sau khi mặt ấn đã có đều mực thì bắt đầu đóng dấu. 

    Hướng dẫn đóng dấu ấn triện

    Dù dùng phương pháp nào thì sau khi đóng dấu xong đều cần dùng giấy mềm lau sạch phần mực còn sót lại trên bề mặt ấn.

    DƯỠNG MỰC ẤN

    Dưỡng mực ấn ở nhiệt độ thông thường, đậy kín nắp. Không được để hở, lộ ra không khí trong quá trình bảo quản, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Thường xuyên trộn mực để các thành phần của mực phân bố đều. Nếu sau này mực bị khô có thể đổ thêm vào mực ấn loại dầu chuyên dụng, khi đó chu sa sẽ sống trở lại để tiếp tục sử dụng.

    Mực ấn Tây Lãnh Thượng Hải

    Nguồn: Sưu tầm (dịch bài viết) internet


    Cũ hơn Mới hơn