Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Hướng dẫn lâm thiếp thư pháp

Đăng bởi Nguyễn Chí Việt ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Trong thư pháp, viết theo hoặc đồ theo chữ mẫu gọi là lâm thiếp.

    Lâm Thiếp có hai bước chuẩn bị là Tuyển Thiếp và Độc Thiếp.

    I. TUYỂN THIẾP

    Lam thiep thu phap

    Triệu Mạnh Phủ Đảm Ba Bi

    Tuyển Thiếp là chọn thiếp để luyện tập. Theo truyền thống, người mới tập luyện chữ thì chọn thiếp của Nhan Chân Khanh, Liễu Công Quyền, Âu Dương Tuân. Bút thiếp chữ khải của ba nhà này rất dễ luyện tập, chữ viết rõ ràng, pháp độ nghiêm cẩn, kết cấu giản lược. Riêng chữ của họ Nhan được coi là “dễ vào, dễ ra”. Tuy nhiên cảm nhận của mỗi người mỗi khác nên các bạn tự chọn thiếp nào phù hợp với ý thích của mình thì việc luyện tập sẽ dễ dàng hơn.

    II. ĐỘC THIẾP

    Độc thiếp là quan sát, nghiền ngẫm bút thiếp mà bạn sẽ luyện. Khi quan sát nên tập trung tư tưởng phân biệt những điểm dị biệt, những điểm tương đồng. Nên đặc biệt chú ý ba điểm tự hình, kết thể, điểm hoạch.

    Lam thiep thu phap

    Tập quan sát và so sánh giữa các thiếp, bi

    1. Quan sát Tự Hình:

    Là hình dạng của chữ giống như cơ thể người, hình dạng chữ có cao, lùn, ốm, mập, đáng phải lưu ý.

    2. Quan sát kết thể:

    Là kết cấu các nét trong chữ, mỗi thư gia đều có đặc điểm kết cấu riêng, có thông thoáng, có kín đáo. Thông thường có ba dạng, phần trong chữ kín đáo, phần ngoài thoáng; hoặc ngược lại; hoặc trong và ngoài quân bình.

    3. Quan sát điểm hoạch:

    Điểm hoạch là cách điểm một chấm, cách đi một nét. Khi quan sát kĩ hơn nữa so với bước 1 và 2 vừa nêu bạn sẽ thấy mỗi thư gia có cách điểm hoạch rất đặc thù, có tròn có vuông, có tinh có thô, khi hướng lên khi hướng xuống, khởi bút thâu bút khác nhau.

    Phần độc thiếp này sẽ tạo cho bạn kĩ năng phân tích, thỉnh thoảng, nên so sánh 2 hoặc 3 thiếp cùng một lúc để tìm những điểm tương đồng và dị biệt của các thư gia mà bạn thích đồng thời mở rộng kiến thức theo hướng chuyên sâu.

     III. LÂM THIẾP

    Lam thiep thu phap

    Lâm thiếp thư pháp

    Quá trình Lâm Thiếp chia làm ba bước luyện tập từ dễ đến khó như sau:

    Bước 1: Đồ theo chữ kiểu học trò nhỏ hồi xưa học chữ Nho gọi là miêu hồng, tức là dùng thiếp chữ in có nét viền chữ, bỏ trắng trong ruột nét, ta dùng bút tô phía trong cho thành chữ. Còn một cách nữa là đặt tờ thiếp có chữ ở dưới có đặt giấy chồng lên trên và viết theo, giấy để luyện chữ (như đã nói ở phần văn phòng tứ bảo) rất mỏng nên có thể nhìn thấy mẫu chữ rõ ràng.

    Bước 2: Căn cứ theo dạng mà chia các chữ thành 3 loại Cửu Cung, Mễ Tự và Điền Tự để viết lại, dán thiếp lên vách, ngang tầm mắt, nhìn và viết theo.

    Bước 3: Khi đã quen tay nhìn và viết theo, không phải chia cung như bước 2 nữa.

    Thời gian luyện tập cho từng bước bạn nên tự mình cân đối, vì thiên tư và khả năng của từng người khác nhau nên ở đây không quy định cụ thể, chỉ nên lưu ý rằng không việc gì phải vội, và khi mô phỏng bút thiếp của nhà nào thì cần phải thực hiện liên tục cho xong, không được sớm chiều thay đổi, thí dụ bạn đang luyện Cần Lễ Bi của Nhan Chân Khanh thì phải luyện cho xong, tập thiếp mẫu ấy rồi thêm lần thứ 2, lần thứ 3. Những lần lâm thiếp đầu tiên bạn phải huy động cả mắt, tay và tư tưởng để cố thực hiện cho giống, cho đạt, có khi toát vã cả mồ hôi. Những lần sau việc thực hiện sẽ nhẹ nhàng hơn và đó là lúc bạn gặp những điều tinh tế, kì diệu ẩn trong từng chữ.

    Nói về Lâm Thiếp, khi học thư còn dụng “Không Lâm”, tức lợi dụng lúc nhàn rỗi mà trong tay không có bút, tạm dùng cành cây, long trúc hoặc ngón tay thay bút mà vạch chữ lên đất, lên cát, hoặc khi nằm trên giường mà chưa ngủ, dùng ngón tay viết lên trên bàn tay, lên đùi, thậm chí viết vào không gian. Đó là phương pháp đưa chữ nhập tâm, biến thể chữ và kết cấu của chữ trong bi trong thiếp thành ấn tượng. Thực hiện “Không Lâm” cũng thu được hiệu quả đáng kể.

    Nguồn: Sách Thư Pháp Chữ Hán – Lý thuyết và thực hành. Tác giả: Phạm Hoàng Quân.


    Cũ hơn Mới hơn