Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Mài mực thỏi thế nào mới đúng cách?

Đăng bởi Thư Pháp Dụng Phẩm ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Mực tàu hay còn gọi là mực nho là dụng cụ quan trọng để viết thư pháp, vẽ tranh thủy mặc. Ngày nay, mọi người thường quen với việc sử dụng mực nước pha sẵn bởi tính tiện dụng của chúng. Tuy nhiên, bạn có biết rằng đem lại nhiều tác dụng tích cực? Có thể nói đây là bước khởi đầu giúp người học tịnh tâm trước khi chính thức bước vào học tập hoặc sáng tác tác phẩm. Qua đó người học hiểu hơn về loại mực mình đang sử dụng, điều chỉnh nồng độ của mực phù hợp với yêu cầu sử dụng. Hoạt động mài mực khiến cổ tay vận động linh hoạt. Ở bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về mực thỏi và cách mài mực nhé!

    1. Giới thiệu về mực thỏi

    Dựa vào nguyên luyện sản xuất mực thỏi cơ bản có thể chia thành: Tùng yên mặc và dầu yên mặc.v.v..

    Trong lịch sử, tùng yên mặc ra đời sớm hơn dầu yên mặc. Theo ghi chép thì thời nhà Hán đã xuất hiện tùng yên mặc. Tùng yên mặc được sản xuất bằng cách đốt cành cây Tùng lấy bồ hóng, sau đó trải qua nhiều công đoạn gia công để tạo thành như: Hòa keo (phụ liệu), dã đập, phơi khô, mạ vàng (mạ hoa văn).v.v.. Trong mỗi công đoạn trên lại gồm nhiều bước phức tạp. Đặc điểm của tùng yên mặc là màu đen lam, không sáng bóng nên dùng để viết, ít được dùng để vẽ.

    Dầu yên mặc được làm từ bồ hóng của các loại cây có dầu như cây Dầu Trẩu 桐油 (Tong oil), dầu lạc, dầu cải.v.v.. kết hợp với các loại keo da trâu, xạ hương, băng phiến, vàng lá.v.v.. để chế tạo thành. Dầu Yên Mặc thông thường thấy trong mực có sắc tím, sáng bóng, thường dùng để vẽ tranh. Từ trước tới nay các thư họa gia dùng dầu yên mặc là chính.

    Khi tuyển mực nên lựa những thỏi đen đậm, đồng thời thỏi mực đó có thể phát ra ánh thanh tím là tốt nhất. Thỏi mực có phẩm chất kém phát ra ánh đỏ vàng hoặc trắng.

    2. Các dụng cụ cần dùng để mài mực

    Các dụng cụ cần thiết để mài mực gồm có:

    - Nghiên mực bằng đá tự nhiên;

    - Mực thỏi

    - Bình đựng nước. Chiếc bình trên có đầu vòi nhỏ, khi đổ chỉ ra một lượng nhỏ nước nên tránh bị đổ quá tay khi thêm nước.

    Các dụng cụ cần dùng để mài mực

    3. Hướng dẫn cách mài mực

    Về các thức mài mực, cho một chút nước trắng vào nghiên, sau đó cầm thỏi mực mài xoay tròn theo chiều kim đông hồ. Khi mài dùng lực đều, không cần dùng lực quá mạnh, mài đến khi mực có độ sánh và đậm đặc thích hợp là có thể sử dụng. Quá trình mài mực nhỏ thêm nước vào để mài. Mực mới mài xong nên dùng ngay, mực để lâu (để qua đêm) gọi là túc mặc. Túc mặc sau khi để qua đêm nước trong mực đã bay hơi một phần nên đậm đặc hơn, các chất keo được hòa trộn trước đây diễn ra quá trình thoát keo. Túc mặc lúc này sẽ đen đặc, khi vẽ độ loang sẽ ít đi, phù hợp để điểm xuyết những họa tiết cần sự nổi bật của màu đen. Hoàng Tân Hồng (thư họa gia cận đại của Trung Quốc) khi về già rất giỏi sử dụng túc mặc. Trong tranh của ông ở những khu vực tối thường điểm thêm túc mặc (có độ đậm đặc cao hơn), gọi là lượng mặc 亮墨 (mực sáng).

    Hướng dẫn cách mài mực

    Bao Thế Thần đời nhà Thanh trong “Nghệ Chu Song Tập” 藝舟雙楫 viết rằng: “Thư pháp tự pháp, bản thốn bút, thành ư mặc, tắc mặc pháp vưu thư nghệ nhất đại quan kiện dĩ” 書法字法,本寸筆,成於墨,則墨法尤書畫一大關鍵已. Tức Thư pháp là phép viết chữ, dựa vào ngòi bút, tạo thành bởi mực, nhưng mặc pháp càng là điều quan trọng đối với thư họa. Tính biểu hiện của thư pháp không tách rời khỏi việc dụng mực một cách hợp lý.

    Khi mài mực cần chú ý mấy điểm sau:

    - Về dùng lực và tư thế: Mài mực cần chú ý dùng lực và tốc độ vừa phải, tư thế ngồi ngay ngắn, cầm thỏi mực theo phương thẳng đứng. Khi mài thì mài vòng quanh thuận chiều hoặc ngược chiều kim đồng hồ, tay cầm thỏi mực theo phương thẳng đứng, không cầm nghiêng hoặc mài theo một đường thẳng, cũng không mài một cách tùy tiện không theo phương vị nào cả. Cầm nghiêng thỏi mực có thể giúp mài nhanh hơn nhưng mực ra không đều, dễ có cặn.

    Cách thêm nước khi mài mực

    Dùng bình đựng để thêm nước tránh lỡ tay thêm quá nhiều nước

    - Về các thêm nước: Cần dùng nước trắng (nước lã) để mài mực, không dùng trà hoặc nước nóng để mài. Khi thêm nước lưu ý thà rằng cho thiếu 1 chút nước chứ không nên cho ngay quá nhiều nước. Nếu cho quá nhiều nước thì đầu thỏi mực bị ngâm trong nước bị làm cho mềm, khi mài mực sẽ không tan đều, hơn nữa cho nhiều nước mực vung vãi khắp nghiên, thậm chí do đổ nhiều nước nên khi chưa kịp hòa tan với mực đã bị chảy xuống mặc chì. Nói chung, để đảm bảo nồng độ của mực thì cần từ từ thêm nước. Mài đến khi nồng độ thích hợp, không quá đặc hoặc quá loãng thì sử dụng (điều này phụ thuộc vào cảm nhận, khó có thể diễn tả rõ ràng).

    - Về kỹ pháp dùng tay: Thời gian mài mực tương đối dài, để tránh mỏi tay phải thì cần luyện tập dùng tay trái để mài. Lúc đầu dùng tay trái sẽ thấy gượng gạo, nhưng dần sẽ quen. Tư thế mài mực ngay ngắn giống như viết, sau này khi viết cổ tay cũng linh hoạt hơn. Khi mài điều chỉnh lực và tốc độ mài phù hợp. Lực mài và tốc độ mài ảnh hưởng đến độ hòa tan và màu sắc của mực. Dùng lực quá nhẹ, tốc độ mài quá chậm khiến lãng phí thời gian và làm cho mực bị phù. Dùng lực quá mạnh, tốc độ quá nhanh làm cho mực thô, sắc mực không sáng.

    Xem xét nồng độ của mực

    Nồng độ thích hợp của mực tùy thuộc vào cảm nhận và yêu cầu của người dùng

    - Về nồng độ của mực: Đổng Kỳ Xương sử dụng đạm bút 淡筆 nhưng không hiểu theo nghĩa là dùng mực nhạt để viết. Bút nhạt ở đây là đề cập đến việc chấm ít mực hay nhiều mực, chứ không phải là độ đậm nhạt của mực. Nếu trong mực có chứa nhiều nước độ loang nhiều, khó có thể thi triển bút pháp, nhưng cũng đừng để mực đặc thái quá, khi đó mực két lại cũng làm cho việc vận bút khó khăn. Lưu ý: Giấy càng trắng thì càng nên dùng mực đậm, đối với các loại giấy có màu sắc khác thì có thể dùng mực nhạt một chút.

    - Về thời gian sử dụng: Nên sử dụng mực mới mài, bởi mực để ngoài không khí lâu hơn một ngày thì keo và dung môi dần tách ra, mực bị mất đi sắc sáng, mực thiếu sắc sáng thì màu mực không giữ được lâu, vì vậy sử dụng túc mặc để viết thì rất dễ bị phai màu. Các loại mực nước pha sẵn trên thị trường hiện nay có loại lượng keo trong mực nhiều làm kết dính lông bút, trệ bút, một số loại thì nồng độ mực thấp, nước nhiều nên dễ bị loang mực, hoặc có loại mực sử dụng chất bảo quản quá nhiều dễ làm hỏng lông bút, những loại mực như vậy nên hạn chế sử dụng.

    Ngày nay, người có thói quen mài mực để sử dụng không nhiều, số ít thư hữu yêu thích thư pháp cổ vận mới mài mực và cảm nhận những điều tinh tế từ đó. Mài mực là hình thức sử dụng mực truyền thống, tuy có tốn thời gian nhưng quá trình mài mực đem lại nhiều tác dụng tích cực. Vậy, cả nhà khi đã hiểu về ý nghĩa và cách thức mài mực hãy bớt chút thời gian để thử và cảm nhận nhé.

    Thư pháp dụng phẩm tổng hợp


    Cũ hơn Mới hơn