MỤC LỤC [Ẩn]
Nghệ thuật triện khắc là môn nghệ thuật kết hợp giữa thư pháp (chủ yếu là triện thư) và chạm khắc (bao gồm đục, đúc) để tạo ra ấn chương. Đây là hình thức nghệ thuật đặc thù của chữ Hán. Triện khắc phát triển vào thời tiền Tần, thịnh vào thời Hán, suy vào thời Tấn, bại vào thời Đường, Tống, phục Hưng vào thời Minh, Trung Hưng đến thời Thanh. Đến nay đã có lịch sử phát triển hơn 3700 năm. Ở Việt Nam, triện khắc chữ Việt là sự phát triển phái sinh từ triện khắc truyền thống.
Triện Khắc của Tế Bạch Thạch
(Nội dung: Thảo Mộc Vị Tất Vô Tình 草木未必無情. Cỏ cây không hẳn vô tình)
Mỗi người học thư pháp, vẽ tranh thủy mặc đều sưu tầm cho mình nhiều chiếc ấn chương/ triện khắc khác nhau. Tùy vào từng tác phẩm mà lựa chọn những chiếc triện khắc phù hợp để đóng dấu. Khắc triện đúng cổ pháp thực không đơn giản chút nào, nhưng nếu bạn có hứng thú với môn nghệ thuật này, tự tìm hiểu và thực hành khắc triện cho bản thân thì cũng thật thú vị phải không ạ? Ở bài viết này, chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu một số kiến thức cơ bản về triện khắc, các bước khắc triện nhé.
Trong Triện khắc, 07 phần là triện, 3 phần là khắc. Nói như vậy để thấy rằng luyện thư pháp triện thư là điều rất quan trọng đối với nghệ thuật triện khắc. Nghệ thuật triện khắc vô cùng tinh túy, uyên thâm. Ở bài viết này xin được cung cấp một số kiến thức cơ bản về các bước khắc triện.
I. CHUẨN BỊ CÔNG CỤ KHẮC TRIỆN
1. Đao khắc:
Một số loại đao khắc triện
Đao khắc đầu vuông bên trái
Chuẩn bị 02 chiếc đao khắc có kích thước 05mm và 08mm.
Đao khắc chia làm các loại mỏng và dày, loại lớn và bé, cũng có loại phương khẩu đao - đao khắc đầu vuông, loại nào dùng tốt còn phụ thuộc vào cảm giác tay của từng người. Người mới bắt đầu sử dụng đao khắc phổ thông, 1 chiếc mỏng, 1 chiếc là được.
2. Giấy ráp (giấy nhám):
Giấy ráp chia thành nhiều loại có độ mịn khác nhau. Thường dùng giấy ráp 600 và 1500 để mài bề mặt phôi triện. Loại giấy ráp 100 cũng nên mua mấy tờ, tuy loại này là giấy ráp thô, bình thường ít dùng, nhưng trong trường hợp không cẩn thận làm nứt, vỡ bề mặt phôi thì cần dùng để mài đi cho nhanh.
3. Phôi triện để luyện tập:
Cần chuẩn bị nhiều một chút. Phôi triện dùng để luyện tập không đắt, dùng để luyện tay. Chọn phôi cần chú ý không có vết nứt, không có sạn, loại có sạn sẽ mang lại nhiều khó khăn khi thực hành khắc. Đá già tốt hơn đá non. Nếu không biết chọn đá Thanh Điền thì có thể mua Đống Thạch, giá cao hơn chút nhưng không có sạn (Thanh Điền và Đống Thạch là tên các chất liệu đá). Mỗi loại đá sẽ đem lại các giác tay khác nhau.
4. Mực ấn triện:
Mực ấn triện thì có loại đựng sẵn trong ang sứ, mua về chỉ việc dùng; có loại đóng gói trong túi. Mua loại trọng lượng mực 30g là đủ dùng rồi.
5. Giấy Liên Sử (连史纸):
Đây là loại giấy dùng để in ngược bản thảo lên phôi đá (trước khi khắc) và đóng dấu (sau khi khắc). Nếu không có loại giấy này thì dùng giấy xuyến chỉ (tuyên chỉ) cũng được.
6. Tự điển để tra cứu chữ Triện:
Icon app điện thoại tra cứu các thể chữ 不厌书法
Để tra cứu chữ triện cần khắc có thể sử dụng tự điển hoặc tra cứu online trên ứng dụng, website. Bạn có thể tham khảo app sau trên điện thoại: 不厌书法. Sử dụng các công cụ trên để tra cứu các loại chữ triện khác nhau, sau đó quyết định sẽ khắc chu văn hay bạch văn. Chu văn hay còn gọi là khắc dương, bạch văn là khắc âm. Các chữ sử dụng trong bản thảo cần có sự thống nhất. Tức không nên chọn mỗi chữ một phong cách khác nhau, nếu khắc chữ triện thì các chữ đều là chữ triện, nếu khắc chữ lệ thì các chữ đều là chữ lệ. Ngoài ra, triện thư cũng chia làm nhiều loại chữ khác nhau ở các thời kỳ khác nhau. Nói chung cần chú ý đến tính thống nhất.
II. CÁC BƯỚC KHẮC TRIỆN
- Bước 1: Mài phẳng về mặt phôi đá
Dùng giấy ráp 600 để mài phẳng bề mặt phôi đá. Nếu bề mặt phôi triện đã phẳng rồi thì có thể bỏ qua bước này. Khi mài cần lưu ý đặt giấy ráp trên bề mặt phẳng, ví dụ đặt lên 1 tấm kính. Tay cầm chắc phôi đá, dùng lực của cánh tay để mài. Mài một vài lần thì xoay phôi góc 90 độ để tiếp tục mài. Nếu giữ nguyên vị trí cầm để mài sẽ dễ bị mài không đều tay, bề mặt phôi không phẳng hoặc nghiêng. Mài xong thì đặt phôi trên tấm kính và lay nhẹ để nhận biết là bề mặt phôi đã phẳng hay chưa.
- Bước 2: Thiết kế bản thảo
Công dụng của giấy liên sử: Viết bản thảo, in bản thảo lên phôi đá, đóng dấu sau khi khắc hoặc dùng để dập thác bản
Thiết kế bản thảo sẽ khắc trên giấy, cần chú ý sắp xếp thứ tự chữ và phong cách chữ. Đây là bước vô cùng quan trọng để chế tác được một chiếc triện đẹp, không nên xem nhẹ!
- Bước 3: In bản thảo đó trình bày lên phôi đá.
In bản thảo lên phôi đá
Đường nét trình bày trên phôi đá có chiều tương phản với bản thảo. Có nhiều cách khác nhau để làm được điều này.
- Cách 1: Dùng 1 chiếc gương để chiếu vào bản thảo, hình ảnh trong gương sẽ ngược lại và bạn sẽ nhìn vào đó để viết ngược lại vào phôi đá.
- Cách 2: Lấy tờ bản thảo đó dán trực tiếp vào phôi đá, sau đó dùng dầu chuối hoặc nước rửa móng tay để nhấp nước vào tờ bản thảo và nhấn để làm sao mực từ bản thảo thấm ngược trở lại vào phôi đá.
Chỉnh sửa bản thảo trước khi khắc
Dùng dầu chuối để in chữ trong bản thảo lên phôi đá. Nếu dùng nước trắng thông thường hiệu quả sẽ không được tốt như vậy. Chú ý: Nếu làm hỏng thì cần làm lại tờ bản thảo, dùng tờ bản thảo cũ để in lên bề mặt phôi triện sẽ không được nữa.
- Bước 4: Tiến hành khắc ấn
Tư thế cầm đao khắc
Tư thế cầm đao khắc chuẩn là như hình minh họa nêu trên. Có một số điểm giống như cầm bút lông, sau đó đặt tay ở góc nghiêng. Ngón trỏ và ngón cái nắm chắc đao, ngón áp út tì vào đá, ngón giữa chống đỡ. Như vậy, ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa cầm tác động lực để đẩy đao di chuyển. Nếu muốn khắc một nét dài thì ngón cái và ngón trỏ để cách ngón giữa xa 1 chút. Ngón cái và ngón giữa càng cao thì có thể khắc đường nét càng dài. Hướng đẩy đao ra ngoài. Ngón giữa vốn tì, đệm ở dưới đáy của đao khắc, nhưng chỉ có tác dụng chống đỡ, không phát lực mạnh như ngón cái và ngón trỏ. Người mới khắc triện sẽ bị đau sưng đốt ngón trỏ. Vì ngón trỏ dụng lực nhiều trong khi ngón trỏ lại yếu hơn ngón cái.
Đốt ngón trỏ rất dễ bị đau, bạn cần hình thành thói quen khắc đúng tư thế. Nếu khi khắc cảm thấy không thuận tay thì có thể xoay phôi đá theo góc độ mà bạn cảm thấy thoải mãi nhất. Nhưng dù ở tư thế nào thì điểm tiếp xúc giữa đao khắc và phôi đá có hướng vào phía trong (xem ảnh minh họa). Ngoài ra, cần chú ý trung phong dụng đao, không được trắc phong.
Khắc trung phong
(Nhìn theo góc trực diện từ trên xuống)
Hãy tưởng tượng, nếu đường tuyến bạn muốn khắc là đường thẳng hướng về phía trước thì hướng của mép đao và đường thẳng đó tạo thành mộ góc 90° là trung phong, còn góc này nhỏ hơn 1 chút là chắc phong. Cảm giác này khá giống với bút lông.
Góc khắc tạo ra đường nét thô tế khác nhau
Góc độ giữa đao và mặt đá sẽ tạo ra nét có độ thô tế khác nhau. Góc này càng nhỏ thì khi khắc tạo ra 1 nét càng thô, tương tự góc độ càng gần 90° thì nét khắc càng nhỏ. Nét khắc càng nhỏ càng khó bị trượt đao.
Giới thiệu đao pháp cơ bản
Có rất nhiều cách khắc khác nhau, mỗi cách khắc sẽ tạo ra hình dáng đường nét tương ứng. Có 2 cách khắc cơ bản nhất là thiết đao 切刀 (đi một đường) và xung đao 冲刀. Người mới bắt đầu nên dùng thiết đao. Bằng ngôn từ rất khó giải thích rõ thế nào là thiết đao và song đao. Vậy, mời cả nhà tham khảo video ở phía trên. Trong video có giới thiệu lần lượt 04 cách khắc là: Xung đao, thiết đao, sử dụng hỗn hợp và song đao. Song đao là việc khắc 2 chiều để tạo ra một đường nét hoàn chỉnh, tức sau khi khắc 1 đường thì quay ngược lại để khắc tiếp.
Hiệu quả về đường nét khi sử dụng xung đao, thiết đao, song đao
Khi sử dụng xung đao, chúng ta đẩy, dụng lực đều nên đường nét khá mượt, mép ngoài của dường nét ít rườm. Thiết đao sử dụng những nhát cắt nhỏ để tạo thành 1 đường nét nên sẽ thấy thô hơn. Nhìn chung, đao pháp vô cùng đa dạng, cũng rất phức tạp giống như bút pháp trong thư pháp.
Có rất nhiều chiếc ấn chương bạn sẽ thấy khắc nét viền bao ngoài, phần chữ triện nằm phía trong. Bạch văn (khắc âm) thường không cần đường bo viền. Ngược lại, chu văn (khắc dương) thường sẽ khắc viền bao ngoài. Sau khi khắc xong có thể lấy đao khắc gõ vào xung quanh mép ấn. Việc làm cho ấn chương trở lên cổ phác hơn, giống như một chiếc ấn cổ sứt mẻ một cách tự nhiên. Ví dụ: Một chiếc ấn chương có phần chữ được khắc một cách phóng khoáng hoặc nhìn rất cổ phác nhưng đường bao quanh lại rất bằng phẳng, chỉn chủ thì dường như không được thống nhất cho lắm.
- Bước 4: Khắc biên khoản (lạc khoản)
Biên khoản của Ngô Xương Thạc khắc
Khắc biên khoản là khắc lạc khoản ở mặt bên cạnh của ấn chương. Nội dung của biên khoản cũng rất phong phú giống như lạc khoản trong thư pháp vậy. Biên khoản ngoài tác dụng trang trí, còn có tác dụng định vị khi đóng dấu. Biên khoản là một bộ phận cấu thành một chiếc ấn chương hoàn chỉnh. Biên khoản trực tiếp khắc lên phôi đá (giống như khắc lên bia đá vậy), không cần phải khắc ngược. Người khắc triện giỏi là người khắc biên khoản có cảm giác giống như dùng bút lông viết chữ. Một nét khắc có khởi, có kết, có viên, có phương, có thô, có tế vô cùng tinh tế.
Thư pháp dụng phẩm tổng hợp