Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Tác dụng của việc học thư pháp - Phần 3: Các tác dụng dưỡng sinh thiết thực của thư pháp

Đăng bởi Việt Nguyễn Chí ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Ở kỳ trước, chúng tôi đã có hai bài viết về chủ để “thư pháp có tác dụng dưỡng sinh”. Thông qua việc học tập thư pháp đúng cách, người học sẽ thu nhận những hiệu ứng tốt về mặt sức khỏe, tinh thần. Đông y nhận định việc học thư pháp giúp hỗ trợ điều trị một số chứng bệnh. Ở bài viết lần này, chúng tôi tiếp tục nêu lên những tác dụng của thư pháp ở những góc nhìn khác. Đó là thư pháp có tác dụng tu tâm dưỡng tính.

    THƯ PHÁP CÓ TÁC DỤNG DƯỠNG THẦN

    Trong sách Hoàng đế nội kinh (sách thuốc, gọi tắt là nội kinh) viết: “Tĩnh tắc thần tàng, táo tắc tiêu vong 静则神藏,躁则消亡”. Tức tĩnh tại giúp tinh thần được ổn định, nóng nảy khiến tinh thần hao hụt. Thư pháp giúp con người trở lên điềm tĩnh hơn, thông qua việc học thư pháp người học sẽ tăng khả năng tập trung, suy nghĩ sâu thấu đáo sắc hơn, bớt được sự nóng nảy. Hoạt động học thư pháp cần sự chuyên tâm, không sao nhãng, không có tạp niệm. Đó chính là hoạt động dưỡng thần.

    THƯ PHÁP CÓ TÁC DỤNG DƯỠNG TÂM

    Thư pháp giúp người học bồi dưỡng sự nhẫn nại, tỉ mỉ. Lão tử nói rằng: “Thiên hạ đại sự, tất tác vu tế 天下大事,必作于细”. Tức chuyện lớn trong thiên hạ bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt. Đỗ phủ có câu thơ viết rằng: “Thủy tri hào phóng tại tinh vi 始知豪放在精微”. Tức thế mới biết sự hào phóng (không câu lệ tiểu tiết) lại bắt đầu từ sự tỉ mỉ. Các nét khởi bút, thu bút giúp bồi dưỡng sự tỉ mỉ trong học tập.

    hoc thu phap co tac dung duong sinh

    赵孟頫《妙严寺记》 (Triệu Mạnh Phủ - Diệu Nghiêm Tự Ký)

    THƯ PHÁP CÓ TÁC DỤNG DƯỠNG MẮT

    Học thư pháp khi tâm đã ngộ thì tay sẽ điều khiển mà viết ra. Việc thu tầm mắt, tập trung quan sát, cảm nhận vô cùng quan trọng. Tôn Quá Đình 孙过庭 trong sách “Thư Phổ” viết: “Sát chi giả thượng tinh, nghĩ chi giả quý tự 察之者尚精,拟之者贵似”. Tức người quan sát coi trọng ở sự tỉ mỉ, người mô phỏng bắt chước (lâm tập thư pháp) coi trọng ở chỗ làm sao cho thật giống. Học thư pháp coi trọng khả năng quan sát của mắt.

    Shop sưu tầm, chia sẻ miễn phí tài liệu học thư pháp, mời thư hữu xem tại đây: Kho tài liệu

    hoc thu phap co tac dung duong sinh

    孟頫《三门记》(Triệu Mạnh Phủ - Tam Môn Ký)

    THƯ PHÁP CÓ TÁC DỤNG BỒI DƯỠNG THẨM MỸ

    Học thư pháp là học cách thưởng thức cái đẹp, phát hiện ra cái đẹp trong con chữ, đồng thời cũng là quá trình sáng tạo ra cái đẹp. Vậy, học thư pháp sẽ giúp bạn tăng khả năng hiểu và nhận diện về cái đẹp.

    THƯ PHÁP CÓ TÁC DỤNG DƯỠNG CHÍNH

    Liễu Công Quyền viết “Tâm chính tắc tự chính”. Thông qua việc viết chữ sẽ giúp đề cao nhân cách con người. Thư pháp được ví von giống như nhịp tim của tâm hồn. Tức người nào viết chữ tốt thông thường có thể trở thành người sống tốt.

    THƯ PHÁP CÓ TÁC DỤNG DƯỠNG HỌC

    Học thư pháp không chỉ đơn thuần là học viết chữ, học thư pháp Hán người học đồng thời nghiên cứu đến văn hóa, truyền thống lịch sử của cha ông. Bản thân thư pháp không tồn tại độc lập, nó gắn liền với lịch sử đất nước. Người học phải gắn mình với hoàn cảnh lịch sử đất nước mới hiểu và viết được ra tinh thần của con chữ. Tinh thần của con chữ gắn liền với tinh thần của nền văn hóa đương thời.

    Tham khảo các dụng cụ viết thư pháp tại đây: Xem ngay

    hoc thu phap co tac dung duong sinh

     颜真卿《祭侄文稿》 (Nhan Chân Khanh - Tế Điệt Văn Cảo)

    THƯ PHÁP CÓ TÁC DỤNG DƯỠNG KHÍ

    Mạnh tử viết: “Ngô thiện dưỡng ngã hạo nhiên chi khí, thử khí chí đại chí cương dã吾善养我浩然之气, 此气至大至刚也” . Tức chúng ta dưỡng cái khí cương trực, cái khí này rất lơn vô cùng, cứng rắn vô cùng”. Học thư pháp chú trọng đến hơi thở, bồi dưỡng khả năng điều tiết hơi thở và điều quan trọng hơn là bồi dưỡng chí khí của người quân tử. Đó là một dạng năng lượng tinh thần thượng thừa, hay nói cách nó là tinh thần có được nhờ sự khổ luyện, kiên trì luyện tập.

     THƯ PHÁP CÓ TÁC DỤNG DƯỠNG KÍNH

    Trong sách Đệ tử quy 弟子规 viết: “ Mặc ma thiên, tâm bất đoan, tự bất kính, tâm tiên bệnh墨磨偏,心不端,字不敬,心先病”. Tức mực mài nghiêng, tâm không ngay thẳng, không coi trọng chữ kính thì sẽ có tâm bệnh. Chúng ta là người học chữ nghĩa, học viết chữ thì phải có lòng thành kính, có lòng kính trọng, khi có lòng kính trọng mới lĩnh hội được những điều kỳ diệu.

    thu phap co tac dung duong sinh

    《礼器碑》(Lễ Khí Bi)

    HỌC THƯ PHÁP ĐỂ DƯỠNG LỄ (LỄ GIÁO)

    Người quân tử lấy lễ giáo để lập thân. Thông qua việc học từng nét chữ, chúng ta cần bồi dưỡng sự chữ “lễ”. Lễ ở đây là những phép tắc mà người quân tử phải học. Khổng tử viết “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động 非礼勿视,非礼勿听,非礼勿言,非礼勿动”. Chúng ta không xem, không nghe, không nói và không động vào những gì không lễ giáo. Qua việc học tập thư pháp chúng ta tự dặn bản thân phải sống có lễ giáo, phép tắc. Trong xã hội hiện đại ngày nay, những lễ giáo tiễn bộ cần phải được lưu giữ và phát huy.

    HỌC THƯ PHÁP DƯỢNG SỰ CHĂM CHỈ

    Học tập thư pháp cầu phải kiên trì, cần cù, từ đó sẽ bồi dưỡng đức tính nhẫn nại. Đổ phủ trong tập thơ “Bách học sĩ mao ốc柏学士茅屋” viết: “Phú quý tất tòng cần khổ đắc, nam nhi tu độc ngũ xa thư 富贵必从勤苦得,男儿须读五车书”. Tức Phú Quý có được từ sự cần cù chịu khó, nam nhi phải đọc 5 xe trở sách.

    thu phap co tac dung duong sinh

     《史晨碑》(Sử thần Bi)

    CÁC NHÀ THƯ PHÁP THƯỜNG SỐNG THỌ

    Chính từ những tác dụng của việc học thư pháp nêu trên, người học thư pháp khỏe mạnh trên cả phương diện tinh thần và thể chất. Từ thời nhà Hán đến nhà Thanh của Trung Quốc, tuổi thọ trung bình của  người dân lúc bấy giờ chỉ từ 25 đến 40 tuổi. Tuy nhiên, các thư pháp gia nổi tiếng có tuổi thọ bình quân là 80 tuổi. Ví dụ như: Đời nhà Đường có Liễu Công Quyền sống thọ 87 tuổi, Âu Dương Tuân 84 tuổi, Ngu Thế Nam 80 tuổi. Sau này có Dương Duy Trinh 74 tuổi, Văn Chinh Minh 89 tuổi, Lương Đồng Thư 92 tuổi, Ông Đồng Hòa 85 tuổi.v.v..

    Từ đời nhà mạt Thanh đến trước khi Trung Quốc mới thành lập, tuổi thọ trung bình của người dân lúc bấy giờ từ 40-62 tuổi, Các thư pháp gia nổi tiếng có tuổi thọ bình quân là 88 tuổi. Đến ngày nay, các thư pháp gia nổi tiếng đã có tuổi thọ bình quân trên 90 tuổi. Ví dụ các thư pháp gia nổi tiếng của Trung Quốc thời nay như: Tề Bạch Thạch, Hoàng Tân Hồng, Hà Hương Hgưng, Chương Sĩ Chiêu đều đã ngoài 90 tuổi.

    thu phap co tac dung duong sinh

    Tác phẩm của Ngô Ngọc Như tiên sinh

    Trên đây là tác phẩm của thư pháp gia Ngô Ngọc Như tiên sinh, nội dung của nó là “书法可以养生,今人知之者少矣”. Tức, thư pháp có thể dưỡng sinh, thời nay ít người biết điều này. Bản thân Ngô Ngọc Như tiên sinh cũng là người trường thọ. Ông viết tác phẩm này sinh động, đầy sức sống.

    Nguyên nhân vì đâu thư pháp gia lại trường thọ? Bởi vì thư pháp không chỉ đơn thuần là một môn nghệ thuật, nó còn là một môn dưỡng sinh. Viết thư pháp vừa là sở thích tao nhã, đồng thời là một phương pháp dưỡng sinh hiệu quả. Chúc cả nhà vui trong thú vui nhàn hạ, nho nhã của thư pháp, hiểu được ý nghĩa của thực sự của thư pháp sẽ giúp người học có tâm thái học tập đúng hơn, từ đó có sống cuộc sống lành mạnh, trường thọ.

    Mời các bạn tham khảo các phần khác tại đây: Phần 1 ;  Phần 2 ; Phần 3.

    Thư pháp dụng phẩm


    Cũ hơn Mới hơn