MỤC LỤC [Ẩn]
Tương truyền, “Vĩnh tự bát pháp” bắt nguồn từ chữ Lệ, người đầu tiên truyền thụ Bát pháp là danh sỹ đời Hậu Hán là Thôi Tử Ngọc, sau đó truyền tới Trương Chi, truyền đến Chung Dao, Vương Hy Chi đời Ngụy Tấn, dần đần được nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện. Đến cuối thời Trần, đầu thời Tùy thì truyền đến cháu 7 đời của Vương Hy Chi là hòa thượng Trí Vĩnh, ông bổ sung thêm rồi truyền cho Ngu Thế Nam, từ đó được lưu truyền rộng rãi. Đến đời Đường thì Liễu Tông Nguyên truyền Bát pháp cho Hoàng Phủ Duyệt, họ Hoàng lại truyền cho Từ Hạo, Từ Hạo truyền cho Trương Húc, dần đần truyền từ đó đến ngày nay. Ngoài ra còn có một số quan điểm cho rằng Bát pháp do Vương Hy Chi sáng tạo ra, cũng có thuyết cho rằng do Trương Hoài Cẩm đời Đường nghĩ ra.
“Vĩnh tự bát pháp” là tám nét chữ dựa theo chữ “Vĩnh”, nghiên cứu tính quy luật của bút pháp, tám nét chữ đó bao gồm: 侧 trắc (chấm), 勒 lặc (ngang), 弩 nỗ (sổ), 趯 địch (móc), 策 sách (hất), 掠 lược (phẩy dài), 啄 trác (phẩy ngắn), 磔 trách (mác).
1. 侧 Trắc (nét chấm, nét điểm):
Trắc có ý nghĩa là nghiêng lệch không thẳng, cho nên nét chấm nên có thế nghiêng, ví như tảng đá to đứng nghiêng, hiểm trở mà mạnh mẽ. Nếu nét chấm nằm ngang hoặc đứng thẳng thì sẽ có cảm giác đờ đẫn, mất thế. Nét chấm trong chữ Vĩnh dùng lộ phong để thu bút, như vậy để có thể tiếp ứng với nét ngang bên dưới (Ví như chim lật cánh).
Chữ Vĩnh của Vương Hi Chi trong Lan Đình Tự
2. 勒 Lặc (nét hoành, nét ngang):
Có thế đi ngang nhưng chếch lên trên, ví như kỵ sĩ ghìm chặt cương ngựa, sức mạnh dồn đến tận nét sổ, nét ngang đi bằng hoặc đi chếch xuống thì sẽ làm nét bút mất đi sức mạnh. Lạc bút dùng nghịch phong, đi chậm về nhanh, duy trì thế “vào nghịch ra bằng, có đi ra tất có thu về”, chứ không nên thuận phong mà trượt qua, để tránh khỏi trì trệ, lỏng lẻo (Ví như giữ cương ghìm ngựa).
Chữ Vĩnh của Trí Vĩnh trong Chân Thảo Thư Thiên Tự Văn
3. 弩 Nỗ (nét sổ, nét thụ):
Nỗ có nghĩa là có lực, nét sổ lấy thế trong thẳng ngoài cong, như cung tên đứng thẳng, tuy hình dạng cong nhưng có sức mạnh vô cùng. Vì vậy nét sổ không nên quá thẳng, cần phối hợp với toàn cục của cả chữ, chỉ khi trong cái cong có cái thẳng thì mới có thế xông lên. Nếu quá thẳng thì sẽ giống như cây khô đứng thẳng, tuy là thẳng lên nhưng không có lực.
Chữ Vĩnh của Chử Toại Lương trong Nhạn Tháp Thánh Giáo Tự
4. 趯 Địch (nét câu, nét móc):
Khi viết nét móc thì trước tiên đốn bút để lấy thế, sau đó nhanh chóng hất bút, rồi xoán bút vòng cong, thuận theo đó mà xuất phong, sức mạnh tụ lại ở cuối nét. Ví như con người muốn bật nhảy thì trước tiên cần gập chân ngồi xuống để lấy lực, sau đó bật lên thật mạnh. Không được để đầu bút ra bằng, vì muốn để hô ứng với nét hất.
5. 策 Sách (nét đề, nét hất):
Sách vốn có nghĩa là roi ngựa, ở đây với nghĩa mở rộng của nó là sách ứng (phối hợp hưởng ứng tác chiến). Nét hất đa phần dùng ở bên trái của chữ, thế của nó là từ trái đi chếch lên phải, phổi hợp với các nét ở bên phải, hình thành nên thế tựa lưng vào nhau. Nét hất trong chữ Vĩnh thường là đi hơi bằng, chủ yếu là để hỗ ứng với nét phẩy ngắn ở bên phải, tuy là đường đi của hai nét không giống nhau nhưng tâm khí của nó lại tương thông tương ứng. Thế của nét bút hơi vểnh lên, dùng lực khi bắt đầu đi bút, còn đắc lực khi thu bút. (Ví như quất roi khi thúc ngựa).
Chữ Vĩnh của Âu Dương Tuân trong Cửu Thành Cung
6. 掠 Lược (nét phẩy dài, trường phết):
Ví như dùng lược chải tóc, dáng vẻ giống như chim yến bay xuống mái hiên. Cách viết nét phẩy cần phải như lấy tay phủi qua bề mặt đồ vật, tuy hành bút dần dần nhanh lên, xuất phong gọn nhẹ, sảng khoái, tư thái thoáng đạt, gọn gàng, nhưng lực bút phải đưa đến tận cuối.
Viết nét lược mượt mà như chải tóc
7. 啄 Trác (phẩy ngắn):
Ví như viết nét phẩy ngang như là chim mổ thức ăn, hành bút nhanh chóng, bút phong mạnh mẽ sắc nhọn, lạc bút đi về bên trái, đầu nhọn thì hướng chếch xuống dưới, lấy cái nhanh mạnh làm tiêu chuẩn.
Nét trác được hình dung như chim mổ thức ăn
8. 磔 Trách (nét mác):
Nét mác trong chữ Khải kế thừa lại nét phẩy mác trong chữ Lệ, còn nét phẩy mác của chữ lệ lại dùng để giải tỏa đi hình thức gấp khúc, bó lại của chữ Tiểu triện, làm cho thể chữ mở rộng ra ngoài, vì vậy nét mác trong chữ Khải cũng có tác dụng như thế. Lực bút của nét mác tuy tụ vào trong nhưng hình dáng lại mở ra ngoài, làm cho nét chữ triển khai, thông suốt, rộng mở. Ngoài ra, “Trách” có nghĩa là phanh thây (hình phạt thời cổ), mà muốn phanh thây thì phải dùng dao chặt, cho nên nét mác cũng có ý như dùng dao chặt. Lúc viết cần nghịch phong, lạc bút nhẹ nhàng, ra từ bên phải, sau đó đi chậm rồi nặng dần, đến đầu mút thì hơi có chút vểnh lên thu bút, phải bình tĩnh, có lực, tư thái tự nhiên.
Nguồn: Thư Pháp Trâm Mộc