MỤC LỤC [Ẩn]
Chữ viết Trung Quốc ta quen gọi là chữ Hán đã có cách nay hơn 3300 năm. Nghệ thuật thư pháp cũng đã gần 2000 năm tuổi. Thư gia đầu tiên còn lưu lại bút tích là Chung Dao (151-230) người nước Ngụy thời Tam Quốc. Bài biểu TIẾN QUÍ TRỰC cùa ông được coi là tác phẩm thư pháp đầu tiên được thực hiện bằng bút mực trên giấy. Trước đó chữ được thực hiện bằng cách đục đẽo, khắc vạch lên dồng, đá, gỗ, thẻ tre... để truyền tải và lưu giữ thông tin đã hiện lộ những góc độ mỹ thuật. Trong quá trình hình thành, tồn tại và đi đến chỗ kiện toàn hoàn mỹ như hiện nay, nghệ thuật thu pháp đã có những khuôn phép nhất định, có thể dưa vào bốn đặc tánh như sau:
1. Tính kế thừa
Thư pháp Trung Quốc được phát triển và nâng cao dần do được truyền dạy liên tục và cặn kẽ giữa đời trưởc và đời sau có sự kết nối rất chặt chẽ như Vương Hy Chi trực tiếp học vởi VỆ phu nhân, vốn là truyền nhân của Chung Dao, gián tiếp học theo Trương Chi, Lý Tư, Tào Hy sau dạy lại cho con là Hiến Chi, đến cháu bảy đời là Trí Vĩnh vẫn học theo bút pháp của Hy Chi. Trải qua Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh và đến tận ngày nay vẫn còn nhiều người luyện theo bút pháp họ VƯƠNG.
2. Tính sư phạm
Bút trận đồ (Vệ Phu Nhân soạn)
Sự truyền dạy của người thầy trực tiếp chỉ là bước cơ bản, có thể học với nhiều thầy nhưng quan trọng hơn cả là sự nghiên tập theo các “pháp thiếp” chuẩn mực được lưu giữ từ nhiều đời, có nguyên tắc chung. Các khái niệm được coi là mô phạm như “kết tự” (sắp xếp các nét trong 1 chữ), “thư thể” (thể dạng nhất quán của một chữ, giống như font chữ trên máy tính), “chương pháp” (cách sắp xêp chữ với chữ, hàng với hàng giống như bố cục ở bức tranh), Vĩnh tự bát pháp (tám phép thể hiện các loại nét trong chữ Vĩnh 永: Điểm, Hoành, Thụ, Câu, Thiêu, Trường phiết, Đoản phiết, Nại) (Tương truyền do Vương Hi Chi đặt ra, đến nay vẫn là phương pháp nhập môn ở thể chữ Khải), Lạc khoản, ấn chương (cách viết lời đề tặng, thời gian địa điểm, tên họ người viết, cách đóng các loai con dấu...). Các loại khái niệm này xuất hiện rất sớm, giáo trình đầu tiên là quyển “Tứ thể thư thế” do Vệ Tuyên (?-291) soạn, đánh dấu sự ổn định và có quy phạm của 4 thể chữ Triện, Lệ, Khải Thảo. Sau đó Vệ Thước (272-349) viết quyển “Bút trận đồ”; “Âu Dương Tuân” (557- 641) viết “Bát quyết”, “Tam thập lục pháp”, ‘Truyền thụ quyết”, "Dụng bút luận”. Các trứ tác loại này ngày càng nhiều cho thấy đường lối sư phạm đã thành thục lắm. Pháp thiếp là bài tập mẫu; các phép tắc quy phạm được biên thành tập gọi là Thư phổ; các câu, các bài văn vần mô tả đường vận bút, bút thế, kết tự... gọi là khẩu quyết, các hình thức này đã giúp người dì sau có cơ sở luyện tập và cũng là đề tài phong phú cho các nhà nghiên cứu thư học.
3. Hệ thống lý luận phê bình
Bút Tuỳ Luận của Ngu Thế Nam
Hệ thống này phát triển mạnh từ đời Đường, đa số các trứ tác loại này đều do các thư gia nổi danh thực hiện, lợi thế của họ ỏ chỗ đã trải qua kính nghiệm thực tiễn, họ cảm nhận và rung động thực sự trước các tác phẩm của bạn bè đương thời và các bậc tiền bối, lời lẽ thiết thực, nhận định tinh tế. Ngu Thế Nam (558-638) còn truyền lại 2 quyển “Bút Tùy Luận” và ‘Thư Chỉ Thuật”. Trong tiết “Khế Diệu” (Bút Tuỷ Luận) ông viết: “Nên biết rằng thư đạo có chỗ huyền diệu riêng của nó, có những giờ khắc như được hội ngộ với quỷ thần, khó thể dùng sức người mà cầu được. Riêng sự khéo léo biến hóa thì phải do tâm cảm nhận, không phải là sự biết qua mắt vậy !”. Qua đó thấy rằng ở thời này giới thư gia - ngoài những đánh giá phân tích tác phẩm thư pháp ỗ góc độ hình trạng - đã nâng mỹ cảm lên một từng ý vị cao hơn vượt hẳn rạ phạm vi nhìn thấy, biết được của con người. Sau họ Ngu, Tôn Quá Đình viết “Thư phổ” (khoảng năm 687) gồm 5 thiên: Kế Thừa Luận, Thư Thể Luận, Thư Gia Luận, Sáng Tác Luận và Phong Cách Luận. Qua các đề mục ta thấy Thư Phổ của họ Tôn đã mang dáng dấp của một công trình nghiên cứu về thư pháp một cách rộng rãi và bắt đầu có tính hệ thống, đặt nền móng cho ngành thư pháp học sau này. Sau họ Tôn, Trương Hoài Hoan viết: “Thư Đoán” 3 quyển, “Thư Nghị” 1 quyển, “Thư cổ” 1 quyển, “Văn Tự Luận” 1 quyển, “Lục Thể Thư Luận” 1 quyển, “Luận Dụng Bút Thập Pháp” 1 quyển, “Ngọc Đường Cấm Kinh” 1 quyển, “Bình Thư Dược Thạch Luận” 1 quyển. Dần về sau các luận tập của Hoàng Đình Kiên, Khương Quỳ (Tống), Đồng Kỳ Xưcmg (Minh), Bao Thế Thần, Lưu Hy Tải, Khang Hũu Vi (Thanh) kế thừa và phát triển dần làm cho ngành nghiên cứu này thêm sinh dộng phong phd vô cùng
4. Hình thành lưu phái và sự đột phá cách tân
Khổng Tử Miếu Đường Bi của Ngu Thế Nam - Bản thác năm Gia Khánh, vua Càn Long
Trong quá trình nghiên tập để đến chỗ thuần thục, các thư gia đời sau luôn coi trọng thành tựu của người đi trước. Có những người vì quá tôn sùng cổ nhân suốt đời học theo phong cách của một nhà và họ cũng trở thành danh gia như trường hợp Ngu Thế Nam (558-638). Họ NGU theo học với Trí Vinh là cháu 7 đời của Vương Hy Chi đạt đến chỗ rốt ráo của phong cách Nhị Vương (Hy Chi và Hiến Chí) nổi tiếng hơn cả Trí Vinh. Thư gia đời sau gọi thể chữ họ Ngu là Ngu Thể, tề danh với Nhan Thể (Nhan Chân Thanh), Liễu Thể (Liễu Công Quyền), Âu Thể (Âu Dương Tuân), Triệu Thể (Triệu Mạnh Phủ). Mỗi thời lại có học phong riêng, khi theo bút thiếp phương Nam, lúc theo Bi Ký phương bắc, tạo thành các lưu phái nhưng không rõ rệt lắm. Trong sự trau dồi để đạt đến đỉnh cao nghệ thuật có những nhà không lặp lại phong cách của người khác, tự tìm lối đi riêng tạo nên những bước đột phá làm cho môn nghệ thuật này ngày thêm phong phú, như trường hợp Trương Húc, Hoài Tố (Đường), Hoàng Đình Kiên (Tống), Từ Vị (Minh), Phó Sơn (Thanh). Chữ Hành, chữ Thảo của họ mỗi người một đặc điểm, người ngang tàng phiêu dật, kẻ điên cuồng phóng túng, chương pháp sinh động, khi như lá đổ gió reo, lúc như rồng rắn đua chen, lúc như mưa bay nước chảy. Sang đến dời Thanh chữ Triện, chữ Lệ của Kim Nông, Trịnh Bản Kiều, Triệu Chi Khiêm, Đặng Thạch Như, Từ Tam Canh, Ngô Xương Thạc... đem sự sung mãn hào phóng đến cho thể chữ vốn khô cứng này. Các nhà kể trên đều có những độc sáng cho riêng mình sau khi cả đời nghiên tập.
Qua quá trình lịch sử lâu dài, diễn biến của thư pháp chữ Hán từ phù hiệu, giáp cốt văn, kim văn đến triện lệ thảo, chân, hành... Nghệ thuật đã đưa chữ Hán vượt khỏi chức năng truyền tải thông tin của văn tự để trở thành một môn nghệ thuật tiêu biểu đặc thù của văn hóa Trung Hoa. Những nhận định sơ lược trên không thể nói hết những điều kỳ diệu và chưa nêu hết được những nhà thư pháp chủ yếu và có ảnh hưởng đến từng giai đoạn lịch sử.
5. Nghiên cứu và học tập thư pháp ở Việt Nam
Thạch Cổ Văn
Việt Nam là một trong những nước đồng văn với Trung Hoa. Lịch sử văn hóa của Việt Nam tuy không có những nhà thư họa, nhưng việc thưởng thức bình phẩm cùng bỏ công nghiên cứu thì hồi thế kỷ 18 đã thấy Lê Quí Đôn (1726- 1784) bàn nhiều về âm tự trong đó có cả thuật viết chữ của người Trung. Lê Quí Đôn đã đọc và trích dẫn, bình luận khá nhiều câu trong các sách “Thư Đoán” của Trương Hoài Hoan, “Bút Trận Đồ” của Tiêu Hân, “Bút Trận Đồ” của Vệ Phu Nhân, “Bút Tủy Luận” của Ngu Thế Nam, “Tạp Thuật” của Giải Tấn, “Bút Trận Đồ” của Vương Hy Chi, “Tiềm xác cư loại thư” của Hoàng Đình Kinh, “Lưu Thanh Tập”, “Nham Khê Khảo Sự” của Trần Kế Nho, “Bút pháp” của Nhan Chân Khanh... Trong lần di sứ Trung Hoa (1761), Lê Quí Đôn tìm xem tận mắt chữ trên Trống Đá (Thạch Cổ Văn), xem bài bia “Đại Đường trung hưng tự” bút tích cùa Nhan Chân Khanh, kiếm được 1 bản dập bia Thần Vũ trên đỉnh núi Củ Lũ {Hoành Sơn) đem về nước. Trong phần khảo cứu về thư pháp này Lê Quí Đôn chú ý nhiều đến lĩnh vực chấp bút, bút pháp, tự pháp... tức là những phương pháp luyện tập cùng kinh nghiệm của các đại thư gia Trung Hoa xưa. Việc làm của ông với ý đồ rất rõ là muốn các nhà Nho Việt Nam học tập và nghiên cứu, rất tiếc sự truyền bá của ông không được người đương thời hưởng ứng, đến nỗi sau đó 50 năm Phạm Đình Hổ phải than thở: “nước ta đã có tiếng là văn hiến không khác gì nước Trung Hoa thế mà về một việc học viết chữ lại cho là việc của kẻ Nho lại, không ai thèm lưu ý học đến, không biết tại sao?”
Đa Bảo Tháp Bi của Nhan Chân Khanh
Khi nói về 1 người bạn tên là Hoàng Hy Đỗ (gốc Quảng Đông), Phạm Đình Hổ viết: “Ông ấy lúc nhỏ viết chữ hành thảo rất tốt, bắt chước được loại chữ hành thảo của Mễ Nam Cung, Đổng Kỳ Xương, hễ cầm bút lên thì rụt rè như không thể viết được, nhưng đã đặt bút xuống giấy thì nét chữ tươi tắn có cái ý vị của hoa dào đọng giọt mưa bụi, lá dương phủ làn khói nhẹ. Các anh em bạn tri giao thường khi yến họp với nhau mà không biết mệt, giá có hỏi đến lối chữ thời bấy giờ thì ông nín lặng không thèm nói. Nhà ta có giữ được 2 bức thiếp chữ thạch ấn là thiếp Lan Đình và thiếp Đa Bảo (Thiếp Lan Đình cùa vương Hy Chi đời Tấn. Thiếp “Đa bảo tháp" của Nhan Chân Khanh đời Đường) nhân đem ra tặng, ông mừng và trân trọng lắm”. Phạm Đình Hổ có nhờ Hoàng Hy Đỗ chép cho mình 1 tập thơ gồm hơn 100 bài, điều này đã được Nguyễn Án người viết lời tựa tập thơ xác nhận “Hữu nhân Hoàng Hy Đỗ vị chi thư” (người bạn là Hoàng Hy Đỗ chép lại cho)... tập thơ của Phạm Đình Hổ hiện còn với tiêu đề “Đông Dã học Ngôn thi tập” ký hiệu A.1871 thư viện viện nghiên cứu Hán-Nôm”.
Ngoài những ghi chép của Lê Quí Đôn và bài tùy bút của Phạm Đình Hổ, tư liệu về môn nghệ thuật viết chữ ở Việt Nam rất hiếm. Nửa sau thế kỷ 19 Quốc sử quán triều Nguyễn cổ cho khắc “Tam Hy Tam diệu thiếp pháp” được 116 bản là loại thiểp mẫu dễ luyện chữ, ngoài ra còn thấy “Tự thể toàn thư" in trên giấy dó bằng bản khắc gỗ năm 1874 cũng là loại sách dạy cách luyện các thể chữ.
Nguồn: Sách Thư Pháp Chữ Hán – Lý thuyết và thực hành. Tác giả: Phạm Hoàng Quân