Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Bàn về lâm thiếp thư pháp

Đăng bởi Nguyễn Chí Việt ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Thời xưa viết vào lụa gọi là thiếp, sau khi có giấy viết chữ vào giấy cũng gọi là thiếp. Lấy thiếp giấy dập lấy chữ ở bia ra để xem gọi là thiếp. Nay thiếp là từ gọi chung những bản mẫu được viết tay hoặc in để người học thư pháp theo đó mà luyện tập. Tuyển thiếp là chọn thiếp để luyện tập, thiếp được ví là người thầy không nói, người học thư pháp tùy theo trình độ, khả năng và thời điểm học tập mà tuyển thiếp thích hợp. Lâm thiếp là nhìn thiếp mẫu để theo đó mà viết. Lập thiếp là giai đoạn tất yếu mà người học thư pháp kinh qua. (Trích Phạm Hoàng Quân, Thư pháp chữ Hán – Lý thuyết và thực hành, NXB Mũi Cà Mau, 2005, trang 24,25). Khi mới học thư pháp Tôi thấy mọi người thường loay hoay cân nhắc mấy vấn đề sau:

    - Nên học thể chữ gì? Triện, Lệ, Khải, Hành, Thảo?

    - Nên học theo chữ của ai? Chữ của thầy, chữ của các thư pháp gia thời xưa của Trung Quốc như Liễu, Nhan, Âu, Vương Hi Chi, Đỗ Mạnh Phủ, Tô Thức, Mễ Phất… Thư pháp gia thời nay như anh em họ Điền: Điền Anh Chương, Điển Uẩn Chương, Trần Nhất Lang.

    - Tuyển thiếp như thế nào?

    - Lâm thiếp như thế nào cho phải?

    Đối với những vấn đề trên, Tôi có ý kiến như sau:

    1. Nên học theo thể chữ gì?

    Mỗi thể chữ đều có sự ảo diệu, nét đẹp, phong cách riêng. Mỗi thể chữ đều có bút pháp đặc thù, bạn có thể chọn thể chữ theo sở thích, nhưng nghiêm ngặt nhất, căn bản nhất vẫn là chữ Khải. Sau khi viết chữ khải tốt bạn chuyển sang học thể hành, thảo sẽ nhanh hơn. Trong thể hành, thảo có sử dụng nhiều kỹ năng, bút pháp của thể khải.Tôi thấy có nhiều người mới tập viết đã tập ngay chữ thảo. Đối với người việt, thứ tự chữ Hán còn chưa nắm vứng, cảm nhận về kết cấu còn thiếu hụt, bút pháp căn bản chưa có. Vô hình chung là chưa biết đứng đã đòi học chạy.

    Khải thư Liễu Công Quyền (Huyền Bí Tháp Bi)

    2. Nên học theo chữ của ai?

    Bạn thích chữ của ai thì bạn học của người đó. Chẳng thể nói chữ ai là đẹp nhất. Mỗi người có một cảm nhận và gu thẩm mỹ riêng. Quan trọng là phải học chữ thể hiện được những điều cốt lõi của thư pháp. Thế nào là điều cốt lõi của thư pháp? Đó là tác phẩm được trình bày đúng về mặt hình thức, chữ viết đúng thứ tự nét, đúng bút pháp, kết cấu hợp lý, hài hòa..v.v.. (cái này cần có thời gian để tự cảm nhận). Tuy nhiên, bạn đã lựa chọn ai thì nên trung thành, đừng thay đổi nhiều quá. Dù thầy đang dạy bạn chữ có chưa thực sự đẹp đi nữa thì bạn cũng đừng vội chê bai. Bạn hãy học hỏi những điều quý báu trong chữ của thầy. Bạn không có đủ tư cách để soi xét một ai đó trong khi bạn chưa có được những kỹ pháp như họ.

    3. Tuyển thiếp như thế nào?

    Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều sách dạy viết thư pháp chữ Hán. Tuy nhiên, không phải thiếp nào cũng đẹp. Tốt nhất bạn nên chọn thiếp của thư pháp gia nổi tiếng. Chữ trong thiếp không được bại nét, nhìn cần rõ ràng. Không nên chọn những thiếp không rõ tác giả là ai, thiếp in kiểu chữ máy tính.

    Tân Thư Phổ - Ất Anh Bi

    4. Lâm thiếp như thế nào cho phải?

    Người mới học cần nhìn vào thiếp mỗi khi tập viết. Nhìn là kỹ năng của người học thư pháp. Nó sẽ theo suốt bạn trong suốt quá trình học tập. Nhìn phải đi kèm với phân tích chữ và các vấn đề liên quan. Ví dụ: Phân tích về nét, kết cấu, kiểu dáng, hình thái chữ, nghĩa của chữ, hoàn cảnh ra đời tác phẩm…. Nếu bạn chỉ nhìn một cách cơ học sẽ chẳng có tác dụng gì. Việc lâm thiếp đúng cách sẽ giúp bộ não của bạn sẽ lưu lại hình ảnh và những chi tiết của chữ. Cuối cùng chữ sẽ là của bạn, nó sẽ được trình hiện bởi bạn một cách rất tự nhiên. Người mới học khả năng nhớ chữ còn hạn chế nên khi luyện tập cần lâm thiếp liên tục. Viết xong một, hai nét là phải lâm thiếp ngay. Sau này, khi bạn đã nhớ được chữ thì có thể tự viết tác phẩm cho riêng mình. Đồng thời, cải biến chữ theo phong cách cá nhân trên cơ sở nền tảng thư pháp căn bản.

    Nguồn: Sưu tầm

     


    Cũ hơn Mới hơn