Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Bút pháp cơ bản thư pháp Việt

Đăng bởi Nguyễn Chí Việt ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Bút pháp là những kỹ pháp được sử dụng trong quá trình vận bút ứng dụng trong việc viết chữ hoặc vẽ tranh. Viết hay vẽ tranh thủy mặc đều phải lấy bút lông làm công cụ chính và đường nét là hình thức thể hiện. Khi đưa một nét hoặc chấm một chấm, nhấc bút lên khi nhanh khi chậm, chuyển hướng bút hoặc thu bút...Tất cả những sự biến hoá trong lúc vận bút gọi là bút pháp.

    Bút pháp trong thư pháp Hán có các kỹ pháp căn bản sau mà theo chúng tôi có thể ứng dụng khi viết thư pháp Việt:

    1. Phương Bút:

    Bút pháp cơ bản thư pháp Việt

    Phương bút

    Là nét bút vuông, nét khởi đầu và kết thúc của một nét khi di chuyển, tạo nét gấp khúc để lộ ra góc cạnh rõ rệt gọi là phương bút.

    2. Viên Bút:

    Viên bút

    Là nét bút tròn, nét bút lúc khởi đầu và kết thúc cũng như quá trình chuyển bút của một nét không tạo ra góc cạnh, nét tròn đầy gọi là viên bút. 

    3. Tàng Phong:

    Tàng phong

    Là kỹ pháp giấu ngọn bút, nét bút lúc bắt đầu và lúc kết thúc được thu vén gọn gàng không để lộ phần đầu nhọn của bút gọi là tàng phong.

    4. Lộ Phong:

    Lộ phong

    Nét bút lúc bắt đầu và lúc kết thúc để lộ rõ phần nhọn của bút gọi là lộ phong, thường được thể hiện trong phong thể và biến thể vì có ưu điểm là vận bút nhanh chóng.

    5. Trung Phong:

    Bút pháp cơ bản thư pháp Việt

    Trung phong

    Là kỹ pháp vận bút mà đầu ngọn bút khi di chuyển luôn nằm ở vị trí giữa nét, mực tỏa đều ra hai bên. Lưu ý phải giữ bút ở tư thế đứng mới thực hiện được kỹ pháp này.

    6. Thiên Phong:

    Bút pháp cơ bản thư pháp Việt

    Thiên phong

    Là kỹ pháp vận bút mà ngọn bút và cán bút được giữ nghiêng. Nét bút được chia ra làm hai phần, phần được tạo ra từ ngọn bút và phần được tạo từ bụng bút. Cho nên độ mực của hai bên sẽ không đều, bên nhiều bên ít.

    7. Đề và Án:

    Còn được gọi là nhả và nhấn. Đề là nâng ngọn bút lên khi sắp dừng một chữ hoặc chuyển bút sang một nét mới. Án là ấn bút xuống để tạo trọng tâm hoặc do thế bút.

    Đề và án là hai hoạt động linh hoạt và liên tục khi vận bút, để tạo nét to nét nhỏ, độ dày mỏng đậm nhạt cho chữ.

    8. Chuyển và Chiết:

    Chuyển là di động ngọn bút lông trên mặt giấy, khi chuyển bút chỉ chuyển cánh tay, ngón tay cầm bút và cán bút cố định. Bút đang di chuyển phải đổi hướng để tạo thành góc gọi là chiết.

    9. Đốn và Tốn:

    Ngưng bút mà hơi ấn xuống gọi là đốn. Bút đang di chuyển mà hơi ấn xuống gọi là tốn.

    10. Xoay bút:

    Trong khi vận bút di chuyền các ngón tay giữ thân bút sao cho bút xoay nhẹ, kết hợp khi di chuyển bút để tạo nét chấm tròn. Trong trường hợp ngọn bút bị tưa nhẹ ra không nhọn thì ta có thể chuyển hướng và xoay bút sao cho ngọn bút túm lại thật nhọn.

    11. Liên bút:

    Bút pháp cơ bản thư pháp Việt

    Tác phẩm sử dụng kỹ pháp liên bút

    Là kỹ pháp được dùng nhiều trong phong thể và biến thể, các nét được liên kết với nhau liên tục, đôi khi ta viết một chữ hoặc nhiều chữ chỉ với một nét bút (Một nét bút chỉ được tính là liên kết các ký tự chính trong chữ, phần dấu có thể thêm bởi một nét riêng). Có chữ ta viết luôn cả phần dấu và ký tự chính chi với một nét. Khi liên bút kết nối giữa các nét sẽ có những nét thừa (không phải là nét chính của chữ) nét này phải được viết thật nhỏ không được phép to bằng nét chính.

    Mời bạn tham khảo mẫu cọ hero được sử dụng trong thư pháp Việt tại đây.

    Nguồn: Sách Thư pháp Việt - Lý thuyết và thực hành. Tác giả: Đăng Học


    Cũ hơn Mới hơn