Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Phương pháp luyện viết chữ Hán đẹp cho người mới bắt đầu

Đăng bởi Thư Pháp Dụng Phẩm ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Tôi là người yêu thích chữ Hán và những môn nghệ thuật của Trung Quốc như Thư pháp và tranh thủy mặc. Giống như nhiều người học chữ Hán (hay còn gọi chữ Trung Quốc) tôi bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của Hán tự. Tuy nhiên, thực tế “phũ phàng” là rất ít người có thể viết đẹp chữ Hán. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chúng ta thường viết theo thói quen, không theo một pháp nào cả hoặc luyện tập chưa đúng phương pháp. Ở bài viết này, chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu các kiến thức cơ bản giúp viết chữ Hán đẹp nhé. 

    Tác phẩm thư pháp bút cứng

    Tác phẩm đoạt giải đặc biệt Cuộc thi thư pháp bút cứng toàn quốc Trung Quốc năm 2017

    Chữ Hán thực sự là chữ viết thú vị, nó là chữ viết có nguồn gốc cổ xưa, mang tính tượng hình cao. Những nước phương đông gần Trung Quốc đều chịu ảnh hưởng về ngôn chữ và chữ viết này, có thể kể đến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam.v.v.. Chữ nho mà người Việt chúng ta sử dụng trước đây là chữ Hán cổ vậy.

    Vì sao bạn viết chữ Hán chưa đẹp?

    Viết chữ Hán tùy tiện theo thói quen

    Viết chữ Hán theo thói quen, thiếu tính thẩm mỹ

    Ở Trung Quốc có nghệ thuật thư pháp bút cứng. Thư pháp bút cứng là viết chữ đẹp, viết chữ có pháp tắc bằng bút ngòi cứng (bút máy, bút bi, bút chì.v.v...). Cũng giống như học viết bằng bút lông, người luyện viết bút cứng cũng phải hạ công phu luyện tập. Nếu bạn viết chữ Hán theo thói quen, theo phong cách cá nhân và không dựa trên một nền tảng nào cả thì tất nhiên chữ của bạn chưa thể đẹp được. Tôi thấy rằng, một số bạn đã bắt đầu để ý đến việc luyện tập chữ Hán, tìm đọc một số tài liệu, luyện tập theo video trên mạng nhưng kết quả đạt được không cao. Nếu bạn thuộc trường hợp đó, sau khi đọc bài viết này bạn sẽ có đáp án cho bản thân nhé!

    Học chữ Hán bắt đầu từ đâu?

    - Học chữ Hán bắt đầu từ việc chọn thể chữ:

    Trong chữ Hán có các thể chữ là triện, lệ, khải, hành, thảo. Trong đó, chữ khải là thể chữ nghiêm cẩn, phát triển từ Lệ thư, đường nét giản lược, hình thể phương chính (ngay thẳng), đường nét bằng thẳng (so sánh tương quan so với các thể chữ trước đây). Chữ mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày trong sách báo để phục vụ người đọc đa phần là khải thư.

    Tham khảo các giáo trình, sách vở, dụng cụ luyện chữ Hán đẹp: Tại đây

    - Luyện chữ Hán từ việc học kỹ pháp và nét cơ bản:

    Người luyện viết khác người bình thường ở chỗ có kỹ pháp. Trong thư pháp nói chung thì kỹ pháp (cách vận bút viết các nét) là cái chung, là công phu cơ bản thời nào cũng vậy. Khi có kỹ pháp sẽ tạo ra đường những đường nét sống động hơn, giống với đường nét của bút lông thì càng tốt. Bởi thư pháp bút cứng mà chúng ta đang đề cập có nền tảng từ thư pháp bút lông. Tóm lại, người mới học sử dụng kỹ pháp đó để viết ra những nét cơ bản. Sau đó đến giai đoạn lâm mô, ghép chữ.

    - Luyện chữ Hán thông qua việc lâm mô tự thiếp

    Tác phẩm của thầy Điền Anh Chương

    Tác phẩm của thầy Điền Anh Chương

    Lâm mô việc luyện tập thư pháp dựa vào tự thiếp. Hiểu đơn giản là dựa vào việc tập theo chữ mẫu chữ đẹp, đó là các tác phẩm đẹp thời xưa và nay.v.v.. Lâm mô chia làm các giai đoạn sau:

    Gia đoạn 1: Đọc thiếp

    Nhìn tự hình của thiếp, phân tích gia giá kết cấu, bút pháp, phân tích ước đoán đặc điểm của nét bút trong chữ, kết cấu nét bút và mối liên hệ giữa các nét bút.

    Giai đoạn 2: Mô thiếp

    Viết lên vở chữ in chìm là một hình thức tập mô

    Viết lên vở in chìm là một hình thức của tập mô

    Dùng giấy trong đặt lên chữ mẫu để viết, hoặc viết lên chữ đã in sẵn, hoặc viết lên vở in chữ lõm (vở in chữ chìm). Quá trình mô chủ yếu là giúp người học thông qua mẫu chữ để cảm nhận được bút pháp, kết cấu bố cục, tinh thần của mẫu chữ mình đang luyện tập theo, từ đó quá độ lên bậc mới là lâm thiếp. Kỳ thực mô là hình thức luyện tập giúp tiến bộ rất nhanh nhưng ít người làm theo.

    Giai đoạn 3: Lâm thiếp

    Đây là giai đoạn quan trọng và chiếm nhiều thời gian nhất. Lâm là công việc diễn ra thường xuyên, liên tục và cả đời đối với người học thư pháp. Lâm thiếp là đặt thiếp ở bên cạnh, quan sát tất cả các vấn đề về bút pháp, hình thái đường nét, bố cục, kết cấu của chữ, chương pháp và cao hơn nữa là lĩnh hội tinh thần của chữ của tác phẩm rồi thực hành mô phỏng viết lại. Lúc mới đầu có thể viết và đối chiếu từng nét, khi đã thành thạo thì tần suất nhìn vào thiếp để viết hoàn thiện một chữ sẽ ít hơn.

    Giai đoạn 4: Bối thiếp (thuộc thiếp)

    Viết sấu kim thể bằng bút Gel viết chữ Hán (giai đoạn này không cần nhìn thiếp)

    Trên cơ sở lâm thiếp, dựa vào trí nhớ, hồi ức để viết lại chữ, đây là bước quan trọng biến chữ trong tự thiếp thành cái của mình.

    Gia đoạn 5: Xuất thiếp

    Xuất thiếp là đi ra ngoài khuôn khổ pháp thiếp, tạo cho mình một phong cách riêng. Khi bạn dã thuộc lòng tự thiếp, nắm được đặc điểm của chữ, có thể vận dụng tự do, linh hoạt để viết lách, đồng thời đã có công lực nhất định, sau đó tiếp tục đưa quan điểm thẩm mỹ cá nhân của mình vào để đi ra khỏi tự thiếp, tạo ra một phong cách viết riêng mang bản sắc cá nhân. Tất nhiên, vẫn phải đảm bảo được những yếu tố thẩm mỹ, tính hài hòa âm dương. Viết bừa theo thói quen vẫn có sắc thái cá nhân ở đó nhưng nó khác với viết mà có sự đúc kết rèn luyện trong đó.

    Yêu cầu đối với lâm mô

    Lâm mô thiếp là con đường nhanh nhất và hiệu quả nhất đối với người học thư pháp. Người học cần lâm mô đến khi thuộc tự thiếp, viết chữ theo những điều đã đúc kết trong quá trình luyện tập. Chỉ khi hiểu, lĩnh hội được các vấn đề đó thì mới có thể vận dụng một cách linh hoạt, không bị dập khuôn cứng nhắc trong cách xử lý. Có những người kiên trì ngày nào cũng lâm thiếp, nhưng không thấy hiệu quả. Điều đó chúng tỏ phương pháp lâm thiếp không đúng. Phương pháp là “so đo từng tý”, yêu cầu là lâm thiếp sao cho chữ viết và chữ trong thiếp giống nhau nhất có thể. Trước khi viết 1 nét, viết mỗi chữ thì cần quan sát vị trí, góc độ, dài gắn của nét bút, quan sát kỹ đến mức ”hung hữu thành trúc 胸有成竹” (trong lòng đã có dự định trước). Khi viết nên luyện tốt xong 1 chữ hay chuyển sang chữ khác, không nên rốt ráo luyện tập lấy số lượng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cần có sự nhận thức, lý giải vì sao tác giả lại có cách xử lý như vậy. Điều này quả thực không đơn giản, cần có người thầy chỉ bảo hoặc có định hướng tư duy tìm tòi, mỗi người có khả năng lĩnh hội khác nhau và ở thời điểm khác nhau sẽ hiểu ra một vấn đề nào đó.

    - Lựa chọn thiếp nào để luyện tập? Học theo chữ của ai?

    Thiếp thư pháp Văn Trưng Minh

    Thiếp Cầm Phú của Văn Trưng Minh

    Mỗi tự thiếp đều có phong cách khác nhau, có thiếp thì quy phạm, nghiêm cẩn, có thiếp lại tiêu sái, phiêu dật, khích lệ tràn trề.v.v.. Mỗi người đều có sở thích, quan điểm thẩm mỹ riêng. Vì vậy, câu trả lời là bạn lựa chọn thiếp theo sở thích của bản thân. Người mới học có thể lựa chọn tự thiếp của các danh gia thời nay như Điền Anh Chương 田英章, Lô Trung Nam 卢中南, học theo sẽ dễ tiếp cận, nhanh tiến bộ. Nếu yêu cầu cao hơn thì chọn cổ thiếp để luyện tập. Khải thư có thể lựa chọn Nhạc Nghị Luận 乐毅论, Hoàng Đình Kinh 黄庭经 của Vương Hi Chi; Cầm Phú 琴赋,Thảo Đường Thập Chí 草堂十志 của Văn Trưng Minh; Linh Phi Kinh 灵飞经 - Trung Thiệu Kinh; Đạo Đức Kinh 道德经 của Triệu Mạnh Phủ.v.v..

    Dùng bút gì để luyện tập viết chữ Hán?

    Luyện viết chữ Hán bằng bút máy

    Có nhiều loại bút để viết chữ Hán như bút chì, bút gel, bút máy, bút bi, bút đầu mềm.v.v... Tuy nhiên, loại bút phù hợp cho người mới luyện viết là bút máy và bút gel. Cỡ ngòi phổ thông nhất là 0.7mm. Bút máy và bút gel là loại bút rất cơ bản, một số loại bút khác bị cường điệu hóa tính năng như: Bút ngòi cong tăng tiết diện tiếp xúc, bút bi khó tạo ra thay đổi thô tế (to, nhỏ) trong đường nét. Thư Pháp Dụng Phẩm đã tuyển chọn một số dụng cụ viết chữ hán chất lượng để giới thiệu tới thư hữu, gồm có:  bút máy, bút gel, giấy tập viết, giáo trình của thầy Điền Anh Chương, vở in chữ lõm.v.v.. Nói chung, các loại sách, vở, giáo trình và dụng cụ học tập rất nhiều. Vấn đề mấu chốt là bạn hiểu được phương pháp học tập nêu trên để thực hiện.

    Các loại giấy kẻ ô để tập viết chữ Hán?

    Các loại vở kẻ ô viết chữ hán

    Theo thống kê của chúng tôi, hiện nay có 08 loại vở kẻ ô cơ bản để tập viết, bao gồm: Mễ tự cách, điền tự cách, ô vuông, hồi cung cách, trung cung cách, giấy kẻ dọc, giấy kẻ ngang. Mỗi loại kẻ ô có tác dụng và phù hợp với người học ở những giai đoạn khác nhau trong quá trình luyện tập. Loại kẻ ô thông dụng là ô mễ tự và điền tự. Để tìm hiểu rõ hơn về các loại vở kẻ ô này. Mời bạn tham khảo bài viết: Tìm hiểu các loại giấy kẻ ô viết chữ Hán.

    Làm thế nào để viết chữ Hán đẹp?

    Muốn viết chữ đẹp trước tiên phải có kỹ pháp, có kết tự, chương pháp (đó là những yếu tố cơ bản). Trong một chữ và giữa các chữ có tiết tấu, có trọng khinh, thô tế, nhanh chậm, bút đoạn ý liên, trước sau nhòm ngó.v.v.. Đảm bảo tính âm dương, hài hòa, tự nhiên trong từng nét, từng chữ và lớn hơn và cả tác phẩm. Qua tác phẩm thấy được tinh thần, tâm tư của người viết. Đó là cảnh giới cao rồi, người mới học chỉ cần bút pháp đúng, viết đều, ngay ngăn, đăng đối đã là tốt rồi. Cân đối có cân đối thực và cân đối ảo. Cân đối thực có thể nhìn thấy rõ ràng về mặt hình học, còn cân đối ảo thì thông qua cảm nhận sẽ thấy rõ ràng hơn.

    Một số chú ý giúp bạn viết đẹp:

    Trong một đoạn chữ có cao có thấp, có lớn có bé

    Đây là một đoạn của thầy Điền Anh Chương viết chữ hành thư, nhìn một cách tỉ mỉ thì phát hiện ra rằng "chiều cao bình quân" của các chữ gần bằng nhau, nhưng có một số chữ có chiều cao đặc biệt thấp hoặc cao hơn những chữ còn lại, điều đó tạo ra tiết tấu trong chương pháp. Ví dụ: 不、所、而、方 thấp hơn. 

     

    Mỗi chữ đều có đặc trưng hình khối riêng

    Mỗi chữ đều có tự hình phù hợp với chữ đó, không phải lúc nào viết ngay thẳng đều đặn là đẹp. Ở đoạn văn trên mỗi chữ đều có đặc trưng riêng, quy về hình học thì có hình khối như khoanh đỏ. Về cơ bản, bình thường cứ viết được hình khối như vậy sẽ đẹp.

    Viết liên bút, thứ tự bút thuận

    Viết liên bút và bút thuận

    Chữ Hán có quy tắc bút thuận, quy tắc đó chỉ đúng tương đối. Thực tế cũng một chữ hoặc bộ phận của chữ có nhiều cách viết khác nhau, tùy thuộc vào bút thế và sự liền mạch trong chữ. Người mới học trước tiên nên thuộc quy tắc bút thuận. Sau đó khi đi vào luyện tập chú ý quan sát sẽ nhận biết được thứ tự bút thuận của chữ mẫu. Trong hành thư các nét kéo dài, bút ý lộ rõ nên cũng dễ nhìn thấy thứ tự các nét hơn, hơn nữa do các nét nối liền hoặc biến đổi nên cũng sẽ khác so với chữ khải thư thông thường.

    Kéo dài, cường điệu chủ bút

    Nét chủ bút kéo dài, cường điệu

    Trong các chữ ở hình nêu trên thì các nét chủ (nét chính) đều thấy được kéo dài và cường điệu, khoa trương hơn so với các nét khác. Những nét này khiến chữ bớt đi sự đơn điệu, kéo lại trong tâm của chữ.
     

    Sự chặt chẽ, thu phóng trong kết cấu

    Tả Thu Hữu Phóng


    Một số chữ nêu trên "tả thu hữu phóng" 左收右放, tức phần bên trái tương đối chặt (khoảng hở ít), phần bên phải thì lỏng hơn (có kéo dài).

    Thượng thu hạ phóng

    Thượng thu hạ phóng

    Những chữ trên "thượng thu hạ phóng", tức trọng tâm lại ở phía trên tổng thể phía trên thu hẹp, phần phía dưới chiếm không gian nhiều hơn.

    Một số ví dụ về vấn đề sơ mật

    Một số ví dụ về vấn đề sơ mật

    Vấn đề về sơ mật (sơ chặt) là điều cơ bản về gian giá kết cấu của tự hình. Nếu bạn lĩnh hội và vận dụng linh hoạt được thì chữ sẽ đạt được sự bình ổn, quen thuộc. Chúng ta cùng xem một vấn đề về gian giá kết cấu trong chữ trên.

    - Chữ Hoa 华 thì nét sổ nằm ở giữa và kéo thẳng xuống gọi là Trung Thụ Thùy Trực 中竖垂直.

    - Chữ Bảo 宝 thì nét điểm ở trên đầu bộ miên và nét thụ ở giữa hô ứng, gọi là Điểm Thụ Hô Ứng 点竖呼应.

    - Chữ Thụy 瑞 thì bên trái nhỏ,bên phải lớn, gọi là Tả Tiểu Hữu Đại 左小右大

    - Chữ  Lĩnh/ Lãnh 领 thì bên trái và bên phải tương đối bằng nhau, gọi là Tả Hữu Quân Phân 左右均分

    - Chữ Bai 掰 và Chúc 粥 thì bộ phận ở giữa nhỏ hơn hai bên, gọi là Trung Gian Thu Tiểu.

    Chắc hẳn bạn nào kiên nhẫn lắm mới có thể học đọc hết bài viết này nhỉ? Mặc dù đã cố gắng cô đọng nội dung nhưng bài viết vẫn tương đối dài. Hi vọng sẽ đưa ra được một số gợi ý hữu ích đối với người luyện viết chữ Hán bút cứng. Ở trên internet có rất nhiều tài liệu, video hướng dẫn viết chữ nhưng không phải tài liệu nào cũng đảm bảo chất lượng và đáng tin cậy. Cổ nhân có câu "cổ chi học giả tất hữu sư", ý là người học ngày xưa phải có thầy. Thầy sẽ chỉ ra những sai lầm để ta sửa đổi. Nếu bạn có điều kiện hãy theo học thầy, nếu không có điều kiện theo học thầy thì cũng nên nghiên cứu, lựa chọn cho mình phương pháp học tập đúng đắn.

    Thư Pháp Dụng Phẩm