Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Quy tắc viết các nét trong chữ Hán, thứ tự bút thuận

Đăng bởi Thư Pháp Dụng Phẩm ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Bạn mới học chữ Hán hoặc đã học từ lâu nhưng chưa nắm rõ thứ tự viết chữ Hán, hoặc bạn cảm thấy thứ tự thuận bút quá phức tạp để nhớ. Bài viết này sẽ giải quyết vấn đề của bạn nhé. Mình sẽ đi từ vấn đề ngọn nguồn, đưa ra mẹo nhớ thự tự bút thuận, 07 nguyên tắc cơ bản, 04 nguyên tắc bổ sung kèm theo ví dụ minh họa cụ thể. Sau khi đọc bài viết, bạn sẽ cảm thấy viết đúng thứ tự của một chữ Hán thật đơn giản, đừng thần thánh nó quá nhé. 

    Bút thuận

    Quy tắc bút thuận là thứ tứ viết các nét bút để tạo thành chữ Hán. Bút thuận ảnh hưởng nhất định đến tốc độ viết và chất lượng tự hình (hình dáng của chữ). Quy tắc bút thuận truyền thống và quy tắc bút thuận ở một số khu vực có sự khác nhau. Quy chuẩn về bút thuận của Trung Quốc đại lục lấy bộ "Hán ngữ hiện đại thông dụng tự bút thuận quy cách" do Ủy ban công tác ngôn ngữ văn tự quốc gia Trung Quốc ban hành làm quy chuẩn (Link tải ở phía dưới bài viết).

    Hán ngữ hiện đại thông dụng tự bút thuận quy cách

    Trích 1 trang cuốn Hán ngữ hiện đại thông dụng tự bút thuận quy cách

    Quy tắc bút thuận truyền thống được sử dụng phổ biến từ thời cổ đại. Được hình thành qua các thời kỳ cùng với các thể chữ, đồng thời chịu ảnh hưởng sâu sắc từ thư pháp. Trong thư pháp chia làm 05 thể chữ cơ bản là Triện, Lệ, Khải, Hành, Thảo. Chữ mà chúng ta đề cập ở bài viết này là quy tắc bút thuận của khải thư. Khải thư là thể chữ nghiêm cẩn, đoạn chính chúng ta thường thấy ở các tài liệu sách báo. Ở thể chữ khác thì quy tắc bút thuận cũng sẽ khác (ví dụ minh họa phía dưới). Đặc biệt trong thảo thư có tính liên kết đường nét cao nên việc vận dụng "bút thế" khác với những thể chữ khác.

    Quy tắc bút thuận của chữ Vương

    Ở thể chữ khải thư thì chữ Vương được viết theo nguyên tác ngang trước sổ sau

    Thứ tự bút thuận chữ Vương thể chữ hành thư

    Ở thể chữ Hành thư thì quy tắc thuận bút "ngang trước sổ sau" không còn đúng nữa

    Nhìn chung quy tắc bút thuận chỉ mang tính chất tương đối. Mục đích của quy tắc bút thuận là khi viết cảm thấy thuận tay, các nét liền mạch, nét trước hướng tới nét tiếp theo, thuận thế bút mà viết nét tiếp. Điều này sẽ thấy rõ ràng hơn ở thể chữ hành thư và thảo, khi mà các nét lộ rõ đầu mối hướng đến nhau, chông nhau hoặc trực tiếp nối với nhau. Trong thư pháp, cùng một chữ thì việc vận dụng "bút thế" khác nhau sẽ tạo ra thứ tự thuận bút khác nhau nhưng vẫn đảm bảo tính hợp lý. Vì vậy, hãy dè chừng khi nhận xét, đánh giá ai đó viết sai thứ tự thuận bút.


    A. MẸO NHỚ QUY TẮC BÚT THUẬN

    Đây là vấn đề mấu chốt của bài viết này. Để viết đúng quy tắc thuận bút của thể chữ khải thư bạn hãy áp dụng phương pháp sau nhé. Đây là kinh nghiệm mình rút ra trong quá trình học chữ Hán và thư pháp:

    Mẹo 01: Thuộc quy tắc thuận bút ở dưới đây, bao gồm 07 nguyên tắc chính và 04 nguyên tắc bổ sung. Các nguyên tắc đó đã là rất cô đọng rồi. Mình khuyên bạn không nên đọc thêm nguyên tắc nào khác vì rốt cuộc nó khiến bạn thêm rối mà thôi. Nếu bạn muốn hiểu kỹ hơn về bút thuận, hãy học thư pháp và đặc biệt là thảo thư nhé.

    Mẹo 02: Nhiều khi áp dụng quy tắc vào mà chưa suy luận được thứ tự bút thuận thì hãy tra cứu cho nhanh nhé. Có nhiều cách tra cứu như:

    - Tra cứu tại ở tài liệu "Hán ngữ hiện đại thông dụng tự bút thuận quy cách" do Ủy ban công tác ngôn ngữ văn tự quốc gia Trung Quốc ban hành: Tải về

    - Tra cứu tại Website tra cứu bút thuận, có ảnh gif rất rõ ràng:  Tại đây.

    - Tra cứu bằng ứng dụng "Hán Việt" (từ điển) trên điện thoại. Đây là ứng dụng mà mình thường dùng để tra cứu.

    Ứng dụng tra cứu thuận bút

    Giao diện ứng dụng từ điển Hán Việt + tra cứu thứ tự thuận bút

    Mẹo 3: Viết thật nhiều vào nhé, khi viết nhiều sẽ hình thành thói quen, thứ tự thuận bút sẽ được ghi nhớ và trở thành phản xạ tự nhiên. Hãy nhớ rằng khi bạn luyện viết chữ Hán thể chữ khác (ví dụ như hành thư) thì quy tắc thuận bút sẽ khác đi, khi đó bạn có thể tra cứu từ điển thư pháp, rồi khi nhìn vào chữ thư pháp đó bạn sẽ phần nào hình dung ra được đường đi nước bước của chữ đó.

    Lưu ý: 

    - Như đã nêu ở trên, quy tắc bút thuận nêu ở mục B, C dưới đây chỉ mang tính chất tương đối. Nếu bạn tình cờ nhận thấy một chữ nào đó không theo quy tắc dưới đây thì đó là trường hợp ngoại lệ. Bạn có thể tìm hiểu thêm hoặc quay trở lại mẹo 3 nêu trên.

    - Trong chữ Hán các nét cơ bản có tên gọi riêng. Việc chúng ta quen gọi nét phất, nét chấm, nét sổ.v.v.. là cách gọi thuần việt. Ở phần quy tắc viết các nét dưới đây mình tạm thời sử dụng các thuật ngữ thuần việt đó cho mọi người dễ hiểu. Nếu bạn muốn tìm hiểu rõ cách đọc của các nét cơ bản trong chữ Hán thì mời bạn tham khảo video dưới đây:


    B. QUY TẮC VIẾT CÁC NÉT

    – Quy tắc 1: Ngang trước sổ sau.

    Nét ngang viết trước, nét sổ viết sau.

    VD: Với chữ thập 十, nét ngang sẽ được viết trước sau đó đến nét dọc.

    Thứ tự viết ngang trước sổ sau

    - Quy tắc 2: Phẩy trước mác sau

    Các nét xiên trái (丿) được viết trước, các nét xiên phải (乀) viết sau.

    VD: Chữ bát 八, chữ văn 文. 。

    Thứ tự viết phẩy trước mác sau

    – Quy tắc 3: Trên trước dưới sau

    Các nét bên trên được viết trước các nét bên dưới.

    VD: Số 2 二 số 3三. Mỗi nét được viết từ trái qua phải và lần lượt từ trên xuống dưới.

    Thứ tự viết trên trước dưới sau

    – Quy tắc 4: Trái trước phải sau

    Trong chữ Hán các nét bên trái được viết trước, nét bên phải viết sau.

    VD: Với chữ minh 明 gồm bộ nhật 日 và bộ nguyệt 月. Trong mỗi bộ thì các nét bên trái viết trước các nét bên phải viết sau. Đồng thời, bộ nhật đứng bên trái viết trước, bộ nguyệt đứng bên phải viết sau.

    Thứ tự viết trái trước phải sau

    – Quy tắc 5: Ngoài trước trong sau

    Khung ngoài được viết trước sau đó viết các nét trong sau. Cái này được ví như xây thành bao ngoài trước, sau đó đi vào tiếp tục xây dựng kiến thiết bên trong.

    VD: Chữ dụng 用, khung ngoài được viết trước, sau đó viết các nét bên trong.

    Thứ tự viết ngoài trước trong sau

    – Quy tắc 6: Vào trước đóng sau

    Nguyên tắc này được ví như vào nhà trước đóng cửa sau cho các bạn dễ nhớ nhé.

    VD: Chữ quốc 国 khung ngoài được viết trước, sau đó viết đến bộ ngọc bên trong (đến đây vẫn phù hợp với quy tắc 5 nêu trên) và cuối cùng viết nét ngang để đóng lại.

    Thứ tự ngoài trước đóng sau

    – Quy tắc 7: Giữa trước hai bên sau

    Viết ở giữa trước rồi mới viết hai bên, với nguyên tắc này sẽ giúp chúng ta dễ căn chỉnh không giản hơn.

    VD: chữ thủy 水。Nét sổ thẳng được viết trước, sau đó viết các nét bên trái, cuối cùng là các nét bên phải.

    Quy tắc giữa trước hai bên sau

     


    B. QUY TẮC BỔ SUNG

    Như vậy ở trên ta đã biết được thứ tự viết các nét. Để ghép chữ chúng ta nhớ thêm một số quy tắc bổ sung sau. Mình sẽ có ví dụ minh họa thật cụ thể để bạn dễ hiểu nhé.

    1. Nét sổ thẳng qua các nét viết sau cùng, nét xuyên ngang viết sau cùng

    Các nét sổ dọc xuyên qua nhiều nét khác thường được viết sau cùng, như trong chữ 聿 và chữ 弗.

    Nét sổ thẳng viết sau cùng


    Các nét ngang xuyên qua nhiều nét khác cũng thường được viết sau cùng, như trong chữ 毋 và chữ 舟.

    Nét xiên ngang viết sau cùng

    2. Trong các nét bao quanh 口 thì nét sổ viết trước

    Đối với chữ có các nét bao quanh thì nét sổ dọc | bên trái được viết trước (phù hợp với quy tắc trái trước phải sau), sau đó viết nét ngang + sổ  ┐. Nét ┐ được viết liền lại với nhau và tính là 1 nét. Ví dụ: Chữ 日 và chữ 口. Trong các nét bao quanh sổ viết trước

     

    3. Viết nét bao quanh ở đáy sau cùng

    Các đường nét đỡ nằm dưới đáy của chữ thường được viết sau cùng, như trong các chữ: 凶, 道, 建.

    Các nét bao quanh ở đáy viết sau cùng

    4. Viết nét chấm nhỏ sau cùng

    Trong chữ có xuất hiện nét chấm nhỏ thì nét chấm đó được viết sau cùng. 

    - Các nét chấm ở phía trên bên phải: 成, 求, 朮, 犬

    - Các nét chấm ở phía trong chữ: 玉, 瓦, 国

    nét chấm nhỏ viết sau cùng

    Như vậy, Thư Pháp Dụng Phẩm đã chia sẻ tới các bạn quy tắc viết các nét và thứ tự bút thuận trong chữ Hán. Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích hãy chia sẻ nhé. Sau khi đã biết ghép chữ rồi, nếu bạn muốn viết chữ đẹp, mời bạn đọc bài viết phương pháp luyện viêt chữ Hán đẹp nhé.

    Thư Pháp Dụng Phẩm


    Cũ hơn Mới hơn