MỤC LỤC [Ẩn]
Vua Càn Long sinh thời là người yêu thích thư pháp. Tam Hy Đường là thư phòng của Thanh Cao Tông hoàng đế – Càn Long, diện tích chỉ khoảng 4.8 mét vuông, nhưng bài trí cao nhã, tinh tế. Đây là nơi vua Càn Long cất giữ “Tam Hy mặc bảo”: “Khoái tuyết thời tình thiếp” của Vương Hi Chi, “Trung thu thiếp” của Vương Hiến Chi và “Bá Viễn thiếp” của Vương Tuần.
“Tam Hy” có hai cách giải nghĩa. Một là “Sỹ hy hiền, hiền hy thánh, thánh hy thiên”, nghĩa là: kẻ sỹ học với hy vọng trở thành người hiền, người hiền hy vọng trở thành thánh nhân, còn bậc thánh nhân hy vọng đạt tới mức anh minh như trời”, cũng là để cổ vũ bản thân không ngừng chăm chỉ, cố gắng. Cách hiểu thứ hai là “trân quý”. Cổ văn “希” (hy vọng) cũng có nghĩa là “稀” (hiếm có), “tam hy” nghĩa là ba trân bảo hiếm có trên đời.
Vua Càn Long văn thao võ lược, học rộng biết nhiều, giỏi làm thơ lại có tài thư pháp, đã từng nhiều lần tìm kiếm danh thiếp của đại thư pháp gia trên khắp cả nước. Vào năm Càn Long thứ 11, ông đã thu thập được “Khoái tuyết thời tình thiếp” của Vương Hi Chi, “Trung thu thiếp” của Vương Hiến Chi và “Bá Viễn thiếp” của Vương Tuần.
1. Vương Hi Chi “Khoái tuyết thời tình thiếp”
Khoái tuyết thời tình thiếp
“Khoái tuyết thời tình thiếp” được sáng tác khi Vương Hi Chi ngoài 40, cũng là một trong những tác phẩm truyền đời tiêu biểu của ông. Một bức thư tay lúc bấy giờ, chỉ vì bốn chữ “Khoái tuyết thời tình” mà nổi danh thiên hạ. Dụng bút phóng khoáng, thể chữ nhẹ nhàng , là tinh phẩm trong số các bức hành thư Vương thể, được người đời sau ngợi ca rằng có thế “Long khiêu sơn môn, hổ ngoạ phượng các”.
2. Vương Hiến Chi “Trung Thu thiếp”
Trung thu thiếp
“Trung thu thiếp” không có lạc khoản, được truyền rằng là tác phẩm của Vương Hiến Chi, nhưng cũng có người hoài nghi cho rằng là bản lâm của Mễ Phất thời Tống. Đây là một trong những tác phẩm “Nhất bút thư” tiêu biểu, dụng bút của Vương Hiến Chi như nước chảy mây trôi, bút thế liên miên bất tuyệt, xử lý tự thể đạt tới mức hoàn mỹ, biểu hiện khí thế anh hùng, hào sảng.
3. Vương Tuần “Bá Viễn thiếp”
Bá Viễn thiếp
“Bá Viễn thiếp” là bức thư tay Vương Tuần hỏi thăm bạn ốm, nổi danh với hai chữ “Bá Viễn” trong câu đầu tiên. “Bá Viễn thiếp” dụng bút tự nhiên, trôi chảy, phiêu dật khoáng đãng, là tác phẩm Hành Thảo kinh điển thời kỳ Đông Tấn.
Tam Hy Đường không chỉ được biết đến với “Tam Hy mặc bảo”, mà nơi đây còn được bày trí với số lượng lớn sản phẩm thủ công và văn phòng tứ bảo tinh tế. Sự cao nhã luôn tràn ngập trong không gian nhỏ này, khiến nơi đây luôn toả ra một “khí văn nhã” ^^!
Nguồn: Tổng hợp bởi team Vytx / Vân Yên Thư Xã