Giỏ hàng
Facebook Instagram Youtube Twitter

Vấn đề lâm mô trong việc học Thư pháp

Đăng bởi Nguyễn Chí Việt ngày bình luận

MỤC LỤC [Ẩn]

    Lâm mô bia thiếp là con đường chính và bắt buộc phải đi qua với người học Thư, đồng thời cũng là công phu cơ bản trong việc vận dụng và sáng tác các tác phẩm Thư pháp cho mình sau này. Quá trình lâm thiếp như thế nào sẽ đánh dấu cho việc học tập có thành công hay không trên con đường nghệ thuật bút mực này.

    Thông qua việc học tập, sáng tác và kinh nghiệm viết của bản thân mà có mấy nhời cùng thư hữu và học giả các xứ trong việc lâm mô bia thiếp để làm tham khảo.

    Thứ nhất, muốn lâm thiếp phải biết tuyển thiếp

    Tuyển thiếp là bước này rất quan trọng, nó quyết định trực tiếp đến hướng đi của người học, người tập, phản ánh chiều sâu thẩm mỹ với chữ nghĩa của người chọn lựa, và thậm chí quyết định sự thành bại của kẻ đang bỏ công phu, cho nên không thể tùy tiện mà xem nhẹ việc này, và đầu tiên phải là “thủ pháp hồ thượng”. Cổ nhân nói: “Thủ pháp hồ thượng, đắc pháp hồ trung; thủ pháp hồ trung, đắc pháp hồ hạ”. Đây chính là tiền đề của việc chọn thiếp, tuyển thiếp. Nhưng phải căn cứ vào chính vào nhãn quan, thẩm mỹ của mình để chọn pháp thư phù hợp. Bởi nếu cảm được thiếp mới có thể dễ dàng nhập thiếp, nhanh chóng nắm được tinh thần của thiếp làm mẫu và tiến hành luyện tập, lâm mô, và sau mới có cơ hội xuất thiếp khi đã có một quá trình luyện tập công phu cơ bản đối với thiếp. Tuy nhiên khuyến cáo vẫn là “tiên khải nhi lệ, hành thảo hậu bôn chi”.

    Thứ hai, lâm mô phải biết thực hiện tam kết hợp

    Lâm mô phải biết “tam kết hợp”, tức kết hợp ba thứ, lâm thiếp kết hợp đọc thiếp, lâm thiếp với mô thiếp, lâm với bối lâm kết hợp. Đọc thiếp chính là quá trình quan sát, tự đánh giá, cảm nhận, phân tích tổng hợp để rút ra các đặc điểm về điểm hoạch, bút pháp, kỹ pháp, kết cấu, chương pháp .v.v. Khi đã có ấn tượng sơ bộ và cảm nhận cơ bản về mẫu tự thì có thể tiến hành vừa đọc vừa lâm (đối lâm) trên cơ sở đã nhìn chuẩn về sự bố trí các nét, hình thể chữ, cách đi bút. Chữ có dài ngắn, thô tế, khúc trực, tà chính, lại thêm các vị trí khởi, hành, thu, xuất rồi đến lộ, tàng, chuyển, chiết, đề, án, đốn, tổn, tật, sáp phong phú vô cùng (tham khảo bài viết các thuật ngữ thư pháp). Nếu không nhất tâm hẳn sẽ rất khó đạt được yêu cầu “đại đảm lạc bút” chứ chưa nói đến phải “tế tâm thu bút”. Việc vừa đọc thiếp vừa lâm thiếp không đơn thuần chỉ để sao lại, chép lại một cách vô thức thiếp mẫu, mà chính là để lãnh hội, thể ngộ được tinh thần của thiếp theo thẩm mỹ quan đối với thiếp mà ta đã chọn. Cẩn thận hơn, trước khi lâm có thể tiến hành mô để nám kỹ hơn về tự hình. Chỉ cần chú ý: “lâm thiếp dị đắc cổ nhân bút ý nhi đa thất cổ nhân vị trí; mô thiếp dị đắc cổ nhân vị trí nhi đa thất cổ nhân bút ý”. Vậy nên Lâm và Mô kết hợp chính là sự tiền chuẩn bị cho việc “thủ pháp” và “đắc pháp”.

    Thứ ba, việc lâm thiếp phải chuyên tâm, bền bỉ

    Khi đã chọn lâm thiếp nên chuyên tâm nhất thiếp, sau khi đã tương đối thuần thục và cảm giác mình đã có thể chữ như từ tay viết ra tự nhiên mới nên lâm đến các thiếp khác. Nên nhớ rằng, lắm thầy nhiều ma, sáng ba chiều bốn tất chữ sẽ loạn vì mất phương hướng. Bởi chỉ khi đã học thuần một thiếp mới có cơ sở để so sánh, phân tích các thiếp khác thâm chí phân tích lại thiếp đã học. Và qua trọng hơn, đó là rũ bỏ được thói quen viết tùy tiện tự nhiên theo vô thức và cảm tính thiếu chuẩn tắc. Nếu không ngộ đường điều này e rằng dễ hỏng, lâm mô nhiều mà thừa vẫn hoàn thiếu, khổ công phu mà thành tự vẫn chẳng mấy.

    Thứ tư, không nên có tâm lý nóng vội

    Không nên nóng vội, lâm mô vài ba ngày thấy giống tương đối đã vội vứt bỏ và cho rằng đã thành tựu. Tất thảy người học thư đều phải kiên trì từng bước từng bước, nay lâm mai lâm, ngày tháng tích lũy mới mong thấu triệt thần ý của cổ nhân, thậm chí hôm nay lâm đã thấy khác hôm qua lâm nhiều lắm rồi. Học thư tối kỵ nóng vội, ngộ nhận thành tựu trước mắt dẫn đến lầm lạc về sau.

    Và điều cuối cùng, ấy là lâm mô phải kết hợp với vận dụng thực tế

    Lâm mô phải kết hợp với thực tế bởi lâm mô vẫn chỉ là bước nắm được kỹ pháp và bút ý, nâng cao năng lực viết và để hỗ trợ cho việc học tập thư pháp lâu dài và công việc sáng tác nghệ thuật sau này. Vì thực tế, nghệ thuật thư pháp không chỉ có lâm mô là đã hết. Giả như Thư Pháp chỉ là lâm mô thì tất thảy thư gia chỉ là những bậc kẻ biển, truyền thần lão luyện mà thôi. Vừa lâm mô, vừa vận dụng sáng tác thực tế sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm hơn rất nhiều khi mãi chỉ thấy được một bố cục, một không gian, một hoàn cảnh. Và đó chính là tay nghề được nâng cao thực sự dần dần khi va có các va chạm và tình huống viết khác nhau cần phải xử lý. Nguyên tắc chính, đó là, học để vận dụng chứ không phải để sao chép.

    Xuân Như, 19 Nov 2007
    Đã đăng trên thuhoavietnam.com


    Cũ hơn Mới hơn